Vẫn còn nhiều khó khăn khi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
VOV.VN - Có rất nhiều vụ việc người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi, tuy nhiên số vụ việc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý lại không nhiều.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Quốc hội khoá XII thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2011. Sau 10 năm thực thi, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, không ít trường hợp, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn khó khăn, bất cập. Nhiều người mong rằng, khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 được áp dụng sẽ “bịt” kín được những hạn chế, người tiêu dùng được bảo vệ thực sự.
Chị Lê Hoa Mai (ở Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mấy tháng trước, trong chương trình khuyến mại dịp 2/9 chị có mua một chiếc nồi chiên không dầu trên trang thương mại điện tử của một người có địa chỉ tại TP. Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, chiếc nồi của chị mới dùng được 3 lần thì bỗng nhiên trục trặc, chập chờn gây nên sự bất tiện trong quá trình sử dụng. Sau khi xem xét, tìm hiểu, chị phát hiện nguyên nhân là do chiếc nồi bị lỗi.
“Liên tiếp gặp trục trặc, tôi đã liên hệ với người bán hàng, nhưng họ một mực cho rằng tôi không biết cách sử dụng nên đã tự làm hỏng nồi. Đôi co mãi, cuối cùng họ chịu nhận lại nồi để bảo hành nhưng với điều kiện tôi phải chi trả toàn bộ chi phí vận chuyển. Ngại phiền hà, rắc rối nên tôi cũng không khiếu nại và đành tự bỏ tiền mang chiếc nồi ra cửa hàng gần nhà để sửa với chi phí bằng 1/3 giá trị cái nồi…”, chị Mai cho biết.
Tương tự, mới đây, anh Nguyễn Đức Tùng, công nhân ở khu công nghiệp Khai Quang có mua 2 cầu sữa cho con nhưng khi về uống thấy sữa bị chua và vón cục, anh xem hạn sử dụng thì đã sắp hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, anh Tuấn cho biết: “Khi mua tôi không lấy hoá đơn nên không có chứng cứ khiếu kiện và giá trị 2 cầu sữa không phải nhiều nên tôi chấp nhận chịu thiệt thòi và bỏ qua coi như bài học cho mình”.
Việc mua phải hàng hoá kém chất lượng, ngại khiếu nại và tâm lý “cho qua” như các trường hợp nêu trên không phải là hiếm mà khá phổ biến hiện nay, nhất là với người mua hàng online.
Về những vấn đề trên, theo Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trên thực tế, có rất nhiều vụ việc người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi, tuy nhiên số vụ việc khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý lại không nhiều.
Nguyên nhân việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn là do nhận thức của phần lớn người tiêu dùng nói chung còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Nhiều trường hợp người tiêu dùng bị xâm hại về quyền lợi khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không biết khiếu nại ở đâu, yêu cầu bồi thường như thế nào.
Nhiều người lại chủ động im lặng, bỏ qua, không lên tiếng, không thông tin với cơ quan chức năng để kịp thời vào cuộc, giải quyết…Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh còn hạn chế về tài chính; cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên cũng gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía quản lý thị trường, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của ngành Công thương thời gian qua được thực hiện quyết liệt.
Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn không ít các sản phẩm hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng vẫn được sản xuất, lưu thông trên thị trường; nhiều sản phẩm được “thổi phồng” chất lượng, quảng cáo không đúng sự thật vẫn được tung ra trên nhiều kênh thông tin khác nhau. Mặc dù cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên vẫn chưa thể xử lý, giải quyết dứt điểm.
Theo Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đại đa số người tiêu dùng thường bị thu hút bởi các sản phẩm mẫu mã đẹp, giá thành rẻ mà ít để ý tới nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, địa chỉ nhà sản xuất, phân phối, hạn sử dụng.
Khi mua hàng, họ cũng không để ý tới việc lấy hoá đơn hay các giấy tớ liên quan tới việc giao dịch. Bởi vậy, đã có nhiều trường hợp khiếu nại lên cơ quan quản lý thị trường yêu cầu vào cuộc để bảo vệ quyền lợi nhưng chúng tôi không thể giúp vì không có chứng cứ xác minh người đó đã mua hàng của đơn vị, doanh nghiệp nào, trong thời gian nào.
Để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người tiêu dùng cần thận trọng hơn, phải lựa chọn hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; nên mua hàng ở những địa chỉ uy tín và lưu lại hoá đơn, chứng từ giao dịch, đồng thời, chủ động liên hệ cơ quan chức năng khi mua phải hàng giả, kém chất lượng.