Vì sao chuỗi siêu thị nổi tiếng của Pháp rút khỏi thị trường Việt Nam?
VOV.VN - Tập đoàn bán lẻ Pháp Auchan vừa quyết định rời thị trường Việt Nam do thua lỗ, bị cạnh tranh quá khốc liệt...
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Les Echos của Pháp, Chủ tịch tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte, cho biết đã quyết định bán hệ thống siêu thị Auchan tại Việt Nam.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên của tập đoàn bán lẻ Pháp cho hay kế hoạch bán lại chuỗi siêu thị Auchan ở Việt Nam đang thu hút nhiều sự quan tâm.
Việc rút khỏi thị trường Việt Nam được Auchan công bố ngay sau khi tập đoàn này vừa bán lại hệ thống siêu thị của mình tại Italy cho Conad, một doanh nghiệp bán lẻ nội địa ở Italy.
Một siêu thị Auchan trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, TP HCM. (Ảnh: Auchan) |
Cạnh tranh khốc liệt
Theo thông tin trên Cafebiz, Việt Nam được đánh giá là một thị trường bán lẻ tiềm năng với gần 100 triệu dân, thu nhập của người dân cũng như tầng lớp trung lưu đang có xu hướng tăng lên và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao.
Đây cũng chính là lý do để thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành một mảnh đất màu mỡ khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài lẫn trong nước tranh giành. Những tên tuổi lớn ở nước ngoài như Lotte của Hàn Quốc, Aeon, Family mart, Ministop, 7– Eleven của Nhật hay Big C của Thái đều đã có mặt tại Việt Nam và không ngừng mở rộng.
Chuỗi siêu thị Auchan không thể bám trụ tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: Cafebiz) |
Cuối năm 2014, thị trường bán lẻ Việt ghi nhận sự góp mặt của Vingroup khi VinCommerce, công ty con thuộc tập đoàn này triển khai hoạt động của hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+. Bằng cách mở rộng nhanh chóng, đồng thời thông qua mua lại hàng loạt các siêu thị khác như Ocean Mart, Fivimart, siêu thị 79, Shop & Go... tới thời điểm hiện tại, hệ thống Vinmart và Vinmart+ có khoảng 2.000 điểm bán và đang là chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất thị trường bán lẻ siêu thị tại Việt Nam.
Bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2014, cùng thời điểm có mặt với Vinmart trên thị trường, Auchan chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính chung cư của chủ đầu tư. Việc này đều mang lại lợi ích cho đôi bên. Trung tâm mua sắm đông người sẽ giúp chủ đầu tư có cơ hội bán căn hộ, ngược lại chung cư sẽ mang lại nguồn khách nội khu và lân cận cho siêu thị. Bên cạnh đó, vị trí siêu thị thường nằm ở các quận lân cận, dân cư đông đúc, thu nhập tầm trung và ổn định. Ngoài cung cấp hàng hóa tại các quốc gia, Auchan còn thu mua hàng nội địa của quốc gia đó để phân phối ra thị trường nước khác.
Ở miền Nam, Auchan hợp tác với CT Group để mở siêu thị tại các chung cư như I-Home ở Gò Vấp, chung cư Lê Thành ở Bình Tân; hay nhà phát triển bất động sản khác tại các chung cư như Sunny Plaza Gò Vấp, Era Town quận 7, Useful Tân Bình…
Tại thị trường miền Bắc, Auchan hợp tác với Công ty Cổ phần Hóa Dầu Quân Đội (Mipec) mở siêu thị đầu tiên tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên, Hà Nội.
Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Cho đến tháng 10/2018, bên lề Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Jean-Manuel Cros, Giám đốc nhân sự của Auchan Retail Việt Nam vẫn khẳng định, Auchan đặt mục tiêu tăng số lượng cửa hàng tại Việt Nam lên 300 trong vòng bốn năm tới, tập trung ở hai khu vực chính là Hà Nội và TP.HCM.
Khả năng có thêm 279 cửa hàng nữa trong vòng bốn năm tới, nghĩa là mở rộng quy mô với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với mức trung bình 7 cửa hàng/năm trong suốt 3 năm trước đó thực sự là một tham vọng rất lớn. Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng đây đúng là một tham vọng không tưởng, khiến tập đoàn mẹ Auchan quyết định đánh giá lại thị trường và dừng lại việc đầu tư.
Mặc dù là một tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới nằm trong danh sách Fortune 500 với gần 330.000 nhân viên làm việc ở khoảng 900 đại siêu thị, 860 siêu thị mini và 370 trung tâm thương mại trên 17 quốc gia, sau ba năm chính thức khai trương siêu thị đầu tiên, tính đến cuối năm 2018, Auchan cũng chỉ mới có 21 cửa hàng tại Hà Nội, Tây Ninh và TP.HCM. Ở thời điểm hiện tại khi Auchan quyết định rút khỏi Việt Nam, con số này chỉ còn 18.
Trước đó, nhà bán lẻ này cũng đã phải nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu tại Việt Nam. Trước đây là S.Mart, sau đó được đổi thành Simply, nay là Auchan.
Thua lỗ vì khách hàng quay lưng
Theo thông tin từ PLO, không chỉ thua lỗ tại thị trường Việt Nam, trong một tuyên bố trên trang International supermarketnews hồi tháng 3, Auchan Holding công khai khoản lỗ ròng 1,145 tỉ Euro trong năm 2018. Tổng doanh thu của hãng giảm 3,2% xuống còn 50,99 tỉ Euro.
Ông Edgard Bonte cũng thừa nhận rằng chuỗi bán lẻ đang gặp phải tình trạng đáng lo ngại. Tờ này cũng nhận định, như nhiều cái tên khác trong cuộc chơi bán lẻ, Auchan Retail cũng đang gặp khó khăn khi khách hàng dần quay lưng với mô hình đại siêu thị. Đồng thời, sự cạnh tranh từ các trang web bán hàng trực tuyến như Amazon cũng ngày càng tăng lên.
TBKTSG dẫn lời nhân viên đang làm việc tại siêu thị Auchan Cao Thắng (TP HCM) cho hay, từ 2/6 siêu thị Auchan Cao Thắng sẽ đóng cửa. Sau đó các siêu thị Auchan khác tại Việt Nam cũng sẽ lần lượt đóng cửa.
"Chúng tôi được thông báo làm việc tới hết ngày 1-6, bởi sau ngày đó siêu thị sẽ đóng cửa", một nhân viên vệ sinh cho biết. Trong khi đó, chị T, một nhân viên của quầy thức ăn chế biến lý giải lý do siêu thị đóng cửa là bởi "họ rút về nước hết, không kinh doanh ở Việt Nam nữa".
Hiện nay hoạt động mua bán tại siêu thị này vẫn diễn ra bình thường. (Ảnh: Vũ Yến/TBKTSG) |
Một số nhân viên kinh doanh, bán hàng trực tiếp của các nhà sản xuất như Acecook cho biết họ chưa nghe thông tin chính thức từ hệ thống siêu thị và cũng chưa biết hàng hóa đang kinh doanh sẽ được xử lý ra sao.
Theo quan sát của phóng viên, tại hệ thống siêu thị Auchan đang triển khai chương trình "Hàng thanh lý, giá hết ý" cho tới hết ngày 27/5. Siêu thị Auchan Cao Thắng cũng để bảng cho thuê mặt bằng siêu thị./. Thị trường bán lẻ Việt Nam có thực sự là “miếng mồi” béo bở?