Vinacomin giải đáp các thắc mắc về hai dự án bauxite
(VOV) - Vinacomin cho rằng thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài hơn so dự tính ban đầu do tác động của suy thoái kinh tế.
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại cuộc họp báo sáng sáng 16/5, cho đến nay, dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng cơ bản, dự kiến trong tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất. Nhà máy alumin Nhân Cơ, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%, dự kiến hoàn thành đầu tư và có sản phẩm vào giữa năm 2014.
Công trường xây dựng nhà máy alumina Nhân Cơ. (Ảnh: Vinacomin) |
Số liệu của Vinacomin công bố cho thấy, vốn đầu tư thực hiện của Tập đoàn cho 2 dự án bauxite - nhôm này đã lên tới khoảng 18.448 tỷ đồng. Trong đó, tính đến tháng 4/2013, dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng, tổng giá trị đã thực hiện đạt khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân đạt khoảng 11.125 tỷ đồng.
Tại dự án alumin Nhân Cơ - Đăk Nông, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan đạt khoảng 6.836 tỷ đồng, trong đó giải ngân gói thầu EPC nhà máy alumin đạt khoảng 4.606 tỷ đồng.
Về hiệu quả kinh tế của dự án, Vinacomin cho rằng, thời gian hoàn vốn của dự án bauxite - nhôm Lâm Đồng là 12 năm, dự kiến nộp ngân sách khoảng 460 tỷ đồng/năm. Dự án Nhân Cơ có thời gian hoàn vốn là 13 năm, dự kiến sẽ nộp ngân sách bình quân khoảng 398 tỷ đồng/năm.
Vinacomin cho rằng, trong quá trình thực hiện hai dự án này, do kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính Việt Nam (lãi vay cao, tỷ giá tăng) và đầu tư bảo vệ môi trường đã tác động làm thay đổi tiến độ và hiệu quả kinh tế của hai dự án.
Tuy nhiên, Vinacomin cũng khẳng định, hiện dự án Tân Rai đã ra sản phẩm, có thị trường tiêu thụ và sẽ có hiệu quả, tuy nhiên, thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài hơn so dự tính ban đầu.
Khẳng định hiệu quả và tính an toàn
Đánh giá cũng như khẳng định lại hiệu quả kinh tế xã hội của hai dự án bauxite, TS. Nguyễn Hữu Chỉnh - Trưởng ban KHCN và chiến lược phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khẳng định, hai dự án bauxite tập đoàn đang đầu tư là hoàn toàn có hiệu quả về kinh tế, xã hội.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh - Trưởng ban KHCN và chiến lược phát triển Vinacomin |
Ở phương án cuối cùng khi phân tích và đánh giá hiệu quả Tập đoàn mới đưa ra hội thảo báo cáo Bộ Công thương, tất cả chi phí về tài nguyên, môi trường, hoàn nguyên cũng đã được tính đủ.
Theo đó, tổng mức đầu tư đối với dự án alumin Tân Rai tăng khoảng 3,3 tỷ (khoảng 31%) trong đó 70% là do yêu cầu khách quan, còn lại do tỷ giá, tăng lãi vay đầu tư do kéo dài thời gian, do đền bù giải phóng mặt bằng và một số điều chỉnh hạng mục công trình, trong đó có những nội dung liên quan đến hồ bùn đỏ và những hồ đập phải tăng chi phí đầu tư.
Ông Chỉnh cũng cho biết, Vinacomin tính hiệu quả của hai dự án này trên 30 năm và đã được tính toán rất chi tiết qua rất nhiều thông số. Liên quan đến thuế, phí và chính sách đã được tính đầy đủ. Thuế tài nguyên tính theo địa phương quy định, kể cả đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án 60-80 ha/năm.
Khai thác bauxite chỉ đem lợi ích chứ không gây hại cho môi trường?
Vấn đề môi trường và đảm bảo an toàn, theo ông Chỉnh đánh giá, việc khai thác bauxite chỉ đem lợi ích cho môi trường chứ không gây hại. Công nghệ khai thác bauxite được tiến hành rất đơn giản, phần đất đang có quặng bauxite gây cản trở cho sự phát triển của cây trồng, khi bóc lớp trên để lấy quặng và phục hồi lại sẽ khiến đất trồng tốt hơn.
Nhà máy tuyển quặng không thải chất độc hại cho môi trường. Vấn đề xử lý đã có hồ quặng đôi, xử lý nước thải trong. Đối với độ an toàn của nhà máy cũng như hồ bùn đỏ. Vinacomin khẳng định, Việt Nam áp dụng công nghệ thải bùn đỏ chồng lớp khô cho nhà máy alumin Tân Rai – Nhân cơ
“Theo thiết kế, trong quá trình rửa ngược dòng hòa sau tách thì bùn đỏ được xử lý qua 6 bồn rửa và thu xút có 2 thiết bị cô đặc để nông độ rắn, lỏng đạt 46,5%, thải ra khu chứa bùn đỏ với độ pH cho phép từ 10-12%. Sau khi thải chồng lớp khoảng 10 -12 ngày để khô tự nhiên. Do vậy, không lo ngại chuyện vỡ đập như trường hợp của Hungary. Nước trong hồ chứa cũng được thu hồi lại để giảm độ pH. Về kết cấu hồ, theo các chuyên gia đánh giá là quá an toàn.
Dự án bauxite sử dụng công nghệ tiên tiến
Được hỏi về công nghệ đang được sử dụng hiện nay tại hai dự án bauxite, ông Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết, Vinacomin đang áp dụng công nghệ thịnh hành là sản xuất Alumin bằng phương pháp thủy nhiệt (BE), tách bauxite ở nhiệt độ cao (từ 140 - 145 độ C) trong độ kiềm thấp (160 – 17- gam/lít). Theo thống kê, hiện thế giới có 27 nhà máy xử lý Alumin thì có 26 nhà máy sử dụng công nghệ tương tự như ở Tân Rai và Nhân Cơ.
Có sự so sánh giữa công nghệ hiện tại với công nghệ của Pháp, ông Chỉnh giải thích rằng, công nghệ của Pháp tách quặng dưới nhiệt độ thấp, với nồng độ kiềm cao, quá trình hòa tan kéo dài nhiều giai đoạn hơn so với công nghệ BE đang sử dụng hiện nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hiệu suất hòa tách, hiệu suất thu hồi Alumin, tiêu hao nhiên liệu vận hành của công nghệ BE đạt mức bình quân thế giới. So với công nghệ của Pháp, chất lượng công nghệ đang được áp dụng tại hai dự án này đều có lượng tạp chất nhỏ hơn.
Ông Chỉnh cũng khẳng định, chúng ta cũng hy vọng công nghệ đang được áp dụng đang là tiên tiến ở thời điểm này. Theo xu thế thì hiện nay, các nhà máy trên thế giới đang được đầu tư xây dựng cũng sử dụng công nghệ này, vì vậy, Việt Nam sử dụng công nghệ như hiện nay là ổn định và phù hợp.
Đối với công nghệ tuyển quặng, theo ông Chỉnh, do chúng ta có chủ trương nội địa hóa, không thuê của nước ngoài. Thời kỳ đầu do thiết kế chưa phù hợp nên có tình trạng bùn không lắng. Sau khi xem xét xử lý thay thế chất chặn lắng phù hợp, hiện nay việc lắng đọng bùn đỏ đã không có vấn đề gì xảy ra, nước thải ra hoàn toàn là nước trong, được tái tạo để sử dụng cho nhà máy.
Sẽ tiêu thụ 45.000 tấn alumin trong tháng 5 và 6
Đánh giá sản lượng khai thác và năng lực tiêu thụ sản phẩm alumin, ông Chỉnh cũng cho biết, sản phẩm alumin hiện nay của dự án bauxite chưa phải là sản phẩm thương mại, mới đang chỉ là sản phẩm thử nghiệm. Vì thế, trong hợp đồng thương mại, tập đoàn ký kết bao tiêu sản phẩm với Tập đoàn Marobini của Nhật và Công ty Vân Nam (Trung Quốc).
“Đến tháng 4/2013, nhà máy sản xuất thử nghiệm được 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrat - sản phẩm chưa nung để trở thành alumin. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai tiêu thụ các sản phẩm chạy thử và đã ký bán cho 8 khách hàng (6 trong nước 5.200 tấn alumin và 8.670 tấn hydrat và 2 khách hàng nước ngoài dự kiến trong tháng 5 là 15.100 tấn alumin và tháng 6 là 30.000 tấn alumin. Hiện giờ, ngày 12, 13, 15/5 đã có những chuyến hàng cập cảng… để đem đi tiêu thụ”, ông Chỉnh nói.
Được hỏi về giá thành sản xuất alumin, ông Chỉnh xin lỗi và cho rằng đây là bí mật kinh doanh, không được phép công bố thời điểm này, vì công bố bất lợi cho doanh nghiệp trong đàm phán với khách hàng. “Giá thành là vấn đề đặc biệt liên quan đến bí mật kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nên không thể công bố, chỉ được công bố công khai với các cơ quan có thẩm quyền với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Chỉnh nói.
Tuy nhiên, ông Chỉnh cũng “bật mí” về nguyên lý tính giá thành, xu thế của dự án. Theo đó, tính toán về giá thành ban đầu là cao, sau khi khấu hao hết chi phí và trả lãi vay giảm dần, tiếp theo là trong quá trình vận hành sẽ giảm dần chi phí quản lý sẽ tác động đến việc giảm giá thành. Cùng với các yếu tố đó, sau này xu thế giá sẽ tăng lên sẽ có triển vọng sáng lạn trong những năm tiếp theo.
Vinacomin không thể dừng dự án
Khẳng định trách nhiệm của Vinacomin trước dự án này, ông Chỉnh khẳng định, đã là một doanh nghiệp làm dự án kinh tế, nếu có thua thiệt doanh nghiệp sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. “Vinacomin chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về hai dự án thử nghiệm này”, ông Chỉnh nói.
Một vấn đề được báo giới quan tâm là việc Vinacomin có chủ trương dừng dự án Nhân Cơ hay không, ông Chỉnh cho hay, Tập đoàn cũng đã tính toán xem xét trước khi dừng hay tiếp tục dự án. Với tình hình thực tế hiện nay, Tập đoàn không dám dừng dự án bởi những thiệt hại mà tập đoàn sẽ phải gánh vác, xử lý là rất khó khăn. Hơn nữa, dựa trên những căn cứ, xu thế hiện nay, Tập đoàn tin tưởng và quyết định vẫn tiếp tục tiến hành dự án.
Ông Chỉnh khẳng định, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng nên xem xét dừng dự án Nhân cơ. Nhưng đối với một doanh nghiệp và là một chủ đầu tư, khi xem xét đề xuất dừng dự án, các ý kiến đóng góp cần đánh giá thực tế là nếu dừng thì lợi cái gì và thiệt hại cái gì và giải quyết hậu quả ra sao.
“Là một nhà đầu tư, khi đã bỏ tiền đầu tư là như ngồi trên một đống lửa vì công trình đang ngổn ngang, hợp đồng ICP đã ký, thiết bị nằm sát để thực hiện theo tiến độ. Nếu giờ dừng sẽ phải hủy hợp đồng thì giải quyết những hậu quả ấy ai tính?”, ông Chỉnh phân tích.
“Chúng tôi muốn lắng nghe nhiều ý kiến, chi tiết, những giải trình có lợi hay không có lợi về dự án này để xem xét. Chúng tôi đã tính toán và khẳng định dự án có hiệu quả và tiếp tục phát triển. Còn nói dừng hay không thì phải có những hội thảo chuyên sâu. Với dư luận của xã hội và các ý kiến của các nhà khoa học sẽ được Tập đoàn tiếp thu nếu thấy hợp lý và mong muốn hợp tác triển khai những ý kiến đó. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có nhiều ý kiến gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng tâm lý của đội ngũ cán bộ công nhân viên đang thực hiện dự án”, ông Chỉnh nêu rõ.
Phân tích về tiềm năng của dự án, ông Chỉnh cho biết, dự án ban đầu do khấu hao phải tính đủ, lãi vay phải trả đủ, chi phí quản lý… tất cả yếu tố chi phí ấy thời gian đầu có thể lỗ. Cùng thời điểm nền kinh tế suy giảm và xuất phát điểm của giá thời gian đầu được tính thấp nên dự án bị lỗ trong khoảng từ 3 – 5 năm. Nhưng sau này, giá alumin sẽ tăng cao, dự án có hiệu quả sẽ dẫn đến tổng thể dự án có hiệu quả.
Trong một thông tin từ Vinacomin chuyển cho báo chí, Tập đoàn khẳng định đã tính toán, cân nhắc việc dừng dự án Nhân Cơ khi vấn đề được đặt ra. Sau khi tính toán, cân nhắc các thành tố về kinh tế, xã hội và thị trường trong nước và toàn cầu, thuê tư vấn tính toán lại hiệu quả của dự án, tập đoàn nhận thấy có đầy đủ lý do để tiếp tục thực hiện dự án.
Tuy nhiên, thời gian để thu hồi vốn có thể sẽ kéo dài hơn trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm). Như vậy, dự án vẫn đạt được hiệu quả về kinh tế./.