100 ngày xung đột vũ trang Nga – Ukraine: Bất phân thắng bại

VOV.VN - Quân đội Ukraine tiếp tục kháng cự quyết liệt trong khi lực lượng của Nga đang đạt được những tiến triển ở miền Đông. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bước sang ngày thứ 100 nhưng một chiến thắng quyết định vẫn chưa gọi tên bất kỳ bên nào.

Lợi thế đang nghiêng về Nga?

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine bước sang ngày thứ 100, tình hình chiến trường ở miền Đông Ukraine dường như đang nghiêng về phía Nga. Ngày 30/5, quân đội Nga đã tiến vào ngoại ô thành phố Severodonetsk - một trong những thành phố chiến lược cuối cùng ở khu vực Lugansk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Nếu Ukraine để mất thành phố này, Nga và lực lượng ủng hộ họ sẽ kiểm soát hơn một nửa Donbass - trung tâm công nghiệp ở phía Đông Ukraine.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh phát thanh của Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: "Mục tiêu rõ ràng của chúng tôi là đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi khu vực Donetsk và Lugansk". Phương Tây đang lo ngại Nga có ý định sáp nhập Donbass và Kherson vào lãnh thổ của mình.

Các nhà phân tích cho rằng, tình hình ở phía Đông Ukraine đã cho thấy sự dịch chuyển so với giai đoạn đầu của cuộc chiến, khi mà Ukraine tăng cường phòng thủ trong khi Nga rút khỏi 2 thành phố lớn nhất là Kiev và Kharkiv vì phải phân tán mỏng lực lượng và các tuyến hậu cần tiếp tế cách quá xa.

"Hiện nay, quân đội Nga đang tạo được những tiến triển ổn định trong chiến dịch quân sự của mình ở phía Đông Ukraine, triển khai các vũ khí hạng nặng và đạn pháo tầm xa - những loại vũ khí mà Ukraine đang thiếu", các nhà phân tích nhận định trên Washington Post.

Mặc dù sự chống cự của Ukraine làm chậm cuộc tiến công của Nga nhưng Moscow đang tiến gần đến việc bao vây những thành trì lớn nhất của Ukraine ở khu vực Donbass, trong khi chiến đấu ở những khu vực liền kề với Nga để tiếp tế hậu cần diễn ra thuận lợi hơn.

100 ngày chiến sự ở Ukraine, các lực lượng của Nga đã đảm bảo được một hành lang trên đất liền nối khu vực Donbass với Crimea mà Ukraine sẽ khó có thể giành lại. Sau khi rút khỏi Kiev và các thành phố ở phía Bắc, điện Kremlin đã công khai tuyên bố mục tiêu kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass, gồm Donetsk và Lugansk. Ngày 29/5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, "giải phóng" Donbass là một "ưu tiên vô điều kiện" của Moscow.

Trong khi đó lực lượng vũ trang Ukraine hiện tiếp tục tăng cường phòng thủ, tấn công Nga ở những vị trí dễ sơ hở và phản công ở những khu vực như sân bay Hostomel gần Kiev, bên ngoài thành phố Mykolaiv (cửa ngõ dẫn tới Odessa) hoặc dọc các tuyến liên lạc của Nga ở phía Bắc Kharkiv.

Tổn thất và lựa chọn quyết định

Những tổn thất được xác nhận qua ảnh chụp từ trên cao của cả hai phía đã cho thấy thiệt hại của họ. Theo thông tin Nga đưa ra ngày 22/5: "Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, Lực lượng Không quân Nga đã phá hủy 174 máy bay, 125 trực thăng, 977 phương tiện bay không người lái, 317 hệ thống phòng không, 3.198 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 408 hệ thống tên lửa, 1.622 pháo dã chiến và súng cối cũng như 3.077 phương tiện quân sự đặc biệt của Ukraine". Trong khi đó, phía Ukraine cho biết, Nga đã tổn thất 1.254 xe tăng, 3.063 phương tiện bọc thép, 595 hệ thống pháo, 199 hệ thống tên lửa, 93 hệ thống phòng không, 203 chiến đấu cơ, 167 trực thăng, 13 tàu thuyền, 455 UAV, 43 thiết bị đặc biệt và 103 tên lửa hành trình.

Hiện nay, giao tranh giữa Nga và Ukraine đang diễn ra dữ dội ở Donbass. Sau khi tăng cường lực lượng, Nga đã gia tăng sức ép tối đa lên quân đội Ukraine đang phòng thủ ở khu vực này. Nga tập trung lực lượng ở những khu vực địa lý nhỏ hơn để áp đảo về hỏa lực cũng như lực lượng nhằm tiến công và chiến giữ Lugansk.

Bao vây thị trấn Severodonetsk từ 3 hướng cách đây một vài tuần, hiện Nga đang tiến gần đến việc bao vây theo hướng thứ tư - nơi Ukraine đang cố gắng mở một tuyến cung cấp hậu cần rộng 16 km.

Các lực lượng của Nga dường như cũng đang tiến gần đến sông Siverskyi Donetsk để liên kết với các lực lượng đang chiến đấu ở phía Bắc từ Popasna và ở phía Nam từ Lyman. Nga đang cố gắng xây dựng vòng vây lớn hơn quanh 4 lữ đoàn của Ukraine - khoảng 20.000 binh lính và trang thiết bị ở bờ Tây sông Siverskyi Donetsk. Nga hy vọng từ Severodonetsk có thể thúc đẩy các cuộc tiến công về phía Tây.

Các chỉ huy Ukraine đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn, đó là tiếp tục chiến đấu ở Severodonetsk để giữ lại vùng đất này với cái giá phải trả là mất đi 4 lữ đoàn ở bờ Tây sông Siverskyi Donetsk hay chấp nhận từ bỏ thành trì cuối cùng ở Lugansk và rút về phía Tây để phòng thủ tại những vùng đất cao như Kramatorsk và Slovyansk.

Về mặt chiến lược, việc kiểm soát 2 thành phố trên là chìa khóa để chi phối phần còn lại của Donbass. Nga có lẽ kiểm soát được Lugansk nhưng Moscow sẽ không "chinh phục được Donbass" cho tới khi kiểm soát được vùng Donetsk lớn hơn. Severodonetsk có lẽ là thành trì cuối cùng của Ukraine ở Lugansk nhưng Kramatorsk và Slovyansk có tầm quan trọng chiến lược lớn hơn.

Đây là một lựa chọn khó khăn nhưng có lẽ nó sẽ có hiệu quả với Ukraine bởi Nga sẽ gặp bất lợi nếu ngay lập tức rời Lugansk để chiến đấu tại Kramatorsk và Slovyansk do Moscow vẫn chưa tập hợp đủ lực lượng và chưa xác định những mục tiêu rõ ràng.

Kế hoạch của Ukraine để “giành lại mọi thứ từ Nga”

Nga cần một thành quả quân sự nhanh chóng ở Ukraine bởi cả số lượng binh lính và số lượng vũ khí của Moscow đều sẽ giảm nếu cuộc chiến kéo dài.

Trong khi đó, Ukraine tiếp tục nhận được sự hỗ trợ vũ khí của phương Tây và sẽ sớm đưa 400.000 binh lính ra chiến trường, được yểm trợ bởi 600.000 binh lính khác đang được huấn luyện và sẽ sáp nhập với Lực lượng phòng vệ Lãnh thổ mà Kiev tin rằng có thể đạt đến 1 triệu quân sẵn sàng chiến đấu.

Gói hỗ trợ quân sự gần đây nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết chi 40 tỷ USD cho cuộc chiến ở Ukraine - gấp 10 lần mức hỗ trợ từ trước tới nay của Washington. Dự kiến, những vũ khí của phương Tây sẽ tiếp tục chảy vào Ukraine trong tương lai gần.

Ukraine đã tuyên bố sẽ giành lại những vùng lãnh thổ "bị chiếm đóng" từ tháng 2 và thậm chí cả những khu vực không còn nằm trong quyền kiểm soát của nước này từ năm 2014.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận định trong một bài phát biểu tối 28/5 rằng thời gian cho tới khi Ukraine được giải phóng "ngày càng ngắn lại" và việc Ukraine giành lại những thành quả của Nga "chỉ là vấn đề thời gian".

"Ukraine sẽ giành lại mọi thứ từ Nga. Đây là một điều cấp thiết. Và đó chỉ là vấn đề thời gian. Mỗi ngày trôi qua, thời gian để giải phóng Ukraine sẽ ngày càng thu hẹp. Mọi thứ chúng tôi làm là vì điều này", ông Zelensky cho hay.

Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào khả năng của lực lượng Ukraine để tiến hành những cuộc tấn công chiến lược, có thể là vào mùa thu. Tuy nhiên, những chiến dịch phòng thủ thành công không tự nhiên biến thành những chiến lược tấn công lớn nếu không có sự tái tổ chức và xây dựng lực lượng trên quy mô lớn.

Để tiến hành một chiến dịch tấn công lớn, các lực lượng Ukraine sẽ phải tăng cường đạn pháo được phương Tây hỗ trợ. Đặc biệt, Kiev sẽ cần nhiều hệ thống phóng tên lửa hàng loạt (MLRS) hơn từ phương Tây với tầm hoạt động khoảng hơn 300km. MLRS là loại vũ khí phục vụ cho các cuộc tấn công mặt đất hiện đại.

Nhà quan sát Michael Clarke cho rằng, Ukraine sẽ phải tái cấu trúc lực lượng chiến đấu và ưu tiên nhiều hơn cho các đơn vị thiết giáp. Họ sẽ cần vận dụng cả sự phân tán và sự linh động trong lực lượng bộ binh hiện tại để tránh các cuộc không kích tên lửa của Nga nhằm vào những điểm tập trung quân đội, nhưng đồng thời phải huy động được đủ số lượng quân đội để chiến đấu tại những điểm bước ngoặt quan trọng. Chuyên gia này cho rằng Ukraine sẽ cần duy trì các hệ thống chỉ huy và kiểm soát mạnh mẽ, thay đổi tư duy chỉ huy quân sự từ "phòng thủ quốc gia" sang "tấn công chiến lược" và "giải phóng".

Trong khi đó, các chiến dịch tấn công mặt đất sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn nếu không có ưu thế trên không. Ukraine sẽ cần nhiều tên lửa và máy bay hơn, chưa nói tới các phi công nếu họ muốn thiết lập ưu thế trên không ở phía Nam và phía Đông đất nước - nơi có nhiều căn cứ quân sự và tên lửa Nga nằm sát biên giới. Những yêu cầu về ưu thế trên không có lẽ sẽ là "gót chân Achille" đối với tham vọng khôi phục lãnh thổ của Ukraine ở Donbass.

Phép thử với phương Tây

Sự mở rộng và củng cố quyền kiểm soát của Nga ở phía Đông Ukraine đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột, thử thách sức bền của cả phương Tây và Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu USD cho Ukraine. Gói này bao gồm các hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142, có khả năng tấn công mục tiêu cách 80 km. Gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ còn gồm đạn dược, radar phản pháo, một số radar giám sát đường không, tên lửa chống tăng Javelin cũng như vũ khí chống thiết giáp. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông không muốn cung cấp những hệ thống tên lửa với tầm bắn có thể tiến sâu vào lãnh thổ Nga. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho rằng, với việc nước này không cung cấp các loại vũ khí cho phép Kiev tấn công Nga từ bên trong lãnh thổ Ukraine thì Mỹ sẽ ngăn chặn kịch bản mà trong đó Moscow coi Washington là một bên xung đột.

Trong khi đó, tại châu Âu, bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ khẳng định tinh thần đoàn kết, các quốc gia thành viên vẫn còn vô số bất đồng trong hướng tiếp cận với cuộc xung đột. Chẳng hạn, Pháp và Đức gần đây đã hối thúc Tổng thống Putin đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Ukraine Zelensky, chấm dứt phong tỏa Biển Đen để tránh gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, lập trường này dường như đi ngược với quan điểm của các quốc gia vùng Baltic khi họ muốn cô lập Nga mạnh mẽ hơn và khiến Moscow phải hứng chịu thất bại cuối cùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Xung đột Nga-Ukraine đến bước ngoặt quyết định, các bên thay đổi mục tiêu
Xung đột Nga-Ukraine đến bước ngoặt quyết định, các bên thay đổi mục tiêu

VOV.VN - Gần 100 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, giao tranh vẫn tiếp diễn và chưa bên nào tuyên bố hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Nhiều nhà phân tích cho rằng, viễn cảnh sẽ là một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài.

Xung đột Nga-Ukraine đến bước ngoặt quyết định, các bên thay đổi mục tiêu

Xung đột Nga-Ukraine đến bước ngoặt quyết định, các bên thay đổi mục tiêu

VOV.VN - Gần 100 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, giao tranh vẫn tiếp diễn và chưa bên nào tuyên bố hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Nhiều nhà phân tích cho rằng, viễn cảnh sẽ là một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài.

Làn sóng trừng phạt liên tục ập đến, vì sao Nga vẫn đứng vững?
Làn sóng trừng phạt liên tục ập đến, vì sao Nga vẫn đứng vững?

VOV.VN - Khi phương Tây liên tiếp tung ra đòn trừng phạt, Nga vẫn có thể chống chọi trước những thiệt hại bởi ngân khố của nước này đang tràn ngập doanh thu từ hàng hóa, vốn sinh lợi hơn bao giờ hết nhờ giá cả toàn cầu tăng vọt, một phần do xung đột ở Ukraine.

Làn sóng trừng phạt liên tục ập đến, vì sao Nga vẫn đứng vững?

Làn sóng trừng phạt liên tục ập đến, vì sao Nga vẫn đứng vững?

VOV.VN - Khi phương Tây liên tiếp tung ra đòn trừng phạt, Nga vẫn có thể chống chọi trước những thiệt hại bởi ngân khố của nước này đang tràn ngập doanh thu từ hàng hóa, vốn sinh lợi hơn bao giờ hết nhờ giá cả toàn cầu tăng vọt, một phần do xung đột ở Ukraine.

Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu
Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu

VOV.VN - Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã định hình lại thị trường dầu mỏ trên toàn cầu khi châu Phi nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu của châu Âu và Nga đang tăng cường khai thác các chuyến tàu để đưa dầu thô sang châu Á.

Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu

Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu

VOV.VN - Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã định hình lại thị trường dầu mỏ trên toàn cầu khi châu Phi nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu của châu Âu và Nga đang tăng cường khai thác các chuyến tàu để đưa dầu thô sang châu Á.

Thành viên “khó chiều” khiến giới chức NATO đau đầu
Thành viên “khó chiều” khiến giới chức NATO đau đầu

VOV.VN - Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dọa sẽ không để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, giới chức phương Tây tỏ ra giận dữ, nhưng họ không cảm thấy bất ngờ.

Thành viên “khó chiều” khiến giới chức NATO đau đầu

Thành viên “khó chiều” khiến giới chức NATO đau đầu

VOV.VN - Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dọa sẽ không để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, giới chức phương Tây tỏ ra giận dữ, nhưng họ không cảm thấy bất ngờ.