Trường Sa luôn trong lòng những người con đất Việt
(VOV) - Trường Sa không chỉ đón nhận những tình cảm, chia sẻ của nhân dân trong nước, mà cả của những người Việt Nam sống xa Tổ quốc.
Kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới luôn mong được đến thăm vùng đảo thân yêu này của Tổ quốc, được dành những tình cảm ấm áp, sự sẻ chia sâu sắc với quân và dân Trường Sa. Chuyến thăm Trường Sa từ 2-13/5 vừa qua do Ủy ban Nhà nước về NVNONN phối hợp với Quân chủng Hải Quân tổ chức đã đáp ứng nguyện vọng này của đông đảo kiều bào. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp, để lại trong lòng những thành viên trong Đoàn nhiều kỷ niệm khó quên về tình cảm nồng ấm của quân dân trên đảo dành cho Đoàn, sự xúc động, cảm phục trước những hy sinh to lớn của các anh chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Bên cạnh đó, mỗi người đều cảm thấy trách nhiệm của mình đối với việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước Việt mến yêu.
Trong suốt hành trình, những lời tâm sự của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Đặng Thế Hùng đã gợi mở cho các thành viên trong Đoàn nhiều suy ngẫm về vấn đề chủ quyền của đất nước, về vai trò quan trọng của biển đảo đối với một quốc gia và trách nhiệm của mỗi công dân trong việc giữ gìn đất đai Tổ quốc. Ông cho biết: “Được đi thăm các chiến sĩ Trường Sa là niềm vinh dự và tự hào cho mỗi người. Bản thân tôi cũng đã hai lần ra Trường Sa, mỗi lần đi các điểm khác nhau, cảm xúc khác nhau. Mỗi người đặt chân đến Trường Sa đều cảm nhận được niềm xúc động khi được đặt chân đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Lần này đi là để tận mắt chứng kiến ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước, đồng thời thấy được quyết tâm của cán bộ chiến sĩ ngoài đảo. Tôi còn nhớ có một đồng chí đã nói: ở đảo xa, tất cả sắt thép và vũ khí đều han rỉ, chỉ riêng ý chí của người chiến sĩ là không han rỉ. Chúng ta ra động viên nhưng thực chất các chiến sỹ đã động viên chúng ta bằng chính ý chí kiên cường của họ”.
Là một người lính rời Việt Nam khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, lần đầu tiên trở về tham dự hành trình đầy ý nghĩa này, ông Nguyễn Thế Phượng (kiều bào tại Mỹ) xúc động chia sẻ: “Ngay ngày đầu tiên đặt chân xuống đảo Song Tử Tây, tôi tự hứa với mình sẽ cố gắng quảng bá với bạn bè Việt Nam cũng như nước ngoài rằng những gì của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa hiện nay mà chúng ta đang giữ gìn sẽ cố gắng giữ một cách tuyệt đối. Tôi tin rằng chính sách trên biển Đông của Việt Nam là một chính sách rất minh bạch và hiệu quả”.
Ông Phượng cũng cho biết, ở California - nơi ông đang sinh sống, tin tức về Việt Nam, đặc biệt là những tin tức chính xác về Việt Nam rất ít. Ông hy vọng sẽ góp phần vào quảng bá một cách chính xác tình hình biển Đông và quyết tâm gìn giữ chủ quyền của Việt Nam để bà con ở hải ngoại mỗi người phải có một hành động đóng góp hiệu quả cho sự nghiệp chung đó. Bên cạnh đó, kiều bào ở hải ngoại cần hiểu được những khó khăn mà những người lính đang phải đối mặt. Với kinh nghiệm hơn 60 năm tuổi đời và con mắt quan sát tỉ mỉ của một người làm báo, ông đã nhận ra những khó khăn gian khổ của những người lính nơi đây, đằng sau sự hồn nhiên, vui tươi của các chiến sĩ là sự cảnh giác cao độ trước bao mối đe dọa và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền của họ khiến ông vô cùng cảm phục. Ông Phượng cũng gửi lời cảm ơn những người lính đang ngày đêm canh giữ và bảo vệ chủ quyền cho Tổ quốc Việt Nam. “Là một phóng viên, tôi sẽ tuyên truyền để người dân ở Mỹ hiểu được chính sách của Việt Nam, khó khăn của người dân Việt Nam, và những nỗ lực của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc”.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước tượng đài Trần Hưng Đạo |
Trở về từ nước Đức, anh Phạm Văn Thảo - một doanh nhân trẻ thành đạt, chủ nhân của hàng trăm nhà hàng ở Đức kể, ở nước ngoài anh vẫn thường nghiên cứu hay tham khảo về Trường Sa qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi đến Trường Sa mới hiểu rõ hơn. Chính tại Trường Sa anh đã gặp những con người bình dị nhưng hành động và lời nói của họ khiến anh vô cùng cảm động. Anh kể, ở trên tàu những lúc sóng yên biển lặng hoặc những khi tàu dừng lại để đưa Đoàn vào đảo, mọi người thường tranh thủ câu cá, nhưng khi đến khu vực đảo Cô Lin (nơi nhiều chiến sĩ của ta đã hy sinh), tàu dừng lại nhưng mọi người không câu cá như mọi khi nữa, thấy lạ anh có hỏi thì được một anh lính trả lời: “Anh em trên tàu nói với nhau khi đến đây dành cá cho các anh!”. Điều thứ hai khiến anh suy nghĩ là khi nói chuyện với một anh thợ máy, anh kể đã đến đảo Cô Lin làm việc một năm, khi được hỏi sao là máy trưởng lại ra đảo, thì cậu ấy trả lời dù là thợ máy đi trên tàu hay ra đảo, nếu tổ chức điều động anh sẵn sàng ra đi. Chính những lời nói giản dị đó khiến anh vô cùng xúc động.
Sau chuyến đi này, anh dự định sẽ mở một triển lãm ảnh và bằng mọi hình thức thông tin lại những điều mắt thấy tai nghe ở Trường Sa cho bạn bè và những người quan tâm. Chuyến trở về lần này anh Thảo đã trực tiếp ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa 200 triệu đồng để xây Nhà tưởng niệm Liệt sĩ. Nhân dịp này anh cũng muốn nhắn nhủ với các chiến sĩ cũng như những người dân trên đảo: “Các chiến sĩ hãy yên tâm, đằng sau các anh luôn có những nguời mặc dù sống xa Tổ quốc nhưng vẫn luôn hướng về. Nếu góp sức được gì trong công tác thông tin hay công tác hỗ trợ để cho các chiến sĩ có cơ sở vật chất hay điều kiện tốt hơn để yên tâm bảo vệ biển đảo, chúng tôi luôn sẵn sàng”.
Nguyễn Ngọc Diệp trong một buổi giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ |
Là thành viên trẻ nhất đoàn nên Nguyễn Ngọc Diệp, du học sinh Việt Nam tại Singgapore, tỏ ra rất hòa đồng, gần gũi với các chiến sĩ, đi đến đâu em cũng tìm cách trò chuyện, tìm hiểu và giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ trên đảo. Diệp xúc động chia sẻ điều đọng lại mãi trong em là những kỷ niệm ở trong tim, những nụ cười, những giọt nước mắt đã có trong chuyến đi này. Diệp cho biết: “Em cảm thấy rất may mắn được đứng ở đây, cảm nhận được cuộc sống của các anh ở trên đảo. Điều mà em rất cảm phục đó là sự hy sinh của các anh đối với Tổ quốc. Đảo của mình nhỏ bé nhưng là linh hồn cho cả đất nước chúng ta. Chúng em là kiều bào từ nước ngoài về đây được tận mắt chứng kiến các anh như thế này là nguồn động viên rất lớn cho chúng em khi ra nước ngoài. Chúng em sẽ phải làm điều gì đó để xứng đáng với những vất vả hy sinh của các anh”.
Đối với Diệp chuyến đi này là một trải nghiệm thực tế để em thấy cuộc sống của những người chiến sĩ, từ đó thôi thúc em cần phải làm điều gì đó đóng góp cho đất nước, trước mắt là thông tin cho các bạn biết về những gì mình đã trải nghiệm thay vì chỉ là thông tin trên vô tuyến hay các phương tiện thông tin đại chúng. Em chia sẻ: “Cũng như những người lính, mỗi du học sinh chúng em cũng là đại diện cho hình ảnh của đất nước khi ra nước ngoài. Bọn em không cầm súng như các anh, nhưng sẽ mang trí tuệ và sự sáng tạo của mình để xây dựng hình ảnh của đất nước mình tốt đẹp hơn. Ngoài ra là một doanh nghiệp, đam mê của em là kinh doanh, em muốn mình sẽ làm giàu cho bản thân và làm giàu cho đất nước ”.
Giao lưu với các chiến sĩ Trường Sa |
Trong buổi chia tay, trước khi tàu vào đất liền. Chị Tạ Phạm Bích Thủy, kiều bào tại Séc, đã đọc bài thơ chị làm trong chuyến hành trình về với đảo Trường Sa. Bài thơ với nhan đề “Tổ quốc tôi” được chị viết với những cảm xúc trào dâng, là tiếng lòng của người con xa xứ với đất mẹ thân yêu nghe thật xúc động. Xin được trích những vần thơ của chị thay cho lời kết để nói lên rằng: Trường Sa, vùng biển đảo thương yêu của Tổ quốc mãi mãi trong vòng tay của đất Mẹ Việt Nam. Không chỉ thế, Trường Sa còn mãi trong trái tim, tình cảm của những người con Việt sống xa Tổ quốc.
…Hôm nay đến Trường Sa đất trên biển xa xôi,
Sóng tung bọt trắng mũi tàu hồi hộp,
Đảo nhỏ bé đứng kiên cường bất khuất
Tôi bồi hồi khẽ gọi Tổ quốc ơi!
Người lính đảo hiền cười tỏa nắng trên môi
Thiếu nước, thiếu rau, thiếu đất liền, thiếu mẹ
Như có lỗi trước các anh, nghẹn ngào khe khẽ
Nhói giữa lòng tôi gọi Tổ quốc ơi!...