Nhà hàng Nem’s Việt với vị thực khách Nga đặc biệt
VOV.VN - Tồn tại ở Thủ đô Moscow đã hơn chục năm, nhà hàng mang tên “Nem’s” từng phục vụ rất nhiều thực khách yêu thích món ăn Việt Nam.
Thế nhưng, có một vị khách rất đặc biệt, ông Grigori Belic- một ông lão đã ngót 90 tuổi và là cựu chiến binh của Cuộc Chiến tranh Vệ Quốc vĩ đại, rất tình cờ trở thành một thực khách thân quen.
Tháng tháng ông lui tới Nhà hàng Nem’s đôi ba lần. Và điều đặc biệt là ở chỗ, với ông, “ăn uống là thứ yếu”, ông tới cốt để được gặp gỡ, trò chuyện với vợ chồng ông bà chủ Hoàng – Hạnh, để được giãi bày, chia sẻ tâm tư, tình cảm ông dành cho đất nước, con người Việt Nam.
Ông Belich (phải ) chụp ảnh với chủ cửa hàng Nem's Việt |
Lần nào cũng thế, câu chuyện giữa vị thực khách đặc biệt với “ông chủ quán” Vũ Đình Hoàng thường bắt đầu bằng đôi ba câu hỏi xã giao về sức khỏe, cuộc sống... thế nhưng, tiếp đó là những câu chuyện không đầu, không cuối, cứ lan từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác trong vài chục phút đồng hồ.
Vào một trong những ngày lễ lớn đối với cả Việt Nam và Nga như dịp này thì “chủ đề” chiến tranh được nói nhiều hơn. Và cũng rất tình cờ, trong lần “gặp gỡ” này ông mặc chiếc áo có gắn rất nhiều huân, huy chương.
Sau mấy câu chào hỏi xã giao, ông chợt nhắc lại rằng, ông biết đất nước Việt Nam từng rất khó khăn bởi chiến tranh, bởi kinh tế chưa phát triển. Rồi bỗng nhiên, câu chuyện lại chuyển sang nạn diệt chủng Pol pot xảy ra ở Campuchia và ông hỏi, không biết có ảnh hưởng gì đến Việt Nam không?
Ông nói ông từng công tác ở Campuchia và ông biết sự khủng khiếp ấy...
Sinh năm 1926, đã ngót 90 tuổi, vậy mà chỉ đôi tai “hơi nặng” còn giọng nói của ông vẫn sang sảng, trí nhớ của ông vẫn mồn một với những diễn biến của cuộc đời.
Ông kể rằng, ông đã gắn bó một phần đời mình với trọn vẹn cả cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941–1945). Chiến tranh nổ ra, ông nhập ngũ và chỉ rời quân ngũ khi chiến tranh kết thúc.
Sau đó ông vào học trường Kỹ thuật Hàng không Moscow rồi làm kỹ thuật viên trong ngành hàng không. Ông đã thực hiện những chuyến bay cùng các phi công để kiểm tra kỹ thuật.
Tuy nhiên, sau khi nghỉ hưu ông lại tham gia hội những người bảo vệ động, thực vật và ông làm công việc này tới 25 năm.
Ông kể, ông cũng từng viết báo, ông viết đủ các đề tài và gửi đăng ở tờ “Novaia Gazeta” (Báo Mới).
Ông chia sẻ về quan điểm viết báo như thế này: “Đối với tôi, điều quan trọng nhất của báo chí là sự dũng cảm. Nếu tờ báo nào mà tiếp cận với cuộc sống bình thường và nói lên sự thực thì đó là của tôi, báo nào không dám phản ánh sự thực thì không phải của tôi. Bởi thế, những tờ báo “của tôi” là “Người Cộng sản Moscow” và “Nước Nga Xôviết”.
Rồi qua câu chuyện của ông chúng tôi được biết, cha của ông cũng từng là một nhà cách mạng Tháng Mười và từng là một người cộng sản, “người cộng sản nổi tiếng - Grigori Belic” như ông nhấn mạnh và rất tự hào về điều đó.
Ông lại say sưa kể về Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga, trong đó có ông. Ông rất ngậm ngùi khi kể tên những đồng đội đã hy sinh mà ông từng trực tiếp chôn cất.
Nghĩ đến những hy sinh, mất mát to lớn ấy, ông đánh giá Chiến thắng vĩ đại là: “Tôi đã từng viết một bài đăng trên “Báo Mới” rằng, thế hệ chúng tôi đã giữ vẹn toàn được Tổ quốc bằng rất nhiều xương máu. Chúng tôi tự hào về điều này - Chiến thắng thật vô cùng vĩ đại. Và chúng tôi hy vọng rằng, thế hệ các cháu, chắt của chúng tôi sẽ làm cho nước Nga thực sự trở thành tự do, nhân văn và công bằng”.
Nhắc đến chiến tranh, chiến thắng, câu chuyện lại chuyển sang những nội dung liên quan đến Việt Nam. Ông rất vui khi nói lên những suy nghĩ của mình về đất nước, con người Việt Nam, về sự nghiệp đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt, ông biết rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau một hồi nói về Người, ông đúc kết trong mấy câu rằng: “Hồ Chí Minh, tôi biết, ông là người dẫn đường. Nhân dân các bạn tôn thờ ông. Ông là người đã lập nên đất nước các bạn. Tôi có thể tin tưởng mà nói rằng, Hồ Chí Minh là một nhà sáng lập, là người luôn làm việc thiện, là vị Lãnh tụ Nhân dân”.
Về những cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam ông cũng biết khá nhiều. Khi nghe nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cũng nhớ nhưng không nhiều như cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với thắng lợi to lớn ngày 30/4.
Ông bày tỏ niềm ngưỡng mộ của mình: “Điều quan trọng nhất là các bạn đã bảo vệ được độc lập, tự do. Còn những cái khác sẽ có, tôi tin rằng các bạn sẽ tiếp tục hoàn thành. Bởi vậy, tôi có thể nói về con đường các bạn đang đi với một niềm thán phục. Tôi xin chúc nhân dân Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng. Giá như tôi còn trẻ, nhất định tôi sẽ sang thăm đất nước các bạn”.
Nhưng giờ đây, không còn trẻ nữa, ông đã tìm đến đây, một nơi Việt Nam hiện hữu: Hiện hữu qua những món ăn rất ngon do chính đầu bếp Việt chế biến, ông đã thưởng thức và rất thích, nhất là món phở mà ông vẫn gọi là “súp Việt Nam”; hiện hữu qua chính hai vợ chồng chủ quán - anh Hoàng, chị Hạnh, những người Việt Nam thuần chất, xởi lởi, đầy tình cảm.
Họ đã từng được học tập, trang bị kiến thức tại mảnh đất này và vì những lý do riêng họ đã trụ lại, mở nhà hàng Việt tại xứ này. Giờ đây họ sẵn sàng đón tiếp ông, coi ông như một người thân.
Âu cũng là cách họ tri ân những người Nga, người Liên Xô từng dành rất nhiều sự giúp đỡ quý báu cho nhân dân Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình... những người nặng tình với đất nước, con người Việt Nam.
Kết thúc cuộc trò chuyện, ông ra về và không quên hẹn lần gặp mặt tiếp theo. Ông bà chủ Hoàng – Hạnh cũng không quên chuẩn bị cho ông hai suất “súp Việt Nam” để ông mang về nhà cùng bà thưởng thức.
Chắc chắn là những câu chuyện về một nơi có Nhà hàng Việt Nam, có những con người Việt Nam hồn hậu, giàu tình cảm và yêu mến, quý trọng đất nước Nga, con người Nga... sẽ được ông kể lại với bà.
Ông Belic vui vẻ chuyện trò với chủ cửa hàng |
Dù ở tuổi 90 ông Belic vẫn rất minh mẫn |
Ông Belic chia sẻ tấm ảnh gia đình khi trò chuyện với chủ nhà hàng |
PV VOV phỏng vấn ông Belic |