Truyền thống hiếu học của người Việt tại Bulgaria
VOV.VN - Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev nhấn mạnh ông không thể quên bạn học người Việt của ông từ hàng chục năm trước.
Với ông và hầu hết những người dân Bulgaria khác, những người Việt có mặt tại đất nước này đã tạo một hình ảnh cao đẹp và đáng tự hào, đặc biệt là truyền thống học tập xuất sắc của nhiều thế hệ người Việt.
100% đỗ đại học và có nhiều thủ khoa
100% các học sinh người Việt thi đỗ đại học và nhiều thủ khoa là người Việt vào các trường đại học hàng đầu của Bulgaria với điểm thi sát với điểm 6 tuyệt đối. Nhiều sinh viên phải vừa đi học vừa đi làm để trang trải tiền học phí, nhưng vẫn đạt kết quả xuất sắc.
Được biết, hiện có 3 sinh viên dù chưa tốt nghiệp đại học nhưng đạt kết quả tốt khiến các công ty đã tới tận trường nhận vào làm việc. Những thành tích vô cùng đáng tự hào làm rạng danh cộng đồng người Việt tại Bulgaria, dù hiện không đông, chỉ có khoảng 1.070 người.
Anh Lê Thanh Hoàng- Chủ tịch Hội người Việt nam tại Bulgaria |
Đáng nói hơn, đại đa số các gia đình đều làm nghề buôn bán trong chợ, song truyền thống hiếu học của dân tộc vẫn được thể hiện rõ trong từng ngôi nhà người Việt ở Bulgaria. Có dịp vào các chợ Ilientzi 1 và 2, gặp các bậc phụ huynh, đều thấy họ nói về ưu tiên số 1 của gia đình là tập trung cho con cái học giỏi.
Nguyễn Chí Dũng –“cậu bé vàng” toán trong đội tuyển quốc gia Bulgaria, đã giành 5 huy chương vàng trong các cuộc thi toán quốc tế, mới đây nhất là HCV trong Giải Toán Australia 2013 và hàng loạt huy chương bạc, huy chương đồng. Cậu bé có khuôn mặt ngoan hiền, giọng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn chia sẻ câu chuyện về bài học toán đầu tiên do chính bố của mình dạy cho.
Nguyễn Chí Dũng nói: “Cháu bắt đầu say mê toán từ hồi 5 tuổi. Cháu có nhớ lúc đó bố cháu dạy cháu phân số, bố có lấy quả cam rồi chia làm hai rồi bố chỉ mỗi phần là một nửa, một phần hai, lúc đó cháu mới hiểu khái niệm một nửa của phân số. Như thế cháu có khả năng với toán và đi học thêm rồi được các giải toán và cứ thế cháu tiếp tục phát huy khả năng của cháu”.
Bác Nguyễn Văn Đệ và con trai Nguyễn Chí Dũng |
Thực sự đáng khâm phục khi biết rằng bố mẹ Dũng hiện chỉ ngày ngày kiếm sống với gian hàng quần áo nhỏ trong chợ Ilientzi, nhưng họ lại có thể nuôi dạy và khuyến khích được một nhân tài như thế. Là chủ tịch đầu tiên của Hội người Việt nam tại Bulgaria, bác Nguyễn Văn Đệ, bố của Dũng cho biết chính sự thiện cảm của các thầy cô giáo người Bulgaria đối với người Việt nam đã góp phần động viên, đào tạo các cháu người Việt học giỏi.
Lò luyện thi đặc biệt
Tại thủ đô Sofia, chúng tôi đã đến thăm một “lò luyện thi” rất đặc biệt. Đó là trung tâm Lạc Hồng, nơi chính các thành viên Hội người Việt nam tại Bulgaria, những người ban ngày buôn bán trong chợ, ban tối hoặc ngày nghỉ lại trở thành những thầy cô giáo dạy toán, dạy tiếng Việt cho các em.
Thầy Hùng, người được gọi là “ông đồ toán” trong cộng đồng, cho biết thời kỳ đầu tiên, thầy đã tìm đến các gia đình để dạy riêng cho các cháu tại nhà vì thấy các cháu rất có năng lực.
"Ông đồ toán" Hùng tại trung tâm Lạc Hồng |
Hiện giờ, cả tuần, thầy túc trực ở trung tâm Lạc Hồng, dạy các cháu liên tục nhiều ca, khi vắng thì khoảng 3 cháu, lúc đông khoảng chục cháu. Đa số các cháu ở trình độ các lớp khác nhau, thầy cố gắng tìm các sách của người Bulgaria, hay các đề thi phù hợp với từng trình độ.
Thầy Hùng cho biết : “Người Việt có truyền thống hiếu học. Thứ hai là ở đây bố mẹ xác định là các con phải học, ở đây có điều kiện các con phải học. Các cháu luôn được bố mẹ và các thầy cô giáo cổ vũ các cháu là người Việt nam, làm sao phải học cho tốt để người Bulgaria kính trọng người Việt nam. Thực sự người Việt nam chúng ta không kém một người nào trên thế giới. Các cháu rất thông minh, học rất giỏi. Tôi rất hãnh diện về các cháu có vốn kiến thức tốt”.
Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc trong các trường bản địa, điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Bulgaria là các thế hệ 2,3 giữ được tiếng Việt rất tốt.
Nói đơn giản mà sâu sắc đến nao lòng, như lời bác Đệ, bố của Dũng, rằng:”Thành tích học tập của các cháu, đặc biệt là giữ được tiếng Việt cho các cháu là “món quà quý nhất” chúng tôi có thể dành cho các ông bà tại quê nhà”./.