Việt kiều Đức đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng
VOV.VN - Ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào ở CHLB Đức, nêu ra những ý kiến đóng góp với Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.
PV: Thưa ông, hiện nay dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được đưa ra lấy ý kiến người dân. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Huy Thắng: Dự thảo văn kiện mà Đại hội Đảng lần thứ XII đưa ra có tính chất cho mọi người góp ý không chỉ quy tụ được lòng dân mà thể hiện ý chí của Đảng. Nhân dân và bà con kiều bào cũng rất mong muốn điều đó. Điều đó hết sức dân chủ và là việc nên làm. Bởi bà con kiều bào đa số sống ở những nước công nghiệp hiện đại.
Ông Nguyễn Huy Thắng, kiều bào ở CHLB Đức. |
Do vậy, họ có những kinh nghiệm bởi họ được tham gia và đóng góp xây dựng cho nền công nghiệp hiện đại của nước ngoài. Nay Đảng có chủ trương xây dựng nền kinh tế đó, đấy là điều hết sức đúng đắn và tham khảo ý kiến của bà con kiều bào đặc biệt các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tôi cho đó là điều hết sức đúng đắn và thuận lợi và cần phải coi đó là tài sản của đất nước Việt Nam.
Bà con kiều bào là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Vì thế những người có tri thức về khoa học kỹ thuật ở nước ngoài, mặc dù làm ở nước ngoài nhưng đó chính là tài sản của Việt Nam. Vì thế việc Đảng đưa ra vấn đề này tôi cho là hết sức đúng đắn.
PV: Theo dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam sẽ hướng tốc độ tăng tưởng kinh tế cao hơn trong 5 năm tới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm (2016-2020) được đặt ra ở mức 6,5 -7%/năm. Nhận định của ông về những chỉ tiêu này như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Thắng: Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng vừa rồi mà Việt Nam đã đạt được là thành tựu lớn. Nhưng nhìn nhận lại những gì chúng ta đã làm được thì vẫn còn nhiều yếu tố và điều kiện khả năng có thể phát triển để tăng tốc độ phát triển kinh tế của đất nước lên cao hơn nữa. Tôi cho rằng, đặt ra chỉ tiêu đó không phải là cao.
Nếu chúng ta thu hút được tiềm năng, chúng ta có cơ chế, chính sách, chúng ta làm được những việc được lòng dân như những nhà khoa học, nhà kỹ thuật Việt Nam mong muốn thì tốc độ phát triển đó chưa phải là nhiều. Tôi nghĩ rằng có thể đạt cao hơn mức đề ra như vậy.
PV: Ông đánh giá về đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay ra sao và trong những năm tới như thế nào?
Ông Nguyễn Huy Thắng: Trong những năm vừa qua, từ khi chúng ta mở cửa, chúng ta đã thu hút được rất nhiều dự án từ nước ngoài vào Việt Nam. Và định hướng xây dựng nền kinh tế của chúng ta gắn với thị trường đó là điều rất đúng. Bởi vì đất nước ta đã trải qua chiến tranh, chúng ta chưa có nền kinh tế thị trường, chúng ta chưa có nền khoa học kỹ thuật phát triển, thì việc định hướng phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa gắn với kinh tế thị trường, vận động hai quy luật đó, là rất đúng.
Bởi vì quy luật kinh tế xã hội chủ nghĩa có những ưu việt của kinh tế xã hội chủ nghĩa trong một thời kỳ khó khăn của đất nước. Nhưng kinh tế thị trường đã thúc đẩy sự phát triển và kích thích sự phát triển rất lớn. Nó làm mọi tầng lớp, mọi thành phần và mọi người đều tham gia vào quá trình sản xuất. Và đặc biệt với các doanh nghiệp, họ tự phát huy nội lực của mình. Vì thế, sự phát triển đó làm cho cả đất nước phát triển lên.
Chúng tôi ở nước ngoài về, mỗi lần về đến Hà Nội, đến thành phố Hồ Chí Minh đều nhận thấy sự thay đổi của đất nước. Do đó, tôi cho rằng định hướng phát triển của đất nước ta là đúng và cần phải phát huy.
Nhưng chúng ta cần nắm vững hơn quy luật kinh tế thị trường và kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong đó có các nhà khoa học, nhà trí thức để đóng góp cho định hướng phát triển kinh tế của đất nước.
PV: Về phía kiều bào, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có những đường hướng như thế nào để vận động kiều bào tham gia xây dựng đất nước cũng như tập hợp trí lực của kiều bào trong việc đóng góp xây dựng quê hương?
Ông Nguyễn Huy Thắng: Quan điểm của Đảng, Nhà nước là kiều bào ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Quan điểm đó đã phát huy được tiềm lực và kiều bào đã cảm thấy vô cùng phấn khởi và vui mừng. Vì bà con sống xa Tổ quốc mà được Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng, đó là niềm động viên, khích lệ bà con kiều bào.
Trong chính sách của Đảng và nhà nước, tôi muốn đề nghị làm thế nào thu hút được tiềm lực, sức mạnh, nguyên khí của bà con kiều bào. Để phát triển nền kinh tế của đất nước trong tương lai cần phải thu hút hơn nữa trí thức kiều bào về với quê hương để họ mang sức lực, trí tuệ và tiềm lực về mặt kinh tế về xây dựng đất nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!