Các nước thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?

VOV.VN - Các Hiệp định Tương trợ Tư pháp là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.

Alberto FujimoriVladimiro Montesinos là “cặp đôi” nổi tiếng với những tranh cãi và bê bối tham nhũng tại đất nước Peru.

Vào tháng 9 năm 2000, công chúng Peru phát hiện Cố vấn cá nhân của cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori, cũng là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Peru - Vladimiro Montesinos có hành vi hối lộ một nghị sĩ ở phe đối lập với cái giá ít nhất là 250 triệu USD.

Số tiền này đã được tẩu tán ra 4 khu vực pháp lý khác nhau: Quần đảo Cayman, Luxembourd, Thụy Sỹ và Hoa Kỳ.

Thu hồi tài sản tham nhũng chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản đối với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là tài sản được tẩu tán ra nước ngoài với một cái tên khét tiếng và quyền lực như Vladimiro Montesinos.

Để thu hồi 48 triệu USD ở Thụy Sĩ, Peru đã lựa chọn giữa hai phương án: Một là, Peru chủ động tiến hành truy tố các nghi phạm có hành vi tham nhũng trong nước rồi từ đó tìm cách thu hồi tài sản ở nước ngoài bằng The Mutual Legal Assistance requests – tạm dịch là các yêu cầu tương trợ tư pháp và các bản miễn trừ trách nghiệm. Hai là, để Thụy Sĩ tiến hành điều tra hoạt động buôn bán ma túy và rửa tiền có liên quan tới Vladimiro Montesinos.

Peru đã lựa chọn phương án thứ nhất để tăng khả năng thu hồi và tránh việc ăn chia phần trăm với Thụy Sĩ. Các nhà chức trách Peru đưa ra luật cho phép nhận tội (thỏa thuận nhận tội) và nhiều đề nghị hợp tác khác với Thụy Sĩ. Để được hưởng giảm án hình sự hoặc hủy bỏ thủ tục tố tụng, các bị cáo tại đất nước này đã cung cấp thông tin, bằng chứng, nguồn tiền và những đầu mối đắt giá. Họ cũng chấp nhận việc trả lại tiền cho chính phủ Peru. Bằng cách này, hàng triệu USD đã được thu hồi.

Với 33 triệu USD được cho là ở quần đảo Cayman, Peru đã thuê luật sư địa phương để lấy lại số tiền này. Các nhà chức trách Peru tin rằng 33 triệu USD này đã được chuyển từ một ngân hàng của Peru đến quần đảo Cayman. Tuy nhiên, sau vài tháng Peru phát hiện ra rằng, số tiền này vẫn nằm trong ngân hàng Peru. Một kế hoạch cho vay “back-to-back” - tạm dịch vay giáp lưng đã được sử dụng để mô phỏng việc “chuyển tiền” cho ngân hàng Cayman và “trả lại” cho ngân hàng Peru. Khi điều này được phát hiện, các khoản tiền trong ngân hàng Peru đã bị thu giữ.

Tại Mỹ, Victor Venero Garrido, một cộng sự của Montesinos đã bị bắt dưới sự phối hợp của chính quyền Peru và Mỹ. Khoảng 50 triệu USD của Garrido và Montesinos tại các ngân hàng Mỹ đã bị đóng băng. Mỹ giúp thu hồi và trả toàn bộ số tiền này về Peru với điều kiện Peru phải đầu tư vào các nỗ lực nhằm bảo vệ nhân quyền và phòng, chống tham nhũng.

Liên quan tới vụ bê bối này, tại Peru, các nhà chức trách đã thu hồi hơn 60 triệu USD thông qua 180 vụ kiện hình sự và 1.200 bị cáo.

Thủ đoạn tham nhũng, tẩu tán tài sản rất phức tạp và tinh vi. Trong nhiều trường hợp, các quốc gia không thể tự mình tiến hành truy vết và thu hồi mà phải tìm tới các giải pháp quốc tế.

5 bước để thu hồi tài sản

Stolen Assest Recovery Initiative, tạm dịch là "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" là một chương trình phòng, chống tham nhũng do Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới – World Bank cùng thực hiện.

Chương trình "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" đề xuất một quy trình thu hồi tài sản tham nhũng gồm 5 bước: Một là, thu thập thông tin, bằng chứng và tiến hành truy vết tài sản. Hai là, xác minh, đóng băng, đảm bảo tài sản. Ba là, tòa án tiến hành xét xử. Bốn là, thực thi bản án, yêu cầu, mệnh lệnh. Năm là, thu hồi tài sản.

Trong đó, hợp tác quốc tế là điều kiện cần thiết để thu hồi thành công các tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.

Như trong trường hợp thu hồi 250 triệu USD tiền hối lộ của Vladimiro Montesinos, chính quyền Peru dùng cả “Tương trợ không chính thức” - “informal assistance” và yêu cầu tương trợ trư pháp (MAL) với Thụy Sĩ để lấy lời khai, bằng chứng và thu hồi tài sản trong tay các bị cáo tại đất nước này.

Hầu hết việc thu hồi tài sản với các vụ tham nhũng phức tạp thường đòi hỏi nỗ lực vượt ra ngoài đường biên nội địa. Tuy nhiên, việc này có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Các nỗ lực truy tìm và thu hồi tài sản thành công thường phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các cơ quan nước ngoài. Do đó quá trình có thể bị chậm lại và phức tạp do sự khác biệt về truyền thống pháp lý, luật và thủ tục, ngôn ngữ, múi giờ và năng lực.

Để góp phần tạo ra tiếng nói chung trong việc phòng, chống tham nhũng, Liên Hợp Quốc đã thông qua The United Nations Convention against Corruption – tạm dịch "Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng". Đây là công ước chống tham nhũng phổ quát duy nhất có tính ràng buộc pháp lý giữa các nước với nhau.

Điểm nổi bật của Công ước là bao gồm một chương cụ thể - Chương V về thu hồi tài sản, nhằm mục đích trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp, bao gồm cả các chủ sở hữu ngoại quốc.

5 phương thức tư pháp để thu hồi tài sản

Chương trình "Sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp" đề xuất 5 phương thức tư pháp để các quốc gia có thể tiến hành thu hồi tài sản, gồm: Một là, thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Hai là thu hồi không dựa trên kết án hình sự. Ba là, khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản. Bốn là, thu hồi tài sản dựa trên hành động, đề nghị từ các cơ quan tài phán nước ngoài. Năm là, thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính.

Vụ án của cố Tổng thống Zambia - Frederick Chiluba là một minh chứng sinh động cho phương pháp truy tố hình sự, khởi kiện dân sựthu hồi tài sản dựa trên hành động, đề nghị từ các cơ quan tài phán nước ngoài.

Năm 2004, Zambia đã tiến hành một vụ kiện dân sự ở Vương quốc Anh để thu hồi các khoản tiền được chuyển đến London và khắp châu Âu từ năm 1995 đến năm 2001 để phục vụ cho lối sống xa hoa của cố tổng thống, bao gồm cả một dinh thự trị giá hơn 40 lần mức lương hàng năm của ông. Các thủ tục tố tụng này được đưa ra cùng thời điểm với các thủ tục tố tụng hình sự đang diễn ra ở Zambia.

Vì sao Zambia lại khởi xướng một vụ kiện dân sự tại Anh song song với các thủ tục truy tố hình sự tại quê nhà?

Thứ nhất, hầu hết các bị cáo đều ở Châu Âu, khiến việc truy tố hình sự bằng tài phán trong nước và tịch thu trong một số trường hợp là không thể.

Thứ hai, hầu hết các bằng chứng và tài sản được đặt ở Châu Âu, điều này khiến cho Châu Âu trở thành một địa điểm thuận lợi hơn.

Thứ ba, kể cả đối với các trường hợp Zambia có thể tiến hành truy tố và tịch thu tài sản bằng tài phán trong nước, thì việc hợp tác quốc tế thành công thông qua một yêu cầu tương trợ tư pháp (MAL) là không thể. Zambia thiếu các hiệp định song phương hoặc đa phương, năng lực và kinh nghiệm cần thiết để thu thập bằng chứng và thực thi lệnh thu hồi tài sản trên khắp châu Âu.

Thay vào đó, các phán quyết do một tòa án của châu Âu đưa ra sẽ dễ được thi hành hơn rất nhiều.

Cuối cùng, nhờ vào vụ kiện này của Zambia, Tòa án Tối cao London đã tìm thấy bằng chứng đầy đủ về âm mưu chiếm đoạt gần 50 triệu USD liên quan tới cố Tổng thống Frederick Chiluba. Tòa án cũng cho rằng, các bị cáo đã vi phạm nghĩa vụ ủy thác mà họ có đối với Cộng hòa Zambia, do đó, phải chịu trách nhiệm về số tiền và tài sản tương ứng với số tiền đã chiếm đoạt. Sau đó, các thủ tục thu hồi tài sản đã được tiến hành.

Mỗi quốc gia có một quy trình và các phương thức tiến hành thu hồi tài sản tham nhũng khác nhau. Hơn nữa, một quy trình, một phương thức đúng trong trường hợp này, chưa chắc đúng trong trường hợp khác. Chưa kể đến, mỗi nước lại có một hệ thống pháp luật riêng. Tuy nhiên, với bất kỳ quốc gia nào, một hệ thống pháp luật toàn diện, chú trọng tới các hiệp định tương trợ tư pháp, hợp tác quốc tế… đều là những điều kiện không thể thiếu, quyết định đến sự thành công trong việc thu hồi tài sản tham nhũng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc: Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chính trị “quyết không được thua”
Trung Quốc: Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chính trị “quyết không được thua”

VOV.VN - Ông Tiêu Bồi cho biết, đấu tranh chống tham nhũng là một trận chiến quan trọng, đồng thời cũng là một trận chiến cam go để Đảng Cộng sản Trung Quốc tự cách mạng chính mình và quản lý đảng một cách nghiêm minh toàn diện.

Trung Quốc: Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chính trị “quyết không được thua”

Trung Quốc: Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh chính trị “quyết không được thua”

VOV.VN - Ông Tiêu Bồi cho biết, đấu tranh chống tham nhũng là một trận chiến quan trọng, đồng thời cũng là một trận chiến cam go để Đảng Cộng sản Trung Quốc tự cách mạng chính mình và quản lý đảng một cách nghiêm minh toàn diện.

Tổng thống Mỹ Biden: Ukraine phải giải quyết tham nhũng trước khi gia nhập NATO
Tổng thống Mỹ Biden: Ukraine phải giải quyết tham nhũng trước khi gia nhập NATO

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/6 nói rằng, Ukraine cần phải giải quyết vấn đề tham nhũng trước khi trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự NATO.

Tổng thống Mỹ Biden: Ukraine phải giải quyết tham nhũng trước khi gia nhập NATO

Tổng thống Mỹ Biden: Ukraine phải giải quyết tham nhũng trước khi gia nhập NATO

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/6 nói rằng, Ukraine cần phải giải quyết vấn đề tham nhũng trước khi trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự NATO.

Chính quyền quân sự Myanmar chính thức buộc tội tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi
Chính quyền quân sự Myanmar chính thức buộc tội tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi

VOV.VN - Chính quyền quân sự Myanmar đã chính thức buộc tội tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác của nước này.

Chính quyền quân sự Myanmar chính thức buộc tội tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi

Chính quyền quân sự Myanmar chính thức buộc tội tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi

VOV.VN - Chính quyền quân sự Myanmar đã chính thức buộc tội tham nhũng đối với bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức khác của nước này.