Có cần thiết phạt tù 2 người thân của học sinh bị Công an xã đánh chết?
Bức xúc vì học sinh Tu Ngọc Thạch chết sau khi bị công an xã bắt, bác và cậu của em đã la lớn, gây ách tắc giao thông, bị ghép tội gây rối và lãnh án tù.
TAND huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) vừa tuyên hai bị cáo là người thân của em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, học sinh đã chết sau khi bị công an xã bắt) mỗi người 1 năm 3 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Hai bị cáo là ông Nguyễn Văn Ly (43 tuổi) và Mai Đình Tâm (47 tuổi), một người là cậu ruột, một người là bác họ của em Tu Ngọc Thạch.
Ông Mai Đình Tâm và Nguyễn Văn Ly bị xử phạt án tù |
Sáng 31/12/2013, sau khi nghe tin em Thạch (người bị Lê Minh Phát - nguyên công an viên xã Vạn Long và Lê Tấn Khỏe gây thương tích) đã tử vong, trên đường đưa từ bệnh viện về nhà, người nhà của Thạch cùng một số người dân tụ tập trước cổng UBND xã Vạn Long và ngã tư Cây Duối - quốc lộ 1.
Khoảng 12h, ông Ly, ông Tâm cùng một số người khác vừa đi vừa la: “Công an đánh chết người” nhiều lần, làm nhiều người la lối và chạy theo.
Sau khi được giải thích, những người khác không la lối nữa, nhưng hai ông Ly, Tâm vẫn tiếp tục hô la khiến lượng người tập trung trên quốc lộ 1 khoảng 1.000 người, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, đến 15h30 cùng ngày mới giải tán. Ông Ly và ông Tâm bị khởi tố, truy tố.
Tại phiên tòa, hai bị cáo Ly, Tâm đều thừa nhận có hô la những lời như trong cáo trạng truy tố, nhưng nói rằng họ thất học và không am hiểu pháp luật, không nghĩ la lối vì bức xúc như vậy là vi phạm pháp luật và không thừa nhận là kích động cả ngàn người khác gây tắc quốc lộ 1 bởi vào thời điểm họ có mặt thì quốc lộ đã tắc rồi.
Đại diện Viện KSND huyện Vạn Ninh giữ quyền công tố nhìn nhận lời khai của các bị cáo là đúng, nhưng vẫn cho rằng việc các bị cáo không chịu ra về, tiếp tục la lối là kích động dẫn đến việc ùn tắc quốc lộ 1 kéo dài nhiều hơn.
Đại diện Viện KSND huyện Vạn Ninh đề nghị mỗi bị cáo 1 năm 3 tháng đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Nhưng sau gần một giờ nghị án, tòa tuyên ông Ly và ông Tâm mỗi người 1 năm 3 tháng tù giam.
Ngày 5/6, ông Ngô Văn Phước - Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Vạn Ninh - nói: Viện KSND huyện Vạn Ninh đánh giá vụ án này có mối quan hệ nhân quả với vụ án bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích làm chết em Tu Ngọc Thạch trước đó, nên khi xem xét vụ án thì không tách bạch ra từng vụ một, mà phải đặt trong chuỗi liên kết.
Rõ ràng nếu không có sự việc kia (công an xã bắt, đánh dẫn đến Thạch chết) thì làm gì có vụ gây rối. Viện cân nhắc như thế nên đã đề nghị án treo.
Theo ông Phước: “Mức án treo là đủ răn đe, giáo dục đối với các bị cáo, đồng thời để cho dân chúng thấy rằng ở mức độ đó không nên vượt quá rồi dẫn đến vi phạm pháp luật, nghĩa là cũng đảm bảo giáo dục chung”.
Tuy nhiên, ông Đỗ Công Đa - Chánh án TAND huyện Vạn Ninh - nói rằng hành vi của hai bị cáo “là nghiêm trọng, gây ra hậu quả lớn”.
Ông Đa cho biết: “Hội đồng xét xử đã phân tích, xem xét, dựa trên tính chất, mức độ, hậu quả của vụ án mà tuyên mức án như vậy.
Dư luận nói tòa tuyên như thế là nặng thì chỉ là nhận định, chứ giờ tôi nói nặng hay nhẹ người ta cũng không tin. Luật quy định rồi, nếu các bị cáo thấy mức án đó nặng thì kháng cáo lên phúc thẩm xem xét”.
Ông Đa thừa nhận trong vụ án này có cả ngàn người tham gia, gây ra hậu quả lớn, nhưng vì cơ quan điều tra chỉ xác định ông Ly và ông Tâm dù đến sau nhiều người khác nhưng có vai trò dẫn dắt, kích động, nên “ai sai đến đâu thì xử lý đến đó chứ biết làm sao”, còn nhiều người khác không nhận dạng được, điều tra không được nên không thể xét xử.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa - cho biết theo dõi kết quả tranh tụng thì thấy chưa đủ chứng cứ vững chắc để chứng minh các bị cáo có hành vi phạm tội.
Bằng chứng nào chứng minh hai ông Ly, Tâm gây rối làm ách tắc giao thông nghiêm trọng nhiều giờ trên quốc lộ 1? Nếu có bằng chứng sao không ngăn chặn, bắt quả tang các đối tượng gây rối?
Tại sao từ vụ đánh chết em Thạch đến vụ gây rối có mối dây liên hệ nhân quả với nhau mà không khởi tố trong cùng một vụ án để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật mà tách thành hai vụ án khác nhau? Tại sao vụ án này khởi tố cách xa cả năm trời và chỉ có hai bị cáo là thân nhân của Thạch?.
Xử nhẹ công an đánh chết người, phải hủy án
Ông Tu Ngọc Hoài và bà Nguyễn Thị Độc Lập, cha mẹ em Tu Ngọc Thạch, đau đớn và bức xúc trước cái chết của con trai - Ảnh: D.Thanh |
Liên quan đến cái chết của em Tu Ngọc Thạch, phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Vạn Ninh xét xử từ ngày 12 đến 14/11/2014 tuyên nguyên công an viên Lê Minh Phát 6 năm 9 tháng tù về hai tội “cố ý gây thương tích” và “bắt người trái pháp luật”;
Nguyên công an viên xã Vạn Long Lê Ngọc Tâm bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “bắt người trái pháp luật”; bị cáo Lê Tấn Khỏe (16 tuổi, ở xã Vạn Long) bị phạt 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.
Nhưng tháng 3/2015, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm, đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ án này vì cho rằng cấp sơ thẩm còn bỏ sót vật chứng quan trọng của vụ án, không tăng nặng hình phạt với bị cáo công an xã có hành vi côn đồ với trẻ em, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm./.