Tăng quyền điều tra hình sự cho Công an xã: Không để xảy ra lạm quyền
VOV.VN - Việc tăng thêm quyền điều tra hình sự cho công an cấp xã sẽ giảm bớt gánh nặng cho lực lượng cấp huyện, tỉnh.
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Điểm đáng chú ý của dự thảo này là đề xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự. Trong bối cảnh hiện nay, vì sao cần phải tăng thẩm quyền cho lực lượng Công an xã ? Và cần làm gì để tránh việc lạm quyền của lực lượng này khi được tăng thêm quyền hạn?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền. Nhưng theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 đang được Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến thì thẩm quyền của lực lượng Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự sẽ được tăng lên. Theo đó, lực lượng này được “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” đối với tin báo rồi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền, tương tự như đối với Công an phường, thị trấn, Đồn Công an.
Đồng tình với đề xuất tăng thẩm quyền cho lực lượng Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 được banh hành trong bối cảnh Công an xã là lực lượng bán chuyên trách. Hiện nay, Bộ Công an đã và đang triển khai đề án bố trí Công an chính quy tại tất cả các xã. Do vậy, cần tăng thẩm quyền cho lực lượng Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự.
Theo ông Bộ, Công an xã hiện nay là Công an chính quy như công an phường trước đây. Chính vì vậy, chức năng nhiệm vụ của Công an phường nay giao cho Công an xã thì không trái luật. Tăng thẩm quyền cho Công an xã để xử lý ban đầu trong việc phân loại hành vi vi phạm. Hành vi nào cấu thành tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra Công an cấp huyện. Còn ở mức xử phạt hành chính thì họ sẽ xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề xuất Chủ tịch UBND xã ra quyết định xử phạt hành chính theo thẩm quyền.
Việc tăng thêm quyền điều tra hình sự cho công an cấp xã sẽ giảm bớt gánh nặng cho lực lượng cấp huyện, tỉnh. Nhất là trong bối cảnh ngành Công an đang thực hiện chủ trương giảm bớt một số đội, phòng, ban ở cấp huyện và cấp tỉnh để tinh giản đội ngũ, tăng cường lực lượng cho công an xã.
Tuy nhiên, tăng thẩm quyền cho Công an xã cũng khiến nhiều người lo lắng về việc lạm quyền của lực lượng này. Do đó, vấn đề này phải được nhìn nhận đúng đắn và cần phải có cơ chế quản lý để tránh những hệ lụy có thể xảy ra. Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để tránh việc lạm dụng quyền hạn của lực lượng Công an xã trong thực thi công vụ cần quy trách nhiệm rõ ràng cho lực lượng này.
Theo đó, phải quy trách nhiệm cụ thể cho lực lượng Công an xã thực hiện chức năng gì? Như thế nào? Và thầm quyền thực hiện công việc đến đâu? Để vừa đảm bảo an ninh trật tự ở địa bàn mình quản lý vừa đảm bảo được quyền cơ bản của người dân. Quy trách nhiệm cho người đứng đầu, quy trách nhiệm cho Trưởng Công an xã nơi đó rõ ràng về phạm vi trách nhiệm quyền hạn như vậy sẽ rạch ròi cụ thể hơn.
Tăng thẩm quyền cho Công an xã phải đồng thời với việc nâng cao chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức cho lực lượng này. Bên cạnh đó, ngành Công an cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.
Bởi theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, trong các vụ án, giai đoạn điều tra ban đầu rất quan trọng. Ví dụ như các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục, các vụ án cướp của giết người, những vụ án mà hiện trường có thể bị xóa dấu vết.
Vì vậy, Giai đoạn đầu là giai đoạn mà cán bộ điều tra thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứ mẫu vật, vật chứng có liên quan đến tội phạm. Bởi vậy, nếu ở giai đoạn đầu, nếu cán bộ Công an xã được giao nhiệm vụ mà không có đầy đủ năng lực, trình độ nghiệp vụ, không đảm bảo về đạo đức thì có thể bỏ qua những chứng cứ quan trọng.
Để đảm bảo hiệu quả trong việc xác minh tin báo đấu tranh phòng, chống tội phạm, theo luật sư Cường, ngoài việc nâng cao đạo đức thì cũng cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật để ràng buộc trách nhiệm cũng như đảm bảo chất lượng của lực lượng công an xã. Để khi vụ việc xảy ra và xác minh bước đầu, Công an xã được giao nhiệm vụ phải thực hiện đúng quy trình về điều tra cũng như trách nhiệm trong hoạt động điều tra, tránh trường hợp bức cung nhục hình hoặc là bỏ lọt những dấu vết, những chứng cứ vật chứng quan trọng sau này phục vụ trong các điều tra.
Theo Bộ Công an, hiện nay Công an cấp huyện đang phải tiếp nhận, giải quyết 70% tổng số tin báo, trong đó tính riêng các tin báo do Công an cấp xã cung cấp chiếm tới 65%. Điều này dẫn tới áp lực trong công tác điều tra hình sự đối với Công an cấp huyện. Nếu lực lượng Công an xã được “tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ” đối với tin báo trước khi chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền sẽ giảm tải cho Công an cấp huyện trong công tác điều tra hình sự nói chung và công tác giải quyết tin báo nói riêng./.