Tiếp tục “Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu”

(VOV) -Việc hợp thức hóa quyền sử dụng 36,5ha đất rừng khiến dư luận đặt câu hỏi: Cơ quan pháp luật đã làm gì?

Vụ việc ông Lê Duy Nguyên, nguyên Đại biểu Quốc hội, Giám đốc doanh nghiệp được phản ánh trong loạt bài “Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu” có hành vi giả mạo chữ ký, lập nhiều giấy tờ giả mạo nhờ cán bộ chính quyền ký, xác nhận, đóng dấu để hợp thức hóa quyền sử dụng 36,5ha đất rừng Nhà nước đã cấp cho ông Trần Xuân Lập nhưng đã hơn 2 năm mà vẫn chưa bị xem xét trách nhiệm hình sự khiến dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: Cơ quan pháp luật đã làm gì?

Công an Quỳnh Lưu chỉ... hòa giải giữa 2 bên!?

Ngày 10/7/2010, gia đình ông Trần Xuân Lập viết đơn tố giác ông Lê Duy Nguyên đã có hành vi thông đồng với một số cán bộ xã Quỳnh Lập và huyện Quỳnh Lưu để làm sai lệch hồ sơ nhận tiền đền bù dự án đường nối quốc lộ 1A với Cảng Đông Hội. Ngày 5/10/2010, Công an huyện Quỳnh Lưu có văn bản thông báo: Do đơn của bà Lê Thị Vạn và Trần Xuân Nam đã gửi cho TAND huyện trước khi gửi cho Công an, Tòa án đã thụ lý giải quyết, nên “căn cứ Khoản 6 Điều 32 Luật Khiếu nại tố cáo 2003 Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu chuyển đơn của ông bà tới TAND huyện Quỳnh Lưu để giải quyết”.

Nhận được thông báo này, anh Trần Xuân Nam đã làm thêm Đơn tố cáo ông Lê Duy Nguyên thông đồng với nhiều cán bộ chính quyền lập nhiều giấy tờ giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền bồi thường của ông Trần Xuân Lập. Sau đó, anh Nam đã làm việc với Công an huyện Quỳnh Lưu.  

Anh Nam cho rằng, TAND huyện đang thụ lý vụ kiện dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất rừng giữa ông Nguyên và bố mình; còn đơn của anh tố cáo ông Nguyên có hành vi giả mạo chữ ký, giấy tờ, gian lận thông đồng với một số cán bộ xã Quỳnh Lập và huyện Quỳnh Lưu để chiếm đoạt tài sản của người khác. Do vậy, anh Nam đề nghị công an giải quyết và tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do anh cung cấp. Nhưng Công an huyện Quỳnh Lưu không chấp nhận và vẫn đưa “Khoản 6 Điều 32 Luật Khiếu nại tố cáo 2003” để làm căn cứ khẳng định thẩm quyền giải quyết “Đơn tố cáo” thuộc TAND huyện Quỳnh Lưu.

Điều khó hiểu là không có “Luật Khiếu nại tố cáo 2003”. Tại thời điểm áp dụng năm 2010, có hiệu lực pháp luật là “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, Tố cáo  năm 2005”,  trong đó, tại Mục 3: “Thẩm quyền giải quyết khiếu nại”, Khoản 6 Điều 32 ghi rõ: “Khiếu nại thuộc các trường hợp sau đây không được thụ lý để giải quyết: ...6/Việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý để giải quyết hoặc đã có bản án, quyết định của Toà án”. Và văn bản của Công an huyện Quỳnh Lưu đã căn cứ vào nội dung này để từ chối thụ lý đơn tố cáo.

Như vậy, đã có sự nhầm lẫn áp dụng pháp luật khi đơn của anh Trần Xuân Nam không phải là “Đơn khiếu nại” mà là “Đơn tố cáo” không thể áp dụng điều luật về khiếu nại được. Trong khi đó, tại Mục 2: “Thẩm quyền giải quyết tố cáo” lại không hề có “khoản 6 Điều 32” như Công an huyện Quỳnh Lưu dẫn chiếu. Thêm một sự “lạ” cần được lý giải!?

Sau đó, tại phiên tòa ngày 27/3/2012, luật sư Lương Quang Tuấn đề nghị: Hành vi của ông Lê Duy Nguyên đã có dấu hiệu hình sự theo Điều 141 Bộ luật Hình sự, đề nghị phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, HĐXX đã không xét đến, mà tuyên: Đình chỉ vụ án. Và cho đến nay, ông Lê Duy Nguyên cũng như nhiều cán bộ chính quyền tham gia lập nên nhiều giấy tờ giả mạo để “hợp thức hóa” cho ông Nguyên quyền sử dụng 36,5 ha đất rừng mang tên ông Trần Xuân Lập vẫn không bị cơ quan nào xem xét trách nhiệm hình sự.

Tại buổi làm việc VOV và nhiều tờ báo khác, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Việc tranh chấp kiện cáo diễn ra lâu rồi. Sau khi có bài báo “Ngũ lạ” thì chúng tôi thấy vấn đề cần phải đi sâu và đã cho anh em đi điều tra. Chúng tôi đã có những cuộc hòa giải giữa hai bên để xác minh, để trả lời báo. Năm 1992, ông Nguyên xin được cấp đất lâm nghiệp. Ông ấy thừa nhận đứng ra lập hồ sơ và đứng tên ông Lập, Nam và khi hạt kiểm lâm đứng làm biên bản thì ông Nguyên đã thò tay vào để ghi tên 3 ông này...

Chúng tôi đã tiến hành hỏa giải tại xóm, xã. Ông Nguyên cũng đã thừa nhận làm hồ sơ và ký tên vào đó. Tòa Quỳnh Lưu cũng đã nhận đơn và thụ lý việc này. Tòa đã có lần tuyên đình chỉ vụ án nhưng Tòa tỉnh đã bác bỏ và đề nghị tòa huyện xử lý tiếp vụ án. Việc công an gọi ông Nam lên hỏi về sổ lâm bạ là do thực hiện theo bài báo của đồng chí Nguyễn Bá Minh là sổ lâm bạ chỉ cấp cho người nhận ban đầu mà ông Nguyên là người đại diện đã nhận rồi và còn một bộ nữa lưu lại thì tại sao ông Lập lại có và ông Nam lại có. Chứ không phải công an có ý gì hay thiên vị cho ai cả...

Chúng tôi có làm việc với ông Nguyên và ông đã thừa nhận là đứng ra xin mượn tên các ông ý và là người trực tiếp ký, và cũng thừa nhận nếu có vấn đề gì sai thì sẽ chịu trước pháp luật. Việc phán xét sai ở đâu thì ta dành cho Tòa. Chúng tôi có biết là tất cả các hồ sơ và lâm bạ thì cha con nhà ông Lập không ký vào... Và chúng tôi hiện giờ chưa có kết luận điều tra”.

Như vậy, Công an huyện Quỳnh Lưu đã biết rõ ông Nguyên giả mạo chữ ký và tự lập ra toàn bộ hồ sơ giả mạo, có xác nhận của nhiều cán bộ chính quyền, nhưng lại không tiến hành điều tra theo đơn tố cáo. Do đó, hành vi làm giả hồ sơ, giả mạo chữ ký của ông Lê Duy Nguyên; hành vi xác nhận, ký tên và đóng dấu cơ quan Nhà nước của hàng loạt cán bộ xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, cán bộ Kiểm lâm huyện Quỳnh Lưu (trong đó Phó Chủ tịch huyện Chu Xuân Thắng 2 lần ký xác nhận vào 2 Bản Cam kết có nội dung gần như nhau, không những rất vô lý mà còn đầy dấu hiệu tẩy xóa, giả mạo) đã không được điều tra làm rõ động cơ, mục đích.

Ngược lại, Cơ quan điều tra lại đi hòa giải giữa 2 bên, và khi báo chí lên tiếng thì tiến hành xác minh nội dung báo chí phản ánh để trả lời báo chí. Còn TAND huyện Quỳnh Lưu, sau hơn 2 năm trời thụ lý, hết xử rồi hoãn, rồi tuyên đình chỉ trái pháp luật, nay vừa mới xử lại thì lại hoãn vì vi phạm tố tụng; do vậy, hành vi lập giấy tờ giả mạo của ông Nguyên và một số cán bộ chính quyền xã Quỳnh Lập và huyện Quỳnh Lưu cũng chưa bị xem xét xử lý./. 

VKSND Tối cao vào cuộc: Ngày 29/4/2013, VKSND Tối cao đã có chỉ đạo, yêu cầu VKSND tỉnh Nghệ An kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKSND Tối cao phụ trách và Vụ 12, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND Tối cao để theo dõi, về nội dung báo chí phản ánh: “Tháng 1/1993, ông Trần Xuân Lập, nông dân ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An được cấp 36,5ha đất rừng, đã có sổ lâm bạ cấp ngày 10/1/1993, con trai của ông Lập là Trần Xuân Nam được giao 84,5ha. Đến ngày 10/2/1993, ông Lê Duy Nguyên, nguyên là Đại biểu Quốc hội, đã có hành vi làm giả nhiều tài liệu, giấy tờ với nội dung: bố con ông Lập tự nguyện giao số đất này cho ông Nguyên, ký giả chữ ký của ông Lập.

Tuy vậy, chính quyền xã, huyện đều ký xác nhận vào văn bản giả mạo này và giao đất cho ông Nguyên làm cho bố con ông Lập bị mất toàn bộ số đất được giao. Ông Nguyên cũng đã thừa nhận hành vi giả mạo này. Vụ việc này rõ ràng đã cấu thành tội làm giả hồ sơ tài liệu để chiếm đoạt đất rừng của công dân nhưng Công an huyện Quỳnh Lưu không khởi tố vụ án hình sự.

Vụ việc được TAND huyện Quỳnh Lưu thụ lý xét xử. Nhưng ngày 26/3/2013, TAND huyện Quỳnh Lưu lại ra quyết định đình chỉ vụ án. Quyết định này đã bị TAND tỉnh bác bỏ nhưng đến nay vụ việc vẫn không được giải quyết rõ ràng, không biết đến bao giờ ông Lập mới giành lại được quyền lợi hợp pháp của mình”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc rất đáng chú ý này.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu
Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Luật sư Lương Quang Tuấn: “Tòa tuyên, đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.

Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

Viết tiếp chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Luật sư Lương Quang Tuấn: “Tòa tuyên, đình chỉ vụ án của ông Lập, tôi ngớ người ra, không thể tin nổi...”.

Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu
Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Câu chuyện là mâu thuẫn giữa một bên là nguyên đại biểu Quốc hội khóa X và gia đình nông dân nghèo khó.

Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

Chuyện “ngũ lạ” ở Quỳnh Lưu

(VOV) -Câu chuyện là mâu thuẫn giữa một bên là nguyên đại biểu Quốc hội khóa X và gia đình nông dân nghèo khó.