Cái giá phải trả khi mượn danh “quan tòa”
VOV.VN - Việc tự cho mình “quyền” hành hung, hủy hoại tài sản của người khác không chỉ bị xã hội lên án, mà có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Từ hủy hoại tài sản… đến hành hung người vô tội
Thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục nhận được nhiều phản ánh về tình trạng ô tô bị đổ sơn, chất thải… Tối 31/3, anh T. chủ chiếc xe ô tô màu đen đỗ dưới lòng đường trước cửa một ngôi nhà ở ngõ 124 phố Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị đôi vợ chồng trẻ dùng bút xóa vẽ nhiều vết màu trắng bên ngoài vỏ xe.
Hành vi hủy hoại tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự. |
Không chỉ dừng lại ở việc hủy hoại tài sản, nguy hiểm hơn nhiều nơi đã xảy ra tình trạng lấy lý do nghi bắt cóc trẻ con để phá hoại tài sản và hành hung người khác.
Điển hình là việc ôtô Fortuner bị người dân đốt cháy trụi, chỉ còn trơ lại khung ở xã Hồng Lạc (Hải Dương) vì nghi vấn 2 người trên xe thôi miên, bắt cóc trẻ con. Hay vụ hai phụ nữ bị hành hung phải nhập viện khi đi bán tăm tại xã Mai Đình, Sóc Sơn làm nóng dư luận những ngày qua.
Hình ảnh 2 người đàn bà nhà quê bị đánh bầm dập thật đau lòng. Nếu dân làng chỉ cần vài phút bình tĩnh thôi, chắc chắn mọi việc sẽ khác.
Nhìn vào hình ảnh chiếc ô tô bị đốt cháy trơ khung và khuôn mặt biến dạng của người phụ nữ bán tăm khiến không ít người phải giật mình và cảm thấy đau lòng. Ngay lập tức trên diễn đàn mạng xã hội đã lên án và đề nghị xử lý nghiêm những kẻ tự cho mình quyền như “quan tòa”, rồi đứng ra “tự xử”, hành hung và hủy hoại tài sản của người khác.
Cần xử lý nghiêm minh
Nhiều người cho rằng, một phần nguyên nhân để xảy ra các vụ việc người dân vì nghi ngờ mà có hành động sai trái là do công tác phát động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa thực sự tốt. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân trong việc phát hiện tội phạm chưa hiệu quả, chính vì vậy, dẫn đến việc nhiều người không nhận thức được đâu là hành vi vi phạm pháp luật, chỉ ùa theo đám đông.
Chiếc ô tô bị đốt cháy trơ khung. |
Điều này cũng thể hiện, pháp luật chưa nghiêm minh, xử lý chưa đến nơi đến chốn nên người dân không còn tin tưởng vào pháp luật mà muốn hành xử theo bản năng. Đã đến lúc pháp luật cần phải nghiêm minh, công tâm và công khai, mới lấy lại được niềm tin và an toàn xã hội.
Luật sư Phạm Văn Nga, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Hành vi đổ sơn lên ô tô có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản của người khác. Việc hủy hoại tài sản có giá trị trên 2 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự”.
Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico cho rằng, dù chủ phương tiện dừng đỗ sai quy định, hoặc gây cản trở lối đi thì người khác cũng không thể sử dụng hành vi trái pháp luật để đáp trả. Khi bị hủy hoại tài sản, người bị hại có thể làm đơn tố cáo tới công an xã, phường, tố cáo hành vi hủy hoại tài sản. Các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm, điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi hủy hoại tài sản./.