Người thân trong gia đình giết nhau: Vì đâu nên nỗi?
VOV.VN -Ghen tuông, sống ích kỷ, đẩy mâu thuẫn vợ chồng bị dồn nén lâu ngày đến những hậu quả ngoài mong muốn, gây ra nhiều án mạng đau lòng.
Vợ giết chồng rồi phân xác đem phi tang, chồng dùng búa đánh chết vợ, chồng dùng dao truy sát vợ con… là những vụ án xuất phát từ mâu thuẫn, ghen tuông trong gia đình đang khiến dư luận chấn động, khiếp sợ. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới những vụ án này là do ghen tuông đẩy mâu thuẫn vợ chồng bị dồn nén lâu ngày lên cao dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn.
Nghi phạm Bùi Văn Đông dùng búa sát hại vợ là Trần Thị Hiền, bác sỹ khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.
Theo một thống kê của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, trong những năm vừa qua, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người. Đó là con số rất cao. Trong đó, án mạng do văn hoá ứng xử chiếm 40%; lứa tuổi phạm tội dưới 30 tuổi chiếm khoảng 75% các vụ án; nam giới gây án, là nạn nhân chiếm hơn 90%. Thống kê cũng cho thấy, có tới hơn 90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó có 18-20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau.
Đó là báo động đỏ về sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội hiện nay. Trong đó, có thể nhận thấy sự cố kết trong gia đình Việt Nam theo chuẩn mực truyền thống, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
Những ngày cuối năm 2017, vụ án vợ giết chồng rồi phân xác phi tang xảy ra tại phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến dư luận rúng động, khiếp sợ. Nghi phạm là Hoàng Thị Hồng Diễm, 32 tuổi. Tại cơ quan công an, Diễm khai ra tay do nghi chồng mình có bồ, lại về nhà đánh và đe dọa giết vợ...
Hay gần đây, ngày 28/01 do mâu thuẫn gia đình, nghi phạm Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1981, tại thôn 8, xã Nga An, Nga Sơn, Thanh Hóa) đã dùng dao chém nhiều nhát vào vợ là chị Phạm Thị T. và 2 con gái làm cả 3 mẹ con tử vong tại chỗ.
Đặc biệt, vụ án chồng dùng búa đánh chết vợ để lại nhiều suy nghĩ cho xã hội về mối quan hệ gia đình, cụ thể là mối quan hệ giữa chồng với vợ. Theo đó, nghi phạm là Bùi Văn Đông (sinh năm 1971, ở số nhà 360, đường Hoàng Quốc Việt, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) do ghen tuông, không kiềm chế được bản thân đã dùng búa đập nhiều nhát vào đầu vợ mình là chị Trần Thị Hiền (SN 1977) vốn là Phó trưởng khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khiến chị Hiền bị vỡ hộp sọ, mất máu, tử vong tại chỗ. Bản thân nghi phạm Đông cũng tử vong do sau nhiều ngày điều trị vì tử tự bằng thuốc diệt cỏ.
Trung tá Đào Trung Hiếu
Trên đây là 3 trong số rất nhiều vụ án mạng mà nguyên nhân chính được chỉ ra là do mâu thuẫn chuyện gia đình, hoặc ghen tuông, nghi ngờ chồng hoặc vợ ngoại tình. Từ những vụ án nêu trên, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) Bộ Công an cho rằng, hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình không còn là hiện tượng đơn lẻ, mà đã “bùng phát” trong những năm vừa qua. Nó như một xu hướng hành động đã lan ra nhiều nhóm xã hội (kể cả thành niên và vị thành niên, nam giới hay nữ giới).
Trung tá Hiếu cho biết, theo nghiên cứu của Trung tâm điều tra tội phạm học, tội ác trong gia đình là do hiện nay sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình lỏng lẻo hơn. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh…tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác. Đó là con người cùng một gia đình sống lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích..,họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.
Cùng với đó, bản thân những thành viên lớn tuổi trong gia đình cũng sống vị kỷ hoặc chạy theo những sự hấp dẫn bên ngoài, thiếu sự quan tâm đến gia đình, nhiều người mắc vào cờ bạc, ma túy hoặc sống thiếu thủy chung…Đó là nguồn cơn sâu xa của bạo lực về sau vì những việc làm này tất yếu dẫn đến xung đột gia đình.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án giết người thân, theo Trung tá Nguyễn Trung Hiếu, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm, làng, truyền thống dân tộc... Định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật… Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.
Đối với những hộ gia đình trong khu vực dân cư, khi phát hiện có mâu thuẫn tranh chấp, xô xát, bạo lực trong sinh hoạt,… thì lực lượng Công an cơ sở cần phải phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể địa phương tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn phát sinh, kéo dài. Với những vụ án giết người thân xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các vụ án gây bức xức trong dư luận, theo Trung tá Hiếu cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh, đưa ra xử án điểm, ngay tại địa bàn, qua đó tuyên truyền, giáo dục về phương thức, thủ đoạn của tội phạm; tuyên truyền về nguyên nhân, điều kiện xảy ra vụ án để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa tội phạm, tôn trọng pháp luật.
Từ thực tiễn các vụ án đã xảy ra, nhìn rộng ra xã hội Trung tá Hiếu cho rằng, cơ quan điều tra có thẩm quyền cần phải có kế hoạch phối hợp với các lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an phụ trách xã, Công an xã… thông qua việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” ở khu dân cư; tiến hành công tác điều tra cơ bản ở các cụm dân cư, khu phố, thôn xóm để chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình, đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội./.
Nóng 24h: Vẻ bình tĩnh đáng sợ của gã chồng sát hại vợ rồi ra đầu thú