Vụ ông già 78 tuổi dâm ô với bé gái: Khi nào bị cáo phải thi hành án?
VOV.VN - Theo quy định, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án.
Ngày 1/6, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên bản án của TAND TP Vũng Tàu, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) 3 năm tù về tội dâm ô trẻ em.
Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy. (Ảnh: Zing)
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi Quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.
Theo luật sư, để bị cáo Nguyễn Khắc Thủy phải thi hành án, cơ quan thi hành án phải dựa trên bản án, quyết định được thi hành. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật thi hành án hình sự 2010 thì Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án là quyết định có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.
Về thủ tục thi hành án đối với Nguyễn Khắc Thủy, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật thi hành án hình sự thì trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án đã ra quyết định phải gửi quyết định thi hành án cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi người chấp hành án đang tại ngoại.
“Hiện nay, ông Nguyễn Khắc Thủy đang tại ngoại nên theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật thi hành án hình sự 2010 thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án. Quá thời hạn trên mà người đó không có mặt, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp hoặc Cảnh vệ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án”- luật sư Nguyễn Minh Long cho biết.
Cũng theo luật sư Nguyễn Minh Long, trong trường hợp bị cáo đủ các điều kiện quy định tại Điều 63 Bộ luật hình sự 2015 thì bị cáo được xem xét giảm án.
Cụ thể: “Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên. 1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 1/3 thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân. 2. Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được 1/2 mức hình phạt đã tuyên”.
Cáo trạng và bản án sơ thẩm đã xác định bị cáo Thủy thực hiện hành vi dâm ô với 2 bé gái. Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù về hành vi dâm ô với 2 bé trên. Sau đó, bị cáo Thủy kháng cáo kêu oan và TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sửa án, tuyên ông Thủy 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 36 tháng. Ngày 1/6, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên bản án của TAND TP Vũng Tàu, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) 3 năm tù về tội dâm ô trẻ em./.
Hủy bản án treo, phạt ông Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù tội dâm ô
Thẩm phán tuyên án treo cho Nguyễn Khắc Thủy bị đình chỉ nhiệm vụ