"Năng lực chưa từng thấy trước đây của một tên lửa Triều Tiên"
VOV.VN - Tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên vừa phóng thử sáng 14/5 được cho là có tầm bắn “chưa từng thấy”, có thể bao quát các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Sáng nay (15/5), Triều Tiên chính thức khẳng định đã phóng thử thành công một loại tên lửa mới hôm 14/5. Giới phân tích cho rằng quả tên lửa này đã chứng minh tầm bắn “chưa từng thấy”, có thể đưa trọn các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương vào tầm ngắm.
Triều Tiên phô diễn loạt tên lửa tại lễ diễu binh ngày 15/4/2017. Ảnh: AFP. |
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cho biết, quả tên lửa mới phóng là tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất tầm trung và xa có tên Hwasong-12. KCNA thuật lại, khi đích thân giám sát vụ phóng thử thành công này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ôm lấy các quan chức cùng có mặt tại đó và khen ngợi rằng họ “đã làm việc vất vả để đạt được một thành quả lớn lao”.
Quả tên lửa được phóng lên một quỹ đạo cao bất thường mà theo KCNA, nó đã bay đến độ cao 2.111,5km và xa 787km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản (phía Đông Triều Tiên). Các nhà phân tích cho rằng điều đó chứng tỏ tầm bắn của nó có thể lên đến 4.500km nếu bay xa tối đa.
“Nó cho thấy năng lực chưa từng thấy trước đây của một tên lửa Triều Tiên”, chuyên gia về kỹ thuật hàng không vũ trụ John Schilling nhận định trên 38 North, trang web chuyên quan sát các vấn đề Triều Tiên.
Ông cho rằng đây là một quả tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) có thể “thực sự tấn công các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam” trên Thái Bình Dương và quan trọng hơn, nó có thể chứng minh cho “tiến bộ đáng kể về phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”.
Hồi tháng 4, Triều Tiên đã đem hàng chục quả tên lửa tham gia lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng, trong đó có 1 quả được cho là loại mới mà nước này vừa phóng ngày 14/5.
Hãng thông tấn KCNA khẳng định vụ thử lần này đã chứng minh toàn bộ đặc điểm kỹ thuật của một quả tên lửa “có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lỡn”.
Hiện chưa có bằng chứng về việc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ làm nhỏ vũ khí hạt nhân để có thể vừa mũi tên lửa hay chưa, hoặc công nghệ cần thiết để đảm bảo vũ khí này toàn vẹn trong quá trình bay lên và trở lại bầu khí quyển trái đất.
Tuy nhiên, chuyên gia David Wright của tổ chức Liên minh các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists, Mỹ) cho rằng tên lửa Hwasong-12 “có phạm vi vươn xa hơn đáng kể so với các tên lửa hiện nay của Triều Tiên”.
Trong khi đó, nhà phân tích Schilling thì lo ngại rằng khả năng đánh đến đảo Guam không phải là yếu tố “làm thay đổi cuộc chơi”, mà thực chất quả tên lửa mới này chỉ là một bước trên cả chặng đường dài.
“Điều có thể thay đổi sự cân bằng chiến lược là một ICBM có khả năng vươn tới lục địa Mỹ”, ông nêu rõ. “Đây không phải là một quả tên lửa như vậy nhưng nó là bước thử nghiệm nền tảng cho thấy công nghệ và hệ thống sẽ được sử dụng trong những quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tương lai”./.
Ảnh: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát vụ thử tên lửa ngày 14/5