Philippines đưa máy bay, tàu chiến tới vịnh Subic trên Biển Đông
VOV.VN - Philippines điều các máy bay chiến đấu và 2 tàu chiến tới căn cứ Hải quân trước đây của Mỹ nhằm đối phó hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông.
Reuters dẫn lời các chuyên gia về an ninh nhận định, việc đưa máy bay và tàu chiến tới đồn trú tại vịnh Subic sẽ giúp Philippines đối phó hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tàu USS Shiloh đậu tại vịnh Subic ở Philippines (Ảnh Reuters) |
Vị trí chiến lược đối phó với Trung Quốc
“Giá trị của vịnh Subic khi được sử dụng làm căn cứ quân sự đã được người Mỹ kiểm chứng và những chuyên gia quốc phòng của Trung Quốc cũng hiểu rõ điều này”, ông Rommel Banlaoi, một chuyên gia an ninh của Philippines nhận định.
Từng là một trong những căn cứ lớn nhất của Hải quân Mỹ trên thế giới, vịnh Subic đã bị đóng cửa vào năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines bãi bỏ một thỏa thuận với Washington. Sau đó, Manila đã biến vịnh này thành một đặc khu kinh tế chứ không sử dụng vào mục đích quân sự nữa.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, vào tháng 5 vừa qua, quân đội Philippines đã ký một thỏa thuận với đơn vị điều hành đặc khu kinh tế nói trên để sử dụng một phần khu vực này trong vòng 15 năm.
Từ năm 2000, Hải quân Mỹ vẫn thường đưa các tàu chiến đến vịnh Subic, tuy nhiên, các tàu này chỉ neo đậu tại đây khi tham gia diễn tập chung với quân đội Philippines hoặc để sửa chữa hoặc tiếp nhiên liệu.
Các quan chức Philippines cho biết, khi vịnh Subic được tái sử dụng làm căn cứ quân sự, Hải quân Mỹ sẽ có quyền tiếp cận nhiều hơn đối với vịnh này theo một thỏa thuận kéo dài 1 năm giữa hai bên, trong đó cho phép quân đội Mỹ được sử dụng các căn cứ quân sự tại Philippines.
Ngoài ra, việc tái sử dụng vịnh Subic có thể được coi là động thái quân sự mới nhất của Philippines nhằm ngăn chặn mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Theo đó, bên cạnh việc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và Nhật Bản, Philippines dự định chi tiêu 20 tỷ USD trong vòng 13 năm tới để hiện đại hóa quân đội nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo, họ đã biết về dự định của phía Philippines.
“Chúng tôi hy vọng rằng Philippines sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào việc đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.
Điều máy bay ra trước
Hai tướng lĩnh Philippines cho biết, hai chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn Korea Aerospace Industries chế tạo, sẽ được đưa đến căn cứ Hải quân trên vịnh Subic vào đầu năm 2016 sau khi được bàn giao cho Philippines vào tháng 12 tới.
Sau đó, những chiếc FA-50 còn lại mà Philippines đặt hàng tập đoàn Korea Aerospace Industries cùng với phi đội Máy bay Chiến đấu số 5 cũng sẽ được điều đến vịnh Subic.
Hình ảnh từ máy bay trinh sát của Mỹ cho thấy Trung Quốc cải tạo một bãi đá ở Biển Đông (Ảnh AP) |
Ngoài ra, hai tàu chiến của Philippines cũng sẽ đồn trú tại cảng Alava cũng thuộc vịnh Subic.
“Trên vịnh Subic chúng tôi đã có sẵn một số cơ sở hạ tầng quân sự, chúng tôi chỉ cần cải tiến lại”, một tướng lĩnh Philippines cho biết.
Tuy nhiên, do vịnh Subic đã nhiều năm không được sử dụng vào mục đích quân sự nên vịnh này không nằm trong số 8 địa điểm mà quân đội Philippines tuyên bố quân đội Mỹ có thể sử dụng trong Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước vào năm 2014.
Mặc dù vậy, các điều khoản trong thỏa thuận này vẫn cho phép Mỹ điều quân đến đồn trú tại các căn cứ của Philippines lâu hơn so với nhiều thỏa thuận trước đó. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng cho phép Mỹ xây dựng trại lính và các cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích hậu cần.
Thỏa thuận này đã bị các chính trị gia cánh tả tại Philippines ngăn trở vào năm 2014 khi họ nghi ngờ tính hợp hiến của thỏa thuận này và Tòa án Tối cao Philippines được cho là sẽ đưa ra phán quyết của mình về vấn đề này trong tháng tới.
“Khi đó, vịnh Subic có thể được đưa vào sử dụng theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng”, Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Batino nói.
Lầu Năm Góc Mỹ cho biết, họ đã tiến hành các cuộc đàm phán về các căn cứ của Philippines mà Mỹ có thể sử dụng. Tuy nhiên, họ sẽ không đưa ra kế hoạch cụ thể cho đến khi Tòa án Tối cao Philippines ra phán quyết cuối cùng.
Trung Quốc sẽ bị giám sát kỹ càng
Các chuyên gia an ninh Philippines cho biết, vịnh Subic nằm cách bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm của Philippines vào năm 2012 chỉ 145 hải lý.
Họ cũng nhận định rằng, một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ cải tạo bãi đá này thành đảo nhân tạo và khiến Philippines khó khăn trong việc bảo vệc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.
“Các máy bay chiến đấu và tàu tuần tra của Philippines có thể bay đến bãi cạn Scarborough chỉ trong vài phút và có thể cập nhật liên tục về động thái của Trung Quốc ở Biển Đông”, ông Patrick Cronin, một chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới tại Washington nhận định./.