“Sát thủ săn ngầm” P-3C của Nhật tăng cường hiện diện ở Biển Đông
VOV.VN - Sự xuất hiện của P-3C tại các căn cứ trên Biển Đông là một phần hoạt động giao lưu quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước liên quan.
Tờ Straitstimes dẫn nguồn tin từ Báo Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) hôm qua cho biết, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản đã đưa ra quyết định, máy bay săn ngầm P-3C của nước này sau khi kết thúc hoạt động tuần tra, trên đường trở về sẽ ưu tiên dừng lại tại căn cứ của các nước đang phải đối mặt với những vấn đề ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines và Việt Nam.
Máy bay P-3C của Nhật Bản (Ảnh: Mod.go.jp) |
Như vậy, hoạt động của “sát thủ săn ngầm” P-3C có thể nâng cao khả năng giám sát và tăng diện tích máy bay trinh sát của Nhật Bản hoạt động trên vùng trời ở Biển Đông. Động thái này cũng được cho là sẽ góp phần bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông và cho phép Nhật Bản hỗ trợ hoạt động tuần tra của Mỹ quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông.
Máy bay P-3C thuộc biên chế của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản thường xuyên tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế chống cướp biển ở khu vực ngoài khơi bờ biển Somalia, hoạt động này diễn ra 3 tháng 1 lần.
Trước đó, máy bay P-3C vẫn thường tiếp nhiên liệu tại các căn cứ tương đối xa Biển Đông như ở Singapore và Thái Lan. Dù các chuyến tuần tra ra nước ngoài của máy bay trinh sát Nhật Bản là không thay đổi nhưng sẽ ưu tiên tiếp nhiên liệu tại các căn cứ trên Biển Đông, chẳng hạn như ở Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Sự xuất hiện của máy bay Nhật Bản tại các căn cứ trên Biển Đông cũng sẽ là một phần của hoạt động giao lưu quốc phòng giữa Nhật Bản và các quốc gia liên quan.
Theo Straitstimes, việc thu xếp, lên kế hoạch để máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản có thể dừng chân ở cảng Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 2/2016 trong chương trình hoạt động trao đổi quốc phòng giữa hai nước đang được xúc tiến.
Tháng 11/2015, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani tới Việt Nam, hai nước đã đạt được thỏa thuận để tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản có thể tới thăm cảng Cam Ranh và thúc đẩy trao đổi quốc phòng liên quan./.