Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa: Cuộc đua hạt nhân với Mỹ được “kích hoạt”?

VOV.VN - Việc Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa liệu có khiến Mỹ “kích hoạt” một cuộc đua hạt nhân mới?

Kích hoạt cuộc đua hạt nhân mới?

Trong một vài tháng qua, các đô đốc và tướng Mỹ đều thúc đẩy 2 vấn đề lớn. Đó là yêu cầu cần đối phó với quyền lực quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc và nhu cầu cần "hiện đại hóa" kho hạt nhân của Mỹ qua việc phát triển thêm các tên lửa, máy bay ném bom, tàu ngầm mới, cũng như thay thế và nâng cấp các mẫu hiện tại đã lỗi thời.

Gần đây, một diễn biến mới đã khiến 2 vấn đề này ngày càng được củng cố: Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã xây dựng 120 silo (hầm chứa) tên lửa ở một sa mạc nằm ở thành phố Ngọc Môn phía tây bắc Trung Quốc, nơi dường như có một trung tâm chỉ huy bệ phóng kết nối mỗi nhóm khoảng 10 silo, với những đặc điểm hoàn toàn phù hợp cho việc triển khai các tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41.

Đô đốc Charles Richard, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ đã gọi động thái trên là "sự mở rộng ngoạn mục" các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc. Những quan chức khác cũng cho rằng các silo này là một nhân tố cơ bản để Washington đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa lực lượng hạt nhân - điều mà một số nghị sĩ trong Quốc hội từng phản đối vì những lý do kinh tế và chiến lược.

Các hầm chứa trên, nếu được chất đầy các tên lửa, sẽ tăng khoảng gấp đôi số lượng ICBM của Trung Quốc. Đây là một dự án xây dựng ấn tượng và hoàn thiện với tốc độ nhanh chóng. Hiện chưa rõ liệu chúng có gây ra mối đe dọa mới hay thậm chí là sự thay đổi trong chiến lược hạt nhân của Trung Quốc hay không. Nhiều khả năng, việc bổ sung thêm các hầm chứa tên lửa này là nhằm phản ứng với những điều mà các quan chức Trung Quốc cho là mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, điều này có vẻ không hợp lý bởi dù sao Mỹ cũng đang giảm kho hạt nhân của mình. Ý tưởng một tổng thống Mỹ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên nhằm chống lại Trung Quốc dường như là điều phi lý với hầu hết người Mỹ, song không phải là phi lý với nhiều người Trung Quốc.

Đầu tiên, Mỹ có 14 tàu ngầm lớp Ohio, mỗi tàu ngầm có thể mang 24 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II, mỗi tên lửa lại có thể mang 8 đầu đạn hạt nhân D-5. Như vậy, tổng cộng sẽ có khoảng 2.600 đầu đạn hạt nhân D-5. Hồi tháng 5/2021, Hải quân đã chi 500 triệu USD cho tập đoàn Lockheed Martin để sản xuất thêm nhiều tên lửa Trident hơn để chúng có thể được trang bị trên những tàu ngầm lớp Columbia mới. Điểm mấu chốt là mỗi đầu đạn hạt nhân trên đều có sức công phá và độ chính xác để phá hủy một silo ICBM.

Thứ hai, Mỹ vẫn đang tiếp tục phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa tên đạn đạo để đối phó trước các nguy cơ bị tấn công. Ngoài ra, thậm chí với 120 ICBM được bổ sung, kho hạt nhân của Trung Quốc vẫn xếp sau Mỹ và Nga. Nếu tăng số lượng ICBM, máy bay ném bom và tàu ngầm, Trung Quốc hiện có khoảng 300 vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ. Với so sánh này, Mỹ có hơn 2.000 vũ khí có thể tấn công Trung Quốc. Nói cách khác, với 120 hầm chứa và thậm chí tất cả các hầm chứa này đều có tên lửa thì Trung Quốc vẫn chưa thể thay đổi cán cân quân sự với Mỹ.

Đằng sau động thái của Trung Quốc

Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại làm điều này? Câu trả lời chính là Trung Quốc đang muốn duy trì khả năng tấn công Mỹ bằng 300 vũ khí hạt nhân nếu bị Mỹ tấn công trước. Hầu hết các chuyên gia hạt nhân, trong đó có những người có lập trường cứng rắn từ lâu cho rằng Trung Quốc thực hiện chính sách "răn đe tối thiểu" - một chiến lược chỉ sở hữu vừa đủ số vũ khí hạt nhân để ngăn chặn kẻ thù tấn công. Có thể Trung Quốc đang tính toán lại họ cần sở hữu số lượng vũ khí là bao nhiêu để ngăn chặn cuộc tấn công từ Mỹ trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi.

Một câu hỏi nữa là tại sao Trung Quốc quyết định xây thêm hầm chứa tên lửa? DF-41 ban đầu được thiết kế là một tên lửa di động. Lợi thế của tên lửa di động là kẻ thù không biết vị trí của chúng và vì thế khó có thể tấn công. Hạn chế của những tên lửa đặt trong silo là vị trí của chúng cố định nên kẻ thù có thể biết chính xác chúng ở đâu và có thể tấn công dễ dàng, đặc biệt là bằng những tên lửa như Trident II.

Tuy nhiên, các tên lửa di động cũng có những hạn chế. Chúng quá đắt đỏ và không chính xác như tên lửa cố định, do đó ít có cơ hội nhắm trúng mục tiêu hơn.

Theo nhà quan sát Fred Kaplan nhận định trên Washington Examiner, có thể Trung Quốc đã bị ảnh hưởng từ Mỹ. Cách đây nhiều năm, các tên lửa đặt trong hầm chứa như Minuteman III là vũ khí hạt nhân duy nhất của Mỹ có sức công phá, tốc độ và độ chính xác để phá hủy các hầm chứa tên lửa của kẻ thù. Tuy nhiên, khi Trident II đi vào sử dụng vào những năm 1990, các tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng có thể làm tốt điều đó. Trên thực tế, hiện nay, các ICBM phóng từ mặt đất không còn cần thiết để tấn công các mục tiêu trong kế hoạch chiến tranh hạt nhân của Mỹ nữa. Lý do cơ bản duy nhất cho sự tồn tại của chúng là "làm phức tạp" cuộc tấn công đầu tiên của kẻ thù. Các quan chức cấp cao đã gọi đây là "thuyết bọt biển" trong việc nâng cao khả năng răn đe.

Thuyết này có thể được hiểu như sau: Nếu không có các ICBM phóng từ mặt đất, một kẻ thù sẽ chỉ cần nhắm vào 6 mục tiêu trên lục địa của Mỹ để gây ra sự phá hủy cho những cơ sở hạ tầng hạt nhân - 2 cảng tàu ngầm, một vài căn cứ máy bay ném bom và thủ đô Washington. Tuy nhiên, sự phá hủy này nhỏ tới nỗi một tổng thống Mỹ có lẽ sẽ không đáp trả bởi tổng thống biết rằng nếu làm vậy, đối phương sẽ phóng thêm nhiều tên lửa hạt nhân hơn. Trái lại, nếu có khoảng 400 ICBM, kẻ thù sẽ phải tấn công cả những mục tiêu này, có lẽ phải cần tới 2 đầu đạn hạt nhân cho mỗi mục tiêu (bởi đầu đạn đầu tiên có thể không hoạt động). Phóng khoảng 800 đầu đạn hạt nhân vào lục địa của Mỹ rõ ràng sẽ gây ra một cuộc tấn công lớn và tổng thống Mỹ sẽ đáp trả. Do đó, đối phương sẽ không muốn bắt đầu cuộc tấn công trước tiên.

Dù vậy, đây là một lập luận có nhiều điểm cần phải chú ý. Thứ nhất, tấn công hạt nhân 6 mục tiêu này sẽ khiến hàng trăm nghìn công dân Mỹ thiệt mạng, có thể là hàng triệu người nếu Washington là một trong các mục tiêu. Vì thế, sự đáp trả của Tổng thống Mỹ là điều không phải bàn cãi. Thứ hai, tấn công 6 mục tiêu này không phải là một việc đơn giản bởi Mỹ vẫn có nhiều tàu ngầm trên biển và chúng có thể đáp trả bằng hàng nghìn đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, theo nhà quan sát Fred Kaplan, có thể Trung Quốc đang "bắt chước" chiến lược trên của Mỹ nhằm tạo nên nhiều mục tiêu hơn để "làm phức tạp" cuộc tấn công của kẻ thù.

Dù vậy, nhà quan sát Fred Kaplan cho rằng, có một điều không thể phủ nhận là Trung Quốc ngày càng có những hành động hung hăng hơn, đặc biệt là tại Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Tuy nhiên, không có gì cho thấy nước này đang có kế hoạch hay có khả năng tiến hành cuộc tấn công hạt nhân từ xa đầu tiên nhằm vào Mỹ. Ông Fred Kaplan nhận định, Mỹ có đủ vũ khí hạt nhân để ngăn chặn bất kỳ đối thủ nào trước một cuộc phiêu lưu quân sự như vậy và ngay cả khi điều đó xảy ra thì Washington có đủ khả năng để tấn công mọi mục tiêu. Với lập luận đó, nhà quan sát này cho rằng, Mỹ không nên lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ấn Độ lập chiến tuyến đối phó Trung Quốc từ Himalaya đến Ấn Độ Dương
Ấn Độ lập chiến tuyến đối phó Trung Quốc từ Himalaya đến Ấn Độ Dương

VOV.VN - Ấn Độ đã thực hiện hàng loạt động thái quân sự từ khu vực biên giới trên dãy Himalaya đến Ấn Độ Dương, nhằm đối phó Trung Quốc.

Ấn Độ lập chiến tuyến đối phó Trung Quốc từ Himalaya đến Ấn Độ Dương

Ấn Độ lập chiến tuyến đối phó Trung Quốc từ Himalaya đến Ấn Độ Dương

VOV.VN - Ấn Độ đã thực hiện hàng loạt động thái quân sự từ khu vực biên giới trên dãy Himalaya đến Ấn Độ Dương, nhằm đối phó Trung Quốc.

Quan chức NATO "sốc" trước tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc
Quan chức NATO "sốc" trước tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc

VOV.VN - Chủ tịch Ủy ban Điều phối Quân đội NATO Stuart Peach đã lên tiếng về tốc độ hiện đại hóa quân đội “gây sốc” của Trung Quốc cũng như mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Moscow và Bắc Kinh.

Quan chức NATO "sốc" trước tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc

Quan chức NATO "sốc" trước tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc

VOV.VN - Chủ tịch Ủy ban Điều phối Quân đội NATO Stuart Peach đã lên tiếng về tốc độ hiện đại hóa quân đội “gây sốc” của Trung Quốc cũng như mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Moscow và Bắc Kinh.

Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Mỹ Biden có đủ sức răn đe Trung Quốc?
Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Mỹ Biden có đủ sức răn đe Trung Quốc?

VOV.VN - Nhiều nhà phân tích lo ngại, kế hoạch của Mỹ cắt giảm ngân sách đóng mới tàu chiến sẽ tạo đà cho Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới.

Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Mỹ Biden có đủ sức răn đe Trung Quốc?

Chiến lược quốc phòng mới của Tổng thống Mỹ Biden có đủ sức răn đe Trung Quốc?

VOV.VN - Nhiều nhà phân tích lo ngại, kế hoạch của Mỹ cắt giảm ngân sách đóng mới tàu chiến sẽ tạo đà cho Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới.