Những người lính dựng “cột mốc lòng dân” nơi phên dậu
VOV.VN - Không chỉ giúp đồng bào xây dựng kinh tế, bồi đắp văn hóa, những người lính cụ Hồ đã góp phần dựng nên “cột mốc lòng dân” vững như bàn thạch.
20 năm trôi qua, từ một vùng “trắng” dân, những xã giáp biên giới Việt - Trung nơi địa đầu Đông Bắc nay đã trở thành vùng đất kinh tế mới, đời sống đồng bào đi lên ngày một đổi thay. Có được những kỳ tích đó phải kể đến công sức, tâm huyết của những người lính cụ Hồ bám biên từ những ngày đầu, chung tay dựng lên “cột mốc lòng dân” bền vững nơi phên dậu.
Lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn Bắc Sơn luôn tích cực hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. |
Từ TP Móng Cái ngược theo sông Ka Long - biên giới tự nhiên với nước bạn Trung Quốc, khung cảnh phố xá nhộn nhịp lùi dần, nhường chỗ cho núi đồi và rừng keo, thông xanh mướt. Đích đến của chúng tôi là Bắc Sơn, một xã vùng cao của Móng Cái, nằm bám theo đường biên với gần 80% đồng bào người dân tộc thiểu số nhưng lại có những dấu ấn đáng nhớ trong phát triển kinh tế, đưa bà con vươn lên thoát diện đặc biệt khó khăn.
Đứng trên con đường trải bê tông mới cứng, chỉ tay lên những ngôi nhà gạch đang cất nóc, Trưởng thôn Pẹc Nả (xã Bắc Sơn), anh Mả Ngọc Thanh hào hứng kể: Giờ thôn có đường, có điện tới từng nhà. Ít ai biết, 20 năm trước, Bắc Sơn (lúc ấy chưa tách khỏi xã Hải Sơn) là một “vành đai trắng”, lác đác vài nóc nhà tranh vách đất chìm vào rừng núi. Dọc sông chỉ có đường mòn, người dân qua lại biên giới khó kiểm soát.
Tới những năm 1996, những người lính của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327 (Quân khu 3) xây dựng Lâm trường 42 triển khai dự án di, dãn dân ra xây dựng và bảo vệ biên giới, đặt “những viên gạch” đầu tiên ở nơi này.
“Lúc ấy, khu này toàn thung lũng, núi đồi trọc, chưa có đường đi chỉ có đường mòn. Lúc dân mới đến có nhiều cái khó khăn, dân làm nông nghiệp chỉ có khai hoang ruộng đất, cấy lúa”, anh Thanh kể lại.
Bắc Sơn giờ đây kinh tế đổi thay, nhiều mô hình trồng trọt chăn nuôi mới giúp bà con thoát nghèo. |
Bà con từ Tiên Yên, Bình Liêu, Đông Triều, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên,.. đến ngày một đông hơn, quần tụ thành xóm làng. Theo anh Mả Ngọc Thanh, ngày ấy trăm bề khó khăn, nhưng đồng bào luôn yên tâm bởi có Bộ đội giúp đỡ, hỗ trợ. Các chiến sĩ Lâm trường 42 xây dựng cơ sở hạ tầng đường sá, đưa đội ngũ tri thức trẻ tham gia vào các mô hình sản xuất, cấp cây con giống nào mía tím, nào măng bát độ, cùng làm, cùng hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bắc Sơn không những hỗ trợ vốn và sức người vào xây dựng nông thôn mới, mà còn cử cán bộ tới từng thôn bản, vừa vận động quần chúng, vừa tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật.
Anh Mả Ngọc Thanh chia sẻ: “Giờ Pẹc Nả có nhiều thay đổi, nhờ Bộ đội tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn. Bộ đội cũng tuyên truyền pháp luật cho dân. Trước kia nhiều dân mù chữ, Bộ đội mở lớp dạy cho dân biết chữ, dân bản được Bộ đội khám, cấp phát thuốc miễn phí”.
Trung tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Sơn, người có 3 lần công tác tại đây chia sẻ, nhiều năm quay trở lại, anh ngỡ ngàng thấy một Bắc Sơn khác hẳn. Đất hoang thành đồng ruộng, khe suối thành mương máng dẫn nước về. Đường mới như kẻ vẽ dọc biên, điện mắc như giăng, đến từng nhà thấy không còn cảnh đói ăn nữa.
Đồng bào Bắc Sơn bày tỏ sự tin yêu, luôn hỗ trợ Biên phòng trong bảo vệ an ninh - trật tự, giữ gìn đường biên mốc giới. |
Bắc Sơn giờ có 430 hộ với gần 1.800 nhân khẩu, hoàn thành 36/39 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới, bước đầu hình thành các mô hình trang trại, tiến tới kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển du lịch trải nghiệm cộng đồng. Thành quả lớn nhất đó là thay đổi nhận thức của đồng bào về sinh hoạt, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu.
Không chỉ phát triển kinh tế - văn hóa, những người lính cũng không quên nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng, hoàn thiện hệ thống chính trị.
Ông Phùng Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cho biết, xã nhận được sự hỗ trợ của Biên phòng, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327, làm nền tảng cho sự phát triển. Chính quyền và hai lực lượng rất gắn kết, chương trình nào cũng có sự thống nhất, phối hợp với nhau để đảm bảo an ninh trật tự, đứng vững nơi địa đầu Tổ quốc.
Từ quý mến, tin yêu Bộ đội, đồng bào lại trở thành “cánh tay” đắc lực cho Biên phòng bảo vệ biên cương. Đại úy Nguyễn Kiến Hùng, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn khẳng định, nhiều vụ việc xâm phạm biên giới, buôn lậu bị bắt giữ là nhờ người dân kịp thời thông báo. Có dân làm “tai mắt”, nhiệm vụ của các anh bớt nhọc nhằn hơn.
“Để bảo vệ vững chắc biên giới, đơn vị xác định đây là lực lượng rất quan trọng, thường xuyên cung cấp thông tin, góp phần giữ vững an ninh biên giới. Ban chỉ huy Đồn thường xuyên phối hợp với chính quyền tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân, chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và môi trường văn hóa lành mạnh cho bà con”, đại úy Nguyễn Kiến Hùng cho biết thêm.
20 năm trôi qua, công sức, tâm huyết của những người lính đã cho trái ngọt. Dù Bắc Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng từ một vùng biên "trắng" dân, giờ đây nhiều nóc nhà ngói đỏ đã nổi bật giữa rừng keo xanh tốt, trâu bò lọc cọc tiếng mõ về đầy chuồng, trẻ em ê a trong lớp học khang trang.
Không chỉ giúp đồng bào xây dựng kinh tế, bồi đắp văn hóa mà hơn thế nữa, những người lính cụ Hồ đã góp phần dựng nên “cột mốc lòng dân” vững chãi như bàn thạch, để từ đó quân dân một lòng chung sức bảo vệ vùng phên dậu của Tổ quốc./.