Bất ngờ trước dàn vũ khí “khủng” tiêm kích F-16 Ukraine mang theo khi xung trận
VOV.VN - Những hình ảnh mới nhất về tiêm kích F-16 do Không quân Ukraine công bố cho thấy máy bay chiến đấu này mang theo nhiều loại vũ khí và thiết bị dự trữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Điều này cung cấp một góc nhìn khác về hoạt động của F-16 trong cuộc xung đột Nga Ukraine.
F-16 mang theo dàn vũ khí "khủng"
Hình ảnh mới cho thấy các chi tiết cụ thể về tải trọng được sử dụng trong các nhiệm vụ không đối không và không đối đất, trong đó có một số loại vũ khí mà Ukraine lần đầu tích hợp trên chiến đấu cơ này. Tiêm kích F-16 mang theo 2 tên lửa không đối không dẫn đường bằng hồng ngoại AIM-9X Sidewinder và một tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 (AMRAAM).
![bất ngờ trước dàn vũ khí khủng tiêm kích f-16 ukraine mang theo khi xung trận hình ảnh 1 bat ngo truoc dan vu khi khung tiem kich f-16 ukraine mang theo khi xung tran hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/f-16.jpg)
Trước đây, Kiev chưa từng trang bị tên lửa AIM-9X Sidewinder cho F-16, thay vào đó họ chỉ trang bị tên lửa AIM-9L/M. Theo một số nhà quan sát, chiếc F-16 dường như đang trở về sau một phi vụ tuần tra chiến đấu trên không vào ban ngày và chuẩn bị hạ cánh.
So với AIM-9L/M, AIM-9X cung cấp khả năng tấn công không đối không tầm ngắn mạnh hơn và có thể được sử dụng kết hợp với Hệ thống ngắm bắn gắn trên mũ bay (JHMCS) của phi công F-16 để không chiến ngoài tầm nhìn. JHMCS cho phép hướng đường ngắm và cảm biến về phía mục tiêu bằng cách quay mũ, không cần phải thay đổi hướng bay của phi cơ. Mặc dù JHMCS thường được cung cấp cùng với F-16 nhưng ngay cả khi không có hệ thống này, AIM-9X vẫn là vũ khí rất lợi hại, đặc biệt trong việc phòng thủ chống lại máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Một vũ khí khác lần đầu tiên được nhìn thấy trên chiếc F-16 của Ukraine là tên lửa AIM-120C AMRAAM, trên thanh ray đầu cánh trái. Tên lửa này có các cánh ngắn để mang bên trong khoang của tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ.
AIM-120C cung cấp một số lợi thế đáng kể so với các phiên bản AIM-120A/B cũ. Đây là tên lửa không đối không được trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động, cho phép phi công "bắn và quên", tức là không cần tiếp tục theo dõi mục tiêu sau khi phóng. Đây là loại vũ khí mà Ukraine đã mong muốn từ lâu. Phi công Ukraine Andrii Pilshchykov, có biệt danh "Juice" cho biết: "Việc thiếu tên lửa có chế độ bắn và quên là vấn đề lớn nhất đối với chúng tôi".
AIM-120C có hệ thống dẫn đường cải tiến và được tăng cường khả năng ứng phó. Nhưng có lẽ, yếu tố quan trọng nhất đối với Ukraine là tầm bắn của tên lửa. AIM-120C có tầm bắn lên đến hơn 160 km và tốc độ tối đa Mach 4, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách xa, mang lại ưu thế lớn trong các tình huống chiến đấu trên không. Điều này sẽ cung cấp cho Không quân Ukraine một loại vũ khí đối trọng với tên lửa không đối không tầm xa R-37M của Nga.
Chiến thuật điển hình của Nga là phóng tên lửa R-37M nằm ngoài tầm bắn của các tên lửa mà máy bay chiến đấu Ukraine mang theo. Mặc dù AIM-120C chưa có nhiều tính năng vượt trội như R-37M, nhưng việc tăng tầm bắn sát thương của F-16 nhằm đối phó máy bay chiến đấu của Nga là điều cần thiết đối với Ukraine.
Thật khó để nắm bắt thông tin chi tiết về tải trọng của máy bay F-16 nhưng nhiều khả năng nó được trang bị cho nhiệm vụ không đối đất. Đặc biệt, các điểm 3 và 7 dưới cánh được trang bị giá BRU-61, mỗi giá có thể mang 4 quả bom đường kính nhỏ GBU-39/B (SDB).
Không quân Ukraine thường xuyên sử dụng SDB được phóng từ các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 thời Liên Xô vì thế, không bất ngờ khi họ trang bị vũ khí này cho tiêm kích F-16.
SDB là một trong những vũ khí không đối đất quan trọng của F-16. Nó có độ chính xác cao, có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu cố định. Đáng chú ý, kho dự trữ của NATO hiện có số lượng lớn bom SDB.
Nhiệm vụ mới của tiêm kích F-16
Dựa trên hình ảnh do Ukraine công bố, một số nhà quan sát cho rằng, F-16 mang hai thùng nhiên liệu dưới cánh và hệ thống đối phó điện tử AN/ALQ-131 được đặt ở trung tâm của hệ thống treo. Hệ thống này giúp gia tăng khả năng sống sót cho F-16 khi thực hiện các nhiệm vụ không đối đất ở gần chiến trường và khi đối mặt với mối đe dọa từ các hệ thống phòng không của đối phương trên mặt đất.
ALQ-131 có khả năng chống lại các mối đe dọa radar bằng kỹ thuật gây nhiễu điện tử. Hệ thống có thiết kế dạng mô-đun và có khả năng hoạt động trên nhiều băng tần, đồng thời có thể được lập trình lại nhanh chóng để ứng phó với nhiều mối đe dọa.
Máy bay F-16 của Ukraine cũng được trang bị bộ điều khiển PIDS và ECIPS tiên tiến do công ty Terma ở Đan Mạch sản xuất. Cả hai hệ thống có thể cung cấp khả năng cảnh báo radar và thu tín hiệu dẫn đường, giúp phi công nhận biết các mối đe dọa.
Đáng chú ý, trước khi chuyển giao cho Ukraine, các máy bay F-16 đã được tối ưu hóa hệ thống tác chiến điện tử, với sự hỗ trợ của Không quân Mỹ để ứng phó tốt hơn trước các mối đe dọa từ Nga. Trong khuôn khổ sự hợp tác, Ukraine sẽ chuyển dữ liệu họ thu thập được trong chiến đấu trở lại Mỹ để giúp tinh chỉnh và cải thiện hơn nữa các khả năng tác chiến điện tử của cả hai quốc gia, cũng như các đồng minh và đối tác khác.
Hình ảnh do Không quân Ukraine mới công bố cho thấy, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ phòng không, bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Nga, tiêm kích F-16 cũng thực hiện các phi vụ không đối đất, phát huy tối đa khả năng đa nhiệm của chúng.