Hoa hồng nở đêm giao thừa

Truyện ngắn của Khuê Việt Trường.

Sau 6 năm yêu thương nhau, trút lòng cho nhau biết bao nhiêu buồn vui, tôi và Vũ chia tay nhau. Tôi không biết một người con gái khác khi bị phụ tình thì sẽ đau đớn như thế nào? Có người ra quán, cứ uống hết chai rượu này đến chai rượu khác như là một cách dỗ dành trái tim mềm yếu của mình thôi hãy lãng quên đi. Có người cắt đi mái tóc dài óng mượt của mình như trả lại cho hẹn hò năm cũ những buồn vui… Nói chung là có biết bao nhiêu cách để lãng quên.

Và cũng như ngàn xưa đã để lại cho những cuộc tình tan vỡ: Xóa hết dấu vết của người ấy, không đến những nơi khơi dậy kỷ niệm cũ. Ôi, tại sao phải xóa đi những dấu chân đã chồng lên những dấu chân? Tại sao phải xóa đi những đêm ghì nhau trong tối ấm nồng 2 thân thể?

Tôi chẳng tò mò đi dự đám cưới của Vũ để xem thử người mà Vũ chọn lựa thành  vợ đẹp, xấu như thế nào. Tôi cũng chẳng khóc, chẳng uống rượu và chẳng kể cho ai nghe nỗi lòng của mình. Lòng tôi đau lắm, nhất là vào những ngày nghỉ lễ, Chủ nhật bỗng trở nên dài lê thê. Bởi khi tôi và Vũ còn yêu nhau, đó là những ngày tôi mong đợi nhất để gặp anh, để cùng anh đi trên chiếc xe máy bụi bụi đến mọi nơi trong thành phố này.

Tôi quyết định chuyển công việc đến một nơi mới. Đó cũng là cách để lãng quên.  Công việc mới mẻ của tôi là phụ trách, tổ chức sự kiện cho một khách sạn 4 sao với mức lương khá ưu đãi. Ba mẹ tôi không hề ngăn cản tôi bất cứ chuyện gì. Ba chỉ nhắc tôi phải biết giữ gìn bản thân, còn mẹ thì nói nhớ về thăm nhà.

Công việc ngày cuối năm nơi tôi làm việc rất bận rộn, cho nên tôi báo với ba mẹ là đêm giao thừa tôi không về nhà, tôi sẽ ăn tết tại nơi làm việc, vì tôi sẽ là nguời dẫn chương trình ăn tết với những người khách ở lại khách sạn trong lúc chuyển mùa.

Thật ra thì tôi muốn lãng quên đi những ngày tết cũ có đầy ắp kỷ niệm. Những ngày tết hân hoan hạnh phúc đó, vào đêm giao thừa, Vũ rủ tôi cùng ra phố đôi khi chỉ đi lang thang qua hết con phố này đến con phố khác, tò mò ngắm nhìn qua những ô cửa nhỏ, xem cuộc sống của thế gian.

Những lúc như thế, Vũ thường to nhỏ với tôi: “Rồi có đêm giao thừa nào đó mình cũng sẽ giống họ, cùng ở chung một mái nhà em nhỉ?”. Theo thường lệ thì vào mỗi đêm giao thừa, thành phố đều bắn pháo hoa ngoài biển. Khi ấy dường như tất cả mọi người đều ra đó mà ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy tung trời.

Vũ bảo tôi rằng, không ai đi ngủ trong đêm giao thừa, và không ai lại không ngắm pháo hoa, bởi vì người ta phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền của cho cuộc vui chơi ấy, còn mình thì chỉ ngắm nhìn. Biết bao đêm giao thừa tôi và anh cũng đã ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy trong rộn rã tình yêu.

Biết bao đêm giao thừa khi tàn cuộc pháo hoa lại lên chùa, chen cùng dòng người đi lễ tìm may mắn đầu năm, lại quấn quít bên nhau, những rộn ràng trong những ngày xuân đầm ấm, cùng đi thăm bạn bè hay đôi khi chỉ cùng trốn vào trong một góc quán nào đó mà ngắm nhìn thiên hạ du xuân. Tôi đã tìm cách lãng quên Vũ, và tôi không còn muốn gợi nhớ đến hình bóng ấy trong trí nhớ của mình.

Ba thì không sao, ba gọi điện cho tôi: “Dù sao thì ăn tết ở nhà mình mới là tết con à. Nhưng nếu con bận việc thì con cứ ở lại.”. Mẹ thì khác, mẹ gọi điện với giọng hờn trách: “Con cái bây giờ không còn quan tâm đến cha mẹ nửa phải không?”. Tôi dỗ dành mẹ theo cách của mình: “Không phải đâu mẹ, con nhớ nhà lắm, nhất là mẹ đó!”.

Khách sạn vào những ngày cuối năm cứ vắng dần những người khách. Ai cũng vội về để sum họp với gia đình. Ngược lại, khách nước ngoài tìm đến rất đông.

Tôi đã thiết kế một chương trình giao thừa cho những nguời khách nước ngoài đang ở lại khách sạn. Giấy mời tham dự đều gửi tới tận từng phòng. Chú An, Tổng Giám đốc khách sạn rất hài lòng khi nghe tôi trình bày chương trình trong đêm giao thừa: “Chương trình của cháu thật ấn tượng. Chỉ có điều là đêm giao thừa cháu phải có mặt tại khách sạn, hy sinh một chút cháu nhé!”. Tôi cười với chú An, bởi vì chính bản thân tôi đã quyết định dự một đêm giao thừa với những người khách. Tôi muốn cho họ nhìn thấy một phong tục Việt hoàn toàn  ấn tượng.

Chiều 30 Tết, mọi công việc đã hoàn tất. Cây nêu treo lên giữa sân vườn khách sạn. Sân vườn khá đẹp với thảm cỏ xanh, với những hòn đá giả, có cả chiếc xe bò cũ kỹ làm duyên và bụi tre đang vươn xanh. Thực đơn của đêm giao thừa gồm có bánh chưng, dưa món, thịt đông, giò chả, măng kho… nói chung toàn là những món ăn dành cho ngày tết. 

Tôi chọn mua một cây mai vàng 8 cánh đang nở rực rỡ những bông hoa. Trên đó tôi treo những phong bao lì xì, các vị khách sẽ hái lộc bằng những bao lì xì, mỗi bao lì xì có một tờ giấy bạc mệnh giá khác nhau gọi là lấy hên.

Mọi thứ cho đêm giao thừa đã chuẩn bị xong. 10 giờ tối, tôi đứng trên tầng hai của khách sạn nhìn xuống phố. Con phố đã giăng rực rỡ đèn chùm, đèn nhấp nháy sáng rực lên trong đêm linh thiêng. Giờ này mọi người đã đổ ra phố, từng đôi từng cặp phóng xe đi như chỉ để đi mà chẳng biết về đâu.

Bóng bay được giăng đầy, cây hoa mai mua từ ngọai ô đang nở rực hoa. Tôi bước chân vào không gian tết. Theo nhân viên báo cáo thì đêm hôm nay chỉ toàn khách nước ngòai, còn tất cả khách Việt Nam thì đã về từ sáng. Phong tục Việt khiến cho không ai muốn ăn tết ở khách sạn.

Nhưng tôi thật bất ngờ khi lời chúc mừng vừa xong, những phong bao lì xì vừa được khách lấy lộc đầu năm cũng vừa xong thì anh xuất hiện. Anh cầm trên tay ly champagne sóng sánh màu đỏ, đến phía tôi: “Chúc mừng năm mới!” “Chúc mừng năm mới!”.

Khi tôi vừa nâng ly với Nguyên thì cùng lúc ngoài trời pháo hoa tung trời. Tiếng Nguyên rất dịu dàng: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy pháo hoa”. Nguyên là người khách đến muộn trong đêm giao thừa, và là người khách Việt duy nhất trong khách sạn vào giờ phút linh thiêng đó.

Với những người khách nước ngoài, sau buổi tiệc giao thừa, họ đã xuống phố, ai cũng náo nức muốn xem cách ăn tết của người Việt như thế nào. Còn Nguyên thì vẫn ở lại. Anh làm cho tôi lạ, bởi chẳng có một người đàn ông nào lại đến khách sạn thuê phòng vào đêm giao thừa, và họ lại càng không thể ở một mình.

Vậy đó cuộc sống. Tôi vẫn nói như thế khi bắt gặp trên dòng đời những bất trắc. Ai không đã từng hạnh phúc và há chẳng hiếm người đón nhận khổ đau. Và ai lại không nhận được những bất ngờ như thể thượng đế đã trao tặng cho mình bởi thượng đế cảm thấy cần phải làm thế.

Thay vì về phòng mình sau khi xem pháo hoa. Nguyên nhỏ nhẹ nói với tôi: “Cô  Hạnh có vội về nhà không? Hay là tôi mời cô một ly rượu nhé!”. Tôi từ chối lời mời, bởi vì tôi muốn trong khoảng tĩnh lặng của thời khắc ấy, tôi phải chúc tết một người.

Đó là Biển Cả - nick của anh là vậy. Từ ngày xa lìa Vũ, tôi có thói quen chat với người đàn ông ấy. Chat như là trút cả nỗi lòng của mình vào nơi mà người đó không hề biết mình là ai, và mình cũng chẳng quan tâm họ là ai.

Tôi ẩn dưới cái tên nghe thật cứng cáp để trò chuyện cùng Biển Cả: Thủy Tùng. Tôi và anh đã quen nhau cả một năm nay, đó là thế giới ảo của tôi, tôi có thể trút lòng mình với anh không ngại ngần, vì mãi mãi Biển Cả chẳng biết tôi ở đâu, tôi làm gì.

     Chúc mừng năm mới. Anh đón giao thừa như thế nào?- Tôi hỏi Biển  Cả.

- Chúc mừng năm mới! Anh đang ở một thành phố lạ. Anh vẫn thích mỗi năm đến một thành phố để ăn tết.

- Vui nhỉ? Vậy năm nay anh ở thành phố nào?

- Nha Trang. Phải đó là thành phố của em không?

- Nha Trang, vậy anh ở chỗ nào?

Khi hỏi tới đó, lòng tôi đầy sự hồi hộp. Đã qua giao thừa, anh đang ở thành phố của tôi. Nhưng hỏi như thế thôi chứ tôi không định gặp mặt anh. Tôi sợ thất vọng. Mọi người há đã từng nói rằng những tình bạn và ngay cả tình yêu qua mạng ảo chỉ là mây khói. Tốt nhất là đừng bao giờ gặp nhau.

- Anh vừa đến khách sạn cách đây mấy giờ. Anh vừa dự một đêm giao thừa vui vẻ. Em có cần biết khách sạn anh đang ở không? Anh thèm ăn tết với em, em biết không?

- Không. Vì em sẽ không tới.

- Anh biết mà. Anh đang ở lầu 12 của khách sạn. Anh ngồi một mình, đón tết một mình. Khi nãy anh có mời cô phụ trách uống với anh một ly rượu mà cô ấy từ chối.

-  Cô phụ trách xinh không?

-  Xinh, cô ấy có mái tóc dài, nụ cười rất hiền. Cô ấy có một chiếc vòng đeo tay bằng đá thiên thạch.

- Gì nữa?

- Cô ấy tên Hạnh…

Tôi bỗng dưng ngã lưng ra sau ghế. Nhìn vào bàn phím. Những dòng chữ đang hiện lên trước mắt tôi. Anh, người khách lạ đêm giao thừa, người khách lạ vừa mời tôi uống rượu đón tết chính là Biển Cả.

Tôi bấm những dòng chữ vào máy:

- Anh đợi chỗ đó nhé. Em sẽ tới đón tết cùng anh.

Tôi với tay lấy đóa hoa hồng trong lọ. Tôi ra khỏi phòng. Tôi vào thang máy. Tôi bấm nút số 12. Nguyên  đang ngồi  một mình. Không gian loang khắp nơi những bài  nhạc xuân.

Tôi đặt đóa hoa hồng trước mặt anh. Tôi thầm thì: “Chúc mừng năm mới, anh Biển Cả!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên