Dịch tay - chân - miệng: Cần kiểm soát ngay từ cộng đồng

Phần lớn các trẻ bị nhiễm bệnh có nguồn lây từ cộng đồng do nhiều địa phương có dịch đã không làm đúng chỉ đạo vệ sinh hàng ngày...

Theo Bộ Y tế, 7 tháng qua, số bệnh nhân mắc tay - chân - miệng đã tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm năm ngoái; trung bình mỗi tuần có từ 1.800 đến 2.200 ca mắc mới được ghi nhận, gần 60 trường hợp đã tử vong. Việc khống chế dịch đang gặp khó khăn, nhiều trường học buộc phải đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh lây lan.

Mới đây nhất, ngày 29/7, trường Mầm non Sơn Ca, ở phường 8, quận 5, TP HCM phải tạm đóng cửa một lớp học trong vòng 10 ngày do có 3 học sinh mắc bệnh tay - chân - miệng để phòng bệnh lây lan. Trường cũng phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng quận 5 triển khai việc khử khuẩn, sát trùng toàn bộ phòng học, đồng thời giám sát chặt chẽ, để phát hiện kịp thời các ca mắc mới.

Bác sỹ Nguyễn Thị Sự, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 5, TP HCM cho biết: "Nhà trường vẫn tiến hành vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày và tăng cường truyền thông ở trường để phụ huynh nắm được các thông tin và nếu phát hiện bé sốt thì sẽ cho bé ở nhà, đưa đến cơ sở y tế để khám. Nhà trường sẽ giữ liên lạc với phụ huynh để biết tình hình của các cháu. Đến hôm nay chưa có ca mới xuất hiện".

Không chỉ TP HCM mà tại các địa phương khác trong cả nước, bệnh tay - chân - miệng cũng đang diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh mới tiếp tục tăng, thậm chí có trường hợp vừa mới khỏi bệnh lại bị tái phát với các triệu chứng bệnh khác với lần nhiễm bệnh trước như bé 14 tháng tuổi ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Theo các chuyên gia y tế, dịch tay - chân - miệng sẽ tiếp tục gia tăng từ tháng 9 đến tháng 11. Nhiều người lo ngại, vào thời điểm đó học sinh đã đi học trở lại nên nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh khó tránh khỏi. Tuy nhiên, qua khảo sát của ngành Y tế, tỷ lệ học sinh bị nhiễm bệnh tay - chân - miệng ở các trường học chiếm số lượng không nhiều trong tổng số trẻ mắc bệnh. Phần lớn các trẻ bị nhiễm bệnh có nguồn lây từ cộng đồng. Thực tế là ở nhiều địa phương có dịch đã không làm đúng chỉ đạo vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần tại các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi mà chỉ khử khuẩn tại hộ gia đình có trẻ mắc bệnh nên dịch tay - chân - miệng lan rộng hơn. Bên cạnh đó, chính các gia đình có trẻ mắc bệnh cũng chưa chú trọng đến phòng dịch cho cộng đồng, nhiều gia đình vẫn để trẻ đến các nơi công cộng dễ làm phát tán bệnh. Nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không thực hiện đầy đủ công tác báo cáo tình hình trẻ mắc bệnh cho ngành chức năng để kịp thời khoanh vùng chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hôm 1/8, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tay - chân - miệng và sốt xuất huyết. Từ nay đến ngày 1/9, các đoàn kiểm tra sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phòng chống dịch tại các tỉnh, thành phố, ngăn ngừa những ổ dịch mới, tránh để dịch lây lan trên diện rộng. Để việc phòng, chống dịch tay - chân - miệng hiệu quả, không chỉ có sự vào cuộc của ngành chức năng, các trường học mà rất cần sự phối hợp của cả cộng động xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên