Phục hồi chức năng cho người khiếm thị
(VOV)_PHCN đóng vai trò quan trọng trong công tác chống mù lòa, hướng tới mục tiêu toàn cầu “Thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy”.
Ngày 3/1, tại Hà Nội, Bệnh viện Mắt Trung ương và Tổ chức Quốc tế CBM tổ chức hội thảo “Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”.
Bảng kiểm tra thị lực cho trẻ 2 tuổi. |
Hội thảo tập trung thảo luận đánh giá về khó khăn, rào cản chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị hiện nay; tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, xem xét các chính sách, thúc đẩy các hoạt động trợ giúp người khiếm thị phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng.
Tại hội thảo, BS Vũ Khánh Toàn, đơn vị phục hồi chức năng dành cho người khiếm thị (Bệnh viện Mắt Trung ương) đưa ra con số cho thấy: tại Việt Nam, theo ước tính có khoảng 2 triệu người khiếm thị (năm 2007). Vì vậy, phục hồi chức năng (PHCN) cho người khiếm thị đóng vai trò quan trọng trong công tác chống mù lòa, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu “Thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy”.
TS-BS Nguyễn Thị Thu Hiền đang giới thiệu ống nhòm dành cho người khiếm thị |
Trình bày về nguyên nhân và phương pháp phục hồi chức năng cho người khiếm thị, TS-BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho rằng: Theo khái niệm của WHO năm 1992, một người được gọi là khiếm thị khi chức năng thị giác của người đó bị giảm nặng, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị và điều chỉnh tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt tốt chỉ ở mức dưới 6/18 (0,33) cho đến còn phân biệt sáng tối và hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 100 kể từ điểm định thị.
Khiếm thị có thể do rất nhiều bệnh lý hay những bất bình thường của con mắt gây ra. Một số nguyên nhân thường gặp như: bệnh cận thị cao, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mặc sắc tố, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng…Tùy thuộc vào mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.
TS - BS Thu Hiền cũng đưa ra phương pháp phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị gồm có 4 bước: Đánh giá các tổn hại thị giác chủ quan; các tổn hại thị giác khách quan; Chỉ định các dụng cụ trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng nhìn, kỹ năng phục vụ và cải thiện môi trường sống phù hợp với người khiếm thị.
Cũng tại hội thảo, các đại diện của Trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) và Hội người mù Hải Dương đã trình bày tham luận nói về “Vai trò của trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội trong việc phục hồi chức năng cho học sinh khiếm thị” và “Những kết quả đạt được trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khiếm thị”. Trong đó, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của ngành nhãn khoa, đặc biệt là Bệnh viện Mắt Trung ương trong việc xây dựng mạng lưới bác sỹ nhãn khoa cơ sở làm việc về chương trình nhìn kém được tập huấn, có kinh nghiệm và ổn định để trẻ nhìn khsm được tiếp cận với các dịch vụ nhìn kém kịp thời và thường xuyên.
Kết thúc hội thảo, PGS TS Đỗ Như Sơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương nhấn mạnh: ở Việt Nam, công tác phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị bắt đầu được khởi xướng từ năm 1999 tại Bệnh viện Mắt Trung ương do tổ chức CBM (CHLB Đức) tài trợ. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn những người khiếm thị chưa được quan tâm chăm sóc và phục hồi chức năng về mặt thị giác. Vì vậy, trong những năm qua, Bệnh viện Mắt Trung ương thúc đẩy và thành lập được phòng phục hồi chức năng cho người khiếm thị với một số trang thiết bị thiết yếu giúp cho việc khám, đánh giá chức năng thị giác và chỉ định các kính trợ thị cho người khiếm thị đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Ngoài ra, Bệnh viện đã và đang hỗ trợ trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội trong việc khám khiếm thị, mở một số khóa đào tạo cơ bản về khiếm thị cho cán bộ nhãn khoa ở một số tỉnh, thành.
“Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”- là dự án đầu tiên với mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng được thực hiện tại cơ sở nhãn khoa ở Việt Nam dành cho người khiếm thị. Đối tượng trực tiếp mà dự án triển khai gồm: những trẻ khiếm thị sẽ được khám, chỉ định các phương pháp trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ để có thể theo học hòa nhập các trường bình thường", PGS.TS Đỗ Như Sơn nói./.