Thực hiện chẩn đoán trước sinh giúp phát hiện sớm những bệnh lý của bào thai. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc làm này.
|
(Ảnh minh họa) |
Điển hình như trường hợp mới đây của thai phụ Lê Ngọc M., 30 tuổi, ở Tiền Giang, chị M chia sẻ: “Mang thai tuần thứ 22, tôi siêu âm ở quê thì thấy thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh. Nghe người nhà nói sóng siêu âm không tốt cho thai nhi, vì vậy tôi quyết định không đi khám nữa mà chỉ đợi tới ngày sinh. Nhưng đến tuần thứ 30, tôi bắt đầu có những triệu chứng chóng mặt, mờ mắt, nước tiểu màu nâu đỏ như xá xị. Lúc đó, gia đình mới đưa tôi đến khám tại Khoa Phụ sản BV ĐHYD”. Nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, rối loạn đông máu, suy chức năng gan, tổn thương võng mạc, người bệnh được chẩn đoán bị tiền sản giật nặng, siêu âm thì phát hiện thai nhi bị suy dinh dưỡng và chết lưu trong bụng mẹ.
TS BS Trưởng đơn vị chẩn đoán trước sinh BV Đại Học Y dược TP HCM Trần Nhật Thăng nhận định đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì không theo dõi thai kỳ liên tục để có hướng điều trị kịp thời. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ có những thay đổi liên tục và khó dự đoán. Việc khám thai thường xuyên và định kì là biện pháp quan trọng nhằm đánh giá rủi ro, phát hiện sớm các biến chứng thai kỳ thường gặp, cũng như chẩn đoán sớm và đầy đủ những dị tật bẩm sinh của thai nhi, nhằm có một kế hoạch ra đời an toàn và điều trị sơ sinh kịp thời cho những khiếm khuyết bẩm sinh còn cơ hội sửa chữa.
Chính vì vậy, TS BS. Trần Nhật Thăng nhấn mạnh khuyến cáo không nên chờ đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà nên bắt đầu chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kì và duy trì việc thăm khám định kì cho đến ngày sinh nở.
TS BS Trần Nhật Thăng – BV ĐH Y dược TP HCM cũng cho biết hiện nay, các bệnh lý thai kỳ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, tỉ lệ thai phụ mắc nhiều bệnh lý nội-ngoại khoa kết hợp hoặc có liên quan thai kì như thiếu máu di truyền (Thalassemie), cường giáp, tim mạch, viêm gan siêu vi B, tiền sản giật và đái tháo đường thai kì ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai, bên cạnh đó tiền sản giật chiếm 3 – 5%. Tuy nhiên, đa số các trường hợp được phát hiện khá muộn, thường là vào 3 tháng cuối thai kỳ. Không được phát hiện kịp thời, các bệnh lý này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ mà thai nhi còn buộc phải sinh ra trong những hoàn cảnh ngặt nghèo (chủ động sinh non) hoặc thậm chí không có cơ hội sống (chủ động kết thúc thai kỳ nhằm bảo vệ người mẹ).
Để những đứa trẻ sinh ra được bảo đảm tốt cả về thể chất lẫn tinh thần thì các bậc cha mẹ cần phải thực hiện chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh vì đây là việc làm rất cần thiết, giúp cho trẻ sinh ra đời phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.