Australia đối mặt với tình trạng thiêú hụt thuốc kháng sinh trên toàn quốc
VOV.VN - Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu Australia sáng nay (12/1), Australia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng 361 loại dược phẩm chữa bệnh, trong đó có nhiều dòng kháng sinh phổ biến, dẫn tới nguy cơ số ca nhập viện tăng cao vì không được chữa trị tại nhà sớm.
Theo giáo sư John Skerritt, Giám đốc Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu Australia (TGA), hiện Australia đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng thiếu thuốc chữa bệnh nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử.
Nguyên nhân chủ yếu do ngành dược phẩm nước này phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, chủ yếu do đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ liên bang hiện đang xem xét kế hoạch thúc đẩy phát triển ngành dược phẩm trong nước, tập trung vào việc sản các loại thuốc kháng sinh thiết yếu thông qua Quỹ Tái thiết Quốc gia.
Theo báo cáo của TGA, hiện có tới 361 loại thuốc thuộc danh mục hàng khan hiếm, trong đó có 44 loại kháng sinh đang rơi vào tình trạng cực kỳ khan hiếm, đặc biệt là kháng sinh dạng lỏng dành riêng cho trẻ em và người già. Các loại thuốc thiết yếu đang khan hiếm nhất chủ yếu dành cho điều trị các bệnh như: viêm phổi, viêm họng liên cầu khuẩn, động kinh, tiểu đường...
Hiệp hội Y khoa Australia cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu thuốc kháng sinh phổ biến trên toàn quốc có thể dẫn đến vô số ca nhập viện, vốn dĩ hoàn toàn có thể tự chữa bệnh được ngay tại nhà; làm gia tăng áp lực lên hệ thống bệnh viện trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn kết thúc.
Theo Tiến sỹ Michael Wright, Phó Giám đốc Đại học Y Hoàng gia Australia, để giải quyết tình trạng thiếu hụt kháng sinh trước mắt, các bác sỹ đang nỗ lực nghiên cứu, tìm ra các liệu trình thay thế để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường ở trẻ em và người già, vốn là các đối tượng nhạy cảm. Đồng thời, Hiệp hội y tế Australia vẫn khuyến khích các bác sỹ hạn chế kê đơn thuốc kháng sinh nếu không quá cần thiết, nhằm hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, đặc biệt là ở người già và trẻ em./.