Bước ngoặt lịch sử trên con đường gia nhập NATO của Ukraine
VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã bế mạc hôm qua (12/7) sau 2 ngày họp. Dù chưa đưa ra lời mời Ukraine gia nhập khối quân sự này, nhưng việc các nước đồng minh NATO công bố một kế hoạch phòng thủ mạnh mẽ nhất của khối này dành cho Ukraine đã đưa quốc gia Đông Âu này tiến một bước gần hơn với NATO.
Tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO nêu rõ, lãnh đạo 31 nước thành viên NATO đã quyết định không đưa ra lời mời Ukraine gia nhập khối quân sự này, đồng thời khẳng định Ukraine có thể gia nhập khi được các nước thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng. Hội nghị cũng không nêu thời hạn hay điều kiện cụ thể để kết nạp Ukraine.
Tuy nhiên, đổi lại, trong khi chờ đợi thời điểm thuận lợi để Ukraine gia nhập liên minh quân sự, Mỹ và các đồng minh đã công bố các đảm bảo an ninh mới cho quốc gia Đông Âu này. Theo đó, nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada, Italy và Anh đã đưa ra một sáng kiến đa phương nhằm đảm bảo an ninh lâu dài cho Kiev, với mục đích tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine. Sáng kiến này bao gồm việc cung cấp các thiết bị quân sự tiên tiến, trong đó có cả máy bay chiến đấu, phát triển công nghệ quốc phòng, đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng.
Phát biểu kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Tôi hoan nghênh việc các nước đồng minh công bố khoản hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Tôi cũng hoan nghênh việc NATO và Ukraine thành lập hội đồng NATO - Ukraine. Đây là bước đi quan trọng để đưa Ukraine tiến gần hơn với NATO”.
Mỹ và các nước đồng minh NATO cũng ngay lập tức hoan nghênh kết quả tích cực của hội nghị. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng, những lo ngại của Tổng thống Ukraine về việc gia nhập NATO đã được xoa dịu, sau khi các nhà lãnh đạo G7 đưa ra các cam kết an ninh mới.
“Tôi cho rằng, đây là tuyên bố mạnh mẽ, một tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ về cam kết đối với Ukraine nhằm giúp Ukraine tăng cường an ninh, xây dựng lại tương lai. Chúng tôi sẽ sát cánh cùngUkraine đến khi nào có thể”.
Trong khi đó Thủ tướng Anh thì nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây là thời điểm rất quan trọng và là bước tiến lớn tạo đà trên lộ trình gia nhập NATO của Ukraine.
Các nhà lãnh đạo khác của NATO như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Ba Lan Andrei Duda cũng hoan nghênh kết quả của hội nghị.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá kết quả Hội nghị Thượng đỉnh NATO là tốt. Theo ông Zelensky, Hội nghị Thượng đỉnh NATO đã cung cấp cho Ukraine một nền tảng an ninh chưa từng đạt được trước đây và đưa nước này vào con đường trở thành thành viên của liên minh này. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, sẽ là lý tưởng nếu Kiev nhận được lời mời tham gia liên minh quân sự phương Tây này.
"Điều này rất quan trọng. Lần đầu tiên kể từ khi giành được độc lập, chúng ta đã thiết lập nền tảng an ninh cho Ukraine trên con đường gia nhập NATO. Đây là những đảm bảo an ninh cụ thể được đảm bảo bởi 7 nền dân chủ hàng đầu thế giới. Chưa bao giờ chúng tôi có một cơ sở an ninh như vậy và nó ở cấp độ của G7”.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua (12/7) đã ra tuyên bố chỉ trích Hội nghị Thượng đỉnh NATO, cho rằng, liên minh phương Tây này đang quay trở lại các kế hoạch Chiến tranh Lạnh. Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo, nước này sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa bằng cách sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7. Ngoài việc cung cấp khoản hỗ trợ mới cho Ukraine, hội nghị NATO lần này cũng được xem là mang tính lịch sử với sự tham gia của thành viên thứ 31 là Phần Lan và có được sự nhất trí của Thổ Nhĩ Kỳ đối với yêu cầu gia nhập liên minh của Thụy Điển.