Ukraine "được nhiều hơn mất" sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO?

VOV.VN - Sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, dù chưa nhận được lời mời chính thức gia nhập NATO, nhưng Ukraine đã nhận được những cam kết viện trợ quân sự mới cho cuộc phản công đang diễn ra nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.

Tuột mất cơ hội gia nhập NATO

Các lãnh đạo NATO nhất trí sẽ mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự khi các điều kiện nhất định được đáp ứng.

“Chúng tôi đã tái khẳng định rằng, Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO và nhất trí loại bỏ yêu cầu Kiev phải hoàn thành Kế hoạch Hành động thành viên (MAP). Điều này sẽ rút ngắn con đường trở thành thành viên của Ukraine, từ quy trình hai bước xuống chỉ còn một bước. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ gửi ‘lời mời’ tới Ukraine khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay.

Đáp lại, Tổng thống Volodymyr Zelensky bày tỏ sự thất vọng khi Ukraine không được mời gia nhập NATO vào thời điểm này. Ông Zelensky cho rằng “sẽ thật lố bịch nếu Ukraine không được cung cấp khung thời gian cụ thể cho một lời mời gia nhập hoặc tư cách thành viên NATO”.

“Dường như không có sự sẵn sàng nào trong việc mời Ukraine gia nhập NATO cũng như đưa Ukraine trở thành thành viên của liên minh. Điều này có nghĩa là vẫn còn cơ hội để mặc cả tư cách thành viên của Ukraine trong NATO trong các cuộc đàm phán với Nga”, Tổng thống Zelensky nhận định.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rằng sẽ “không có sự nhất trí nào trong liên minh về việc có nên cho phép Ukraine gia nhập NATO hay không, đặc biệt là vào thời điểm này, khi xung đột với Nga vẫn đang tiếp diễn”.

Vào đầu tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna cũng lưu ý rằng dù ông coi việc Ukraine gia nhập NATO là điều “có thể sẽ diễn ra trong tương lai”, nhưng các thành viên liên minh không thể làm như vậy khi có xung đột xảy ra.  

Dù chưa nhận được lời mời trở thành thành viên NATO ngay lập tức, Ukraine đã nhận được những cam kết bổ sung về viện trợ quân sự và tài chính từ các thành viên của liên minh.

“Thêm vũ khí cho các binh sĩ của chúng ta, bảo vệ nhiều mạng sống hơn cho Ukraine! Chúng ta sẽ có những công cụ phòng thủ quan trọng mới cho Ukraine”, Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.

Nhiều viện trợ quân sự mới cho Ukraine

Giống như Anh, Pháp cũng đã đồng ý cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa, có khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố ở phía sau tiền tuyến. Ngày 11/7, Tổng thống Emmanuel Macron nói rằng trước cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine, Pháp sẽ “tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị”, bao gồm cả việc chuyển giao cho Ukraine vũ khí có khả năng tấn công sâu hơn.

Vào tháng 5, Anh đã cam kết gửi tên lửa hành trình Storm Shadow do MBDA Systems sản xuất cho Ukraine. Đây được coi là tên lửa có khả năng tấn công tầm xa nhất mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, với tầm bắn trên 250 km. Loại tên lửa này được mô tả là có khả năng tàng hình nhất định nhờ kích thước tương đối nhỏ và khả năng bám sát địa hình để tránh bị radar phát hiện. Tên lửa mang đầu đạn nặng 450 kg có thể phá công trình kiên cố.

Nga đã lên tiếng chỉ trích trước thông báo cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine của Pháp, giống như phản ứng trước việc Anh gửi tên lửa Storm Shadow cho Ukraine.

“Theo quan điểm của chúng tôi, quyết định này là một sai lầm với những hậu quả đối với phía Ukraine, bởi điều này tất nhiên sẽ buộc chúng tôi phải thực hiện các biện pháp đáp trả”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cũng cảnh báo rằng các cam kết hỗ trợ mới của NATO dành cho Ukraine đang làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng hơn.

“Việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine không thể dẫn tới điều gì khác ngoài ngõ cụt. Chiến tranh thế giới thứ ba đang đến gần”, ông Medvedev nói.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Đức thông báo sẽ gửi thêm 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, 25 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 và 5 phương tiện phục hồi tới Ukraine.

Ngoài các phương tiện quân sự, Ukraine sẽ nhận được hai bệ phóng cho hệ thống phòng không Patriot, nhiều đạn dược hơn cũng như các hệ thống chống mìn và chống máy bay không người lái. Ukraine đã nhận được ít nhất hai hệ thống Patriot từ các đồng minh trong những tháng gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, gói hỗ trợ này cho Ukraine trị giá gần 700 triệu euro, tương đương 771 triệu USD, “phục vụ các ưu tiên của Ukraine như hệ thống phòng không, xe tăng, pháo binh”.

Bên cạnh đó, Anh sẽ gửi thêm hơn 70 phương tiện quân sự tới Ukraine, cùng với hàng nghìn viên đạn phù hợp với xe tăng Challenger 2 mà nước này đã cung cấp cho Kiev trước đó.

Trong một thông cáo báo chí riêng ngày 12/7, chính phủ Anh cho biết một “khuôn khổ quốc tế quan trọng đối với các thỏa thuận an ninh dài hạn của Ukraine” sẽ được các nước G7 thống nhất bên lề hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius.

“Việc hỗ trợ tiến trình của Ukraine trên con đường trở thành thành viên NATO, cùng với các thỏa thuận chính thức, đa phương và song phương cũng như sự ủng hộ đông đảo của các thành viên NATO sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjorn Arild Gram xác nhận trong một tuyên bố hôm 12/7 rằng nước này cũng đã cam kết cung cấp thêm 1.000 máy bay không người lái do thám cỡ nhỏ cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Na Uy cho biết máy bay không người lái Black Hornet “dễ vận hành, khó bị phát hiện và đặc biệt phù hợp để chiến đấu trong khu vực đô thị”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga: NATO đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh
Nga: NATO đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh

VOV.VN - Ngày 12/07, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo, trong đó nhấn mạnh, kết quả của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius) cho thấy, liên minh này đã dứt khoát quay trở lại các kế hoạch của Chiến tranh Lạnh.

Nga: NATO đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh

Nga: NATO đã quay trở lại các kế hoạch thời Chiến tranh Lạnh

VOV.VN - Ngày 12/07, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo, trong đó nhấn mạnh, kết quả của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius) cho thấy, liên minh này đã dứt khoát quay trở lại các kế hoạch của Chiến tranh Lạnh.

Nga cảnh báo một cuộc chiến toàn cầu khi NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine
Nga cảnh báo một cuộc chiến toàn cầu khi NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine

VOV.VN - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng các cam kết hỗ trợ mới của NATO dành cho Ukraine đang làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng hơn.

Nga cảnh báo một cuộc chiến toàn cầu khi NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine

Nga cảnh báo một cuộc chiến toàn cầu khi NATO tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine

VOV.VN - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng các cam kết hỗ trợ mới của NATO dành cho Ukraine đang làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng hơn.

Phản ứng của Nga trước sự mở rộng NATO
Phản ứng của Nga trước sự mở rộng NATO

VOV.VN - Nga sẽ phản ứng trước sự mở rộng NATO giữa bối cảnh Thụy Điển có thể gia nhập liên minh này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay trong thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Litva.

Phản ứng của Nga trước sự mở rộng NATO

Phản ứng của Nga trước sự mở rộng NATO

VOV.VN - Nga sẽ phản ứng trước sự mở rộng NATO giữa bối cảnh Thụy Điển có thể gia nhập liên minh này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho hay trong thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Litva.