Các nghị sĩ Mỹ vẫn bất đồng trước vấn đề tài chính
(VOV)- Nếu Mỹ không thể tìm được tiếng nói chung trước thời hạn chót thì kinh tế nước này sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ còn vài giờ nữa là kết thúc năm 2012, cũng là thời hạn chót cho cuộc giải tỏa thế bế tắc chính sách tài khóa của nước Mỹ, song các nghị sĩ hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thể giải quyết được cơn ác mộng mang tên “vách đá tài chính” khi mà hai bên vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh vấn đề giảm thuế cho người dân Mỹ trong năm mới.
Điều này đã được cả Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Harry Reid, lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện và Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện xác nhận sau cuộc họp giữa hai bên vào chiều 30/12.
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các nhà lập pháp hai đảng ở Quốc hội nhanh chóng đạt được sự đồng thuận nhằm giúp nền kinh tế Mỹ tránh va vào "vách đá tài chính" (Ảnh: AFP) |
Theo Thượng nghị sỹ Harry Reid, đến nay, Đảng Dân chủ vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời đối với đề xuất mà Đảng Cộng hòa đưa ra trong đó có đề xuất giảm sự gia tăng chi phí sinh hoạt đối với những người được nhận trợ cấp xã hội ở Mỹ.
Ông Harry Reid cho biết: “Chúng tôi đã đàm phán trong vòng 36 giờ qua và đã đàm phán đến cuối giờ đêm 30/12. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực song thực sự đến nay chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời cho đề xuất của Đảng Cộng hòa”.
Còn Thượng nghị sỹ Mitch McConnell thì cho biết, ông đang đề nghị sự hỗ trợ của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm phá vỡ thế bế tắc giữa hai bên.
“Tôi đã gọi điện cho Phó Tổng thống Joe Biden để xem liệu ông ấy có thể hỗ trợ giúp thúc đẩy đàm phán giữa hai đảng hay không. Ông Joe Biden và tôi đã từng bàn đến các giải pháp trước đó và tôi tin là chúng tôi có thể bàn lại về các giải pháp đã được thảo luận. Nếu hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, cái giá mà Mỹ sẽ phải trả sẽ rất đắt”- Thượng nghị sỹ Mitch McConnell nói.
Theo quy định, nếu Quốc hội Mỹ không thể tìm được tiếng nói chung trước thời hạn chót thì kịch bản “vách đá tài chính” - khái niệm ám chỉ nguy cơ tăng thuế, cắt giảm mạnh ngân sách liên bang, với tổng giá trị lên tới 600 tỷ USD sẽ tự động có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang đối mặt với khoản nợ công khổng lồ hơn 16.000 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp cao, nếu khủng hoảng “vách đá tài chính” xảy ra thì sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp của nước này./.