Châu Âu bắt đầu chia rẽ vì Brexit gia hạn kéo dài
VOV.VN - Phía Pháp muốn chỉ trao cho Anh một sự gia hạn ngắn nhằm gây sức ép buộc Hạ viện Anh phải phê chuẩn thoả thuận Brexit.
Người phát ngôn chính phủ Pháp, Sibeth Ndiaye hôm nay (11/4) tuyên bố chính phủ Pháp vẫn không loại trừ việc Brexit sẽ diễn ra mà không có thoả thuận, trong khi báo chí châu Âu bắt đầu đề cập đến chia rẽ trong nội bộ EU, đặc biệt giữa Pháp và Đức quanh vấn đề Brexit.
Tổng thống Pháp Macron (trái) và Thủ tướng Anh May. Ảnh: Evening Standard. |
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp CNEWS trong sáng sớm ngày 11/4, chỉ ít giờ sau khi lãnh đạo 27 nước thành viên EU đồng ý gia hạn Brexit đến ngày 31/10/2019, nữ phát ngôn viên chính phủ Pháp là Sibeth Ndiaye cho rằng “Brexit không thoả thuận không phải là việc không thể xảy ra, EU chỉ là đang đưa ra một thời gian tạm ngưng”.
Tuyên bố trên từ người phát ngôn chính phủ Pháp cho thấy một lần nữa thái độ cứng rắn của phía Pháp đối với việc xin gia hạn Brexit của chính phủ Anh. Theo tường thuật của truyền thông Pháp, trong phiên họp xuyên đêm ngày 11/4 tại Brussels, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần phản đối việc gia hạn Brexit quá ngày 30/6/2019 vì cho rằng việc nước Anh ở lại thêm quá lâu trong EU sẽ đe doạ đến sự ổn định và vận hành của tổ chức này.
Phía Pháp cũng muốn chỉ trao cho Anh một sự gia hạn ngắn nhằm gây sức ép buộc Hạ viện Anh phải phê chuẩn thoả thuận Brexit. Ông Macron thậm chí tuyên bố Pháp thực sự coi Brexit không thoả thuận là lựa chọn nghiêm túc. Quan điểm này của Pháp được các nước như Tây Ban Nha, Bỉ và Luxembourg ủng hộ nhưng cuối cùng các nước này cũng phải chấp nhận phương án kéo dài thời gian tạm hoãn Brexit do phía Đức và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk đưa ra.
EU nhất trí gia hạn Brexit đến cuối tháng 10
Ngay trong các bài viết vào đầu giờ sáng ngày 11/4, nhiều tờ báo lớn tại châu Âu như Le Monde của Pháp, Spiegel của Đức hay El Pais của Tây Ban Nha… đã lên tiếng hoài nghi về quyết định của EU gia hạn Brexit đến ngày 31/10/2019, hay còn được gọi là “Halloween Brexit”.
Các bài viết cho rằng tiến trình Brexit căng thẳng đã kéo dài quá lâu và đã bắt đầu đe doạ đến sự đoàn kết và ổn định của châu Âu, điển hình là việc 27 nước châu Âu lần đầu tiên thể hiện sự bất đồng lớn trong cuộc họp Thượng đỉnh EU vào đêm qua tại Brussels. Ngoài ra, việc nước Anh trên lý thuyết sẽ tham dự cuộc bầu cử châu Âu có thể làm đảo lộn các kế hoạch và tác động tiêu cực đến các kế hoạch cải tổ lớn khác của EU.
Lo ngại này từ phía châu Âu là có cơ sở khi ngay trong đêm 11/4, Jacob Rees-Mogg, thủ lĩnh phe Brexit cứng trong đảng Bảo thủ Anh, tuyên bố “nếu việc gia hạn Brexit kéo dài khiến nước Anh bị kẹt lại trong EU, nước Anh cần phải làm mọi thứ khó khăn nhất có thể, phải bỏ phiếu chống lại việc tăng ngân sách hay tham vọng thành lập quân đội châu Âu.
Trong khi đó, nhằm hạ nhiệt các bất đồng đang bắt đầu gia tăng giữa Đức và Pháp quanh vấn đề Brexit, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức, Michael Roth tuyên bố mọi lựa chọn hiện đều được tính đến và kêu gọi nước Anh ngay lập tức đưa ra quyết định./.