Châu Âu “nhức nhối” bài toán tự chủ quốc phòng
VOV.VN - Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa hối thúc châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ nhằm ứng phó tốt hơn với môi trường an ninh nhiều biến động.
Lập trường mới đây của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới, về chi tiêu quốc phòng đã khiến các đồng minh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại về số phận của điều khoản phòng thủ tập thể.
Phát biểu nhân Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra tại miền Nam nước Đức, Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: “Dù kết quả bầu cử ở phía bên này hay bên kia bờ Đại Tây Dương như thế nào, một điều rõ ràng là: châu Âu chúng ta phải quan tâm nhiều hơn tới an ninh của chính mình ở hiện tại và tương lai. Hiện có một sự sẵn sàng rất lớn ở châu Âu về điều này và tôi cũng đã nói với Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm Washington tuần trước”.
Là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP nhằm đáp ứng mục tiêu của NATO. Theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức cũng đang thảo luận với các đồng minh Pháp và Anh về việc phát triển vũ khí chính xác có khả năng tấn công từ xa nhằm đảm bảo chiến lược răn đe.
Trước đó cũng trong tuần này, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết, Liên minh châu Âu phải tăng cường khả năng phòng thủ và sẵn sàng đối mặt với các mối đe doạ mà không cần sự hỗ trợ của đối tác an ninh lâu năm là Mỹ.
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola cho biết: “Liên minh châu Âu vẫn cần phải làm nhiều hơn về chi tiêu quốc phòng và gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, chúng ta đủ mạnh để bảo vệ lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải kiên định với quan điểm rằng, châu Âu cần phải làm nhiều hơn nữa, đề phòng trường hợp chúng tôi phải đi một mình”.
Trên thực tế, không chỉ đến phát biểu của cựu Tổng thống Donald Trump, bài toán “nâng cao năng lực phòng thủ” từ lâu đã trở thành vấn đề gây nhức nhối tại châu Âu.
Tuyên bố hồi năm 2019 của Tổng thống Pháp Emnanuel Macron rằng NATO đang bị “chết não” đã tạo ra một cơn địa chấn tại châu Âu. Tổng thống Pháp Emnanuel Macron từ lâu đã chủ trương châu Âu nên tự định vị mình là một thế lực có quyền quyết định và quyền tự quyết trong khi cố gắng giữ Mỹ ở gần châu Âu nhất có thể.
Cũng trong năm 2019, Pháp và Đức đã ký một hiệp ước hợp tác quân sự với những điều khoản mới, đặt nền tảng cho việc thành lập một quân đội chung trong tương lai.
Hơn 2 năm sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra và hơn 7 thập kỷ kể từ khi NATO được thành lập, châu Âu đang thích ứng với một thực tế mới về quốc phòng và an ninh.
Các nước châu Âu đã cam kết tăng cường khả năng phòng thủ và bắt đầu phân bổ nguồn tài trợ tương ứng. Dựa trên các kế hoạch chi tiêu đã được công bố, Viện nghiên cứu quốc tế McKinsey dự đoán, ngân sách quốc phòng tại châu Âu sẽ tăng tổng cộng từ mức 700 tỷ Euro của năm 2022 lên 800 tỷ Euro vào năm 2028.