Chín điều tồi tệ nhất từng xảy ra vào Giáng sinh

VOV.VN - Giáng sinh là mùa mà gia đình và bạn bè thuộc mọi tín ngưỡng quây quần bên nhau và thưởng thức đồ ăn, thức uống ngon và trò chuyện. Tuy nhiên, một số điều khá khủng khiếp từng xảy ra trong mùa Giáng sinh.

9. Trận lụt Giáng sinh, 1717

Vào khoảng 1 giờ sáng ngày Giáng sinh năm 1717, nước lũ lần đầu tiên quét qua một vùng rộng lớn các trang trại và thành phố trải dài từ Hà Lan đến Đan Mạch. Dòng nước hung hãn đã cuốn hàng nghìn người ra khỏi giường của họ và khiến nhiều người bị chết và mất tích. Giông bão, mưa vẫn tiếp tục cho đến khi mực nước dâng cao tới 3,1 mét. Mãi đến sáng hôm sau, cơn bão mới bắt đầu suy yếu trước khi tập trung sức mạnh cuối cùng ập vào chiều hôm đó.

Đến lúc này, nhiều người trong số những người ban đầu sống sót sau nước lũ đã thiệt mạng vì đói, phơi lạnh. Khi bầu trời hững sáng vào ngày 27/12, có tới 13.700 người đã bị chết, vô số gia súc và nhà cửa bị cuốn trôi. Đây là một trong những thảm họa tồi tệ nhất không chỉ vào dịp Giáng sinh mà trong toàn bộ lịch sử hiện đại châu Âu.

8. Thư viện Quốc hội Mỹ cháy, 1851

Sau khi Quốc hội Mỹ thành lập thư viện vào năm 1800, bộ sưu tập sách đặt tại nhiều địa điểm khác nhau ở Điện Capitol trước khi bố trí cố định ở phòng trung tâm mặt tiền phía Tây của tòa nhà. Tại đó, một ngọn nến bất cẩn đã gần như đốt cháy căn phòng vào năm 1825, nhưng ngọn lửa đã được dập tắt trước khi xảy ra bất kỳ thiệt hại nghiêm trọng nào. Đó là thời điểm thích hợp để chính phủ xem xét việc chống cháy cho khu này, nhưng, như một ví dụ điển hình về sự thiển cận, họ đã cho rằng quá đắt.

Vào đêm Giáng sinh năm 1851, một ống khói bị lỗi đã làm thư viện bốc cháy, và lần này không có cách nào cứu được. 35.000 trong số 55.000 cuốn sách đã cuốn theo khói. Thật không may, trong tro có 2/3 bộ sưu tập 6.487 tập của Thomas Jefferson, được dùng để thay thế những cuốn sách bị thất lạc những lần thư viện bị cháy trước đó, vào tháng 8/1814, trong Chiến tranh năm 1812. Thư viện Quốc hội mở cửa trở lại vào năm 1853 sau khi được sửa chữa và mở rộng, và được xây dựng bằng vật liệu chống cháy.

7. Băng Ku Klux Klan (KKK) được thành lập, 1865

Ku Klux Klan - băng đảng khét tiếng nhất Hoa Kỳ - được thành lập vào đêm Giáng sinh năm 1865. Hội kín nổi lên sau cuộc Nội chiến trong thời kỳ được gọi là Tái thiết. Đó là khi chính phủ liên bang về cơ bản nói với miền Nam rằng họ phải làm gì để được gia nhập Liên minh. Về cơ bản, họ muốn các nhà lãnh đạo ly khai cũ đảm bảo hoàn toàn bình đẳng cho người da đen, điều mà vào thời điểm đó, nhiều người miền Nam không hài lòng. Trong bối cảnh đó, sáu cựu chiến binh của Liên minh miền Nam đã gặp nhau ở Pulaski (Tennessee), để thành lập một tổ chức có thể chống lại những thay đổi này.

Được cầm đầu bởi Nathan Bedford Forrest - một cựu tướng Liên minh miền Nam, nhóm này nhanh chóng trở nên nổi tiếng khi đe dọa, hành hung, hãm hiếp và giam cầm hàng nghìn người da đen và những người ủng hộ họ; bạo lực đến mức Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Ku Klux Klan năm 1871, cho phép Tổng thống có quyền sử dụng lực lượng quân sự để trừ khử. Tòa án tối cao cuối cùng đã phán quyết đạo luật vi hiến vào năm 1882, nhưng sau đó, công cuộc Tái thiết đã kết thúc và ảnh hưởng của KKK đã suy yếu. Kể từ đó, KKK đã trải qua một vài đợt hồi sinh, lần đầu tiên vào những năm 1920 và một lần nữa vào những năm 1960. Ngày nay, nhiều nhóm chia nhỏ sử dụng tên Klan có khoảng từ 5.000 đến 8.000 thành viên.

6. Cháy nhà hát Iroquois, 1903

Thông thường, rất nhiều người đến rạp trong kỳ nghỉ Giáng sinh - lý do tại sao một số bộ phim bom tấn của Hollywood thường được công chiếu vào tháng 12. Điều này cũng đúng với 100 năm trước, khi gần 2.000 người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đi nghỉ Giáng sinh) đã đến Nhà hát Iroquois ở Chicago để xem vở nhạc kịch "Mr. Blue Beard". Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến màn thứ hai, khi một bóng đèn bị trục trặc và bắt đầu bốc cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan ra khung cảnh treo lơ lửng trên trần nhà, và các thành viên trong đoàn hoảng loạn chạy trốn vì sự an toàn khi những mảnh vải rực lửa trút xuống sân khấu.

Hoảng sợ, mọi khán giả trong rạp, chỉ vài phút trước đó đắm chìm trong điệu valse mơ mộng, đã ken kín các lối ra khi sân khấu sụp đổ và đèn tối. Đáng buồn thay, nhiều cánh cửa được che bằng rèm hoặc khóa để ngăn người khác lẻn vào rạp. Những người không thể thoát ra ngoài trở thành nạn nhân của khói và lửa. Khi lực lượng cứu hỏa đến, họ phát hiện 575 người đã chết; khoảng 30 người nữa sẽ chết trong những ngày tới do bị thương nặng.

5. "Giáng sinh đen", 1941

Đối với một đơn vị đồn trú nhỏ gồm các binh sĩ Anh, Canada, Hồng Kông và Ấn Độ được giao nhiệm vụ bảo vệ thuộc địa Hồng Kông của Anh trong Thế chiến II, lễ bắt đầu từ rất lâu trước ngày Giáng sinh. Trên thực tế, đó là vào đầu mùa hè khi mối đe dọa tấn công của Nhật Bản trở nên nghiêm trọng đến mức họ bắt đầu sơ tán phụ nữ và trẻ em khỏi thuộc địa. Cuộc tấn công không diễn ra cho đến ngày 8/12. Sau một tuần giao tranh ác liệt, quân Nhật đã tiến đến ngưỡng cửa của thành phố trung tâm trên đảo Hồng Kông. Phe Trục Phát xít yêu cầu người Anh đầu hàng thuộc địa, nhưng bị từ chối. Quân Nhật tiếp tục, tàn sát binh lính Đồng minh ngay cả khi họ đầu hàng.

Vào ngày 25/12, mọi thứ đang trở nên tồi tệ đối với người Anh; các cuộc không kích của Nhật đã cắt nguồn nước của thành phố và phá hủy nhà máy điện. Thống đốc Anh Mark Young đã đưa ra quyết định khó khăn là đầu hàng vào lúc 3:30 chiều ngày Giáng sinh. Vào thời điểm lá cờ trắng phất lên, khoảng 4.000 binh sĩ của cả hai bên đã bỏ mạng trong trận chiến kéo dài hai tuần rưỡi. Bất chấp sự đầu hàng, bạo lực vẫn tiếp diễn ở Hồng Kông. Lính Nhật tra tấn, ngược đãi và bỏ đói các tù nhân của đối phương, đồng thời tàn phá dân Trung Quốc của thuộc địa bằng cách cướp bóc và phá hủy các làng mạc, giết hại dân thường và hãm hiếp 10.000 phụ nữ. Không có gì lạ khi sự đầu hàng của người Anh được gọi là "Giáng sinh đen".

4. Cuộc bao vây đẫm máu, 1944

76 năm trước, trận chiến lớn và tàn khốc nhất của quân đội Mỹ trong Thế chiến II đã diễn ra vào cuối tháng 12/1944, còn gọi là trận Bulge, đã trở thành tiêu đề cho các bài báo trên khắp nước Mỹ. Chín ngày trước đó, lính Mỹ với quân số đông hơn đã bị tấn công bởi 400.000 lính, 1.400 xe tăng và pháo của Đức quốc xã. Chiến dịch phản công của Đức có tên “Sương mùa thu”, được phát động từ ngày 16/12/1944, hòng đánh xuyên qua lực lượng Đồng minh đến cảng Antwerp (Bỉ). Cuộc tấn công tràn qua khu vực phòng thủ yếu của quân đội Mỹ trên địa hình gồ ghề dọc theo rừng Ardennes.

Người Đức sử dụng xe tăng với súng phun lửa, trong khi máy bay Mỹ ném bom napalm xuống mặt đất. Cuộc tấn công khiến hàng nghìn lính Mỹ thiệt mạng và bị thương. Sư đoàn 106 đã bị đánh bại, 8.000 quân đã đầu hàng; Sư đoàn 99 cũng bị đánh tan. Cuộc tấn công đã xé toang một mảng lớn trên tuyến phòng thủ của phe Đồng minh. Khoảng 19.000 lính Mỹ đã thiệt mạng, 47.500 người bị thương, 23.000 người bị bắt hoặc mất tích trong trận chiến. Đêm 23/12 năm đó, nhiệt độ xuống thấp khiến các tháp pháo xe bọc thép bị đóng băng, lốp của các khẩu pháo bị chôn dưới lớp tuyết dày.

Tình hình tại bệnh viện dã chiến rất tồi tệ - huyết tương bị đông cứng và các túi đựng phải kẹp dưới nách để làm tan băng. 100 người bị thương trong bệnh viện và có thêm 600 người nữa đang nằm trên sàn trong một phòng gần đó. Vào đêm Giáng sinh, người Đức đã tấn công, bệnh viện dã chiến đã bị phá hủy. Trận chiến Bulge kéo dài trong một tháng đẫm máu và cuộc chiến ở châu Âu tiếp tục cho đến tháng 5/1945.

3. Tàu vũ trụ Beagle 2 bị mất, 2003

Năm 2003, các nhà khoa học tại Cơ quan Vũ trụ Châu Âu phóng lên quỹ đạo tàu Mars Express mang theo một gói nhỏ được gọi là tàu vũ trụ Beagle 2. Nếu mọi thứ suôn sẻ, Beagle 2 sẽ hạ cánh trên sao Hỏa và mở cửa, vào ngày Giáng sinh. Nhưng phép màu Giáng sinh này của du hành vũ trụ hiện đại đã không xảy ra. Mars Express đến quỹ đạo của hành tinh đỏ vào tháng 12/2003, và đúng kế hoạch, ngày 19 - phóng Beagle 2 vào bầu khí quyển của sao Hỏa với tốc độ 20.000km/h. Một chiếc dù và ba túi khí đã được lắp đặt để khi bung ra, Beagle 2 có thể nhẹ nhàng nghỉ hạ xuống bề mặt.

Tại đó, bốn pa-nel năng lượng mặt trời sẽ mở và để lộ ăng-ten vô tuyến mà tàu vũ trụ sẽ dùng để liên lạc với Trái Đất. Không liên lạc vô tuyến được với Beagle 2 sau khi hạ cánh theo lịch trình, các nhà khoa học lo họ sẽ không nhận được món quà Giáng sinh mà họ hằng mong đợi. Sau năm năm thiết kế và phát triển, sáu tháng di chuyển và tiêu tốn từ 65-80 triệu USD, các nhà khoa học tuyên bố nó bị mất vào ngày 6/2/2004. Tồi tệ hơn, họ không biết điều gì thực sự đã xảy ra với nó trong 12 năm nữa, khi tàu quỹ đạo do thám sao Hỏa của NASA chụp được một bức ảnh về chiếc tàu đang di chuyển, cho thấy nó thực sự đã hạ cánh, nhưng các tấm pin mặt trời bị trục trặc.

2. Sóng thần Ấn Độ Dương, 2004

Ngày 26/12/2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter đã làm rung chuyển đáy Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển Indonesia, giải phóng năng lượng tương đương với 23.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Trận động đất mạnh đã làm di chuyển một lượng nước khổng lồ, tạo ra những làn sóng hủy diệt lớn tràn về các bờ biển xung quanh. Khi sóng cao không quá 30cm quét lén lút trên đại dương rộng mở, người dân ở các nước xung quanh đã đi biển theo thói quen hàng ngày của họ.

Nhưng ngay sau đó, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Một số người nhận thấy đại dương đang rút đi nhanh chóng trong khi những người khác nghe thấy tiếng gầm như động cơ phản lực. Khi những con sóng đẩy vào bờ ngày càng cao, tới 30m, trước khi ập vào nhà, ô tô và người dân ở những vùng trũng. Hầu hết nạn nhân hoàn toàn mất cảnh giác vì khu vực Ấn Độ Dương không có hệ thống cảnh báo sóng thần. Khi nước rút đi, để lại 230.000 nạn nhân ở 15 quốc gia và thiệt hại tài sản 14 tỷ USD. Đây là trận sóng thần chết chóc nhất trong lịch sử loài người.

1. Bom giấu dưới đồ lót, 2009

May mắn cho những hành khách trên chuyến bay ngày Giáng sinh 2009 từ Amsterdam đến Detroit (Michigan), khi vụ khủng bố không thành công. Tên của kẻ tấn công là Umar Farouk Abdulmutallab - 23 tuổi người Nigeria - đã cố gắng kích nổ một quả bom giấu trong quần lót của mình khi máy bay tiếp cận Detroit. Các hành khách cho biết đã nghe thấy một tiếng động như tiếng pháo nổ, hóa ra là âm thanh của quả bom khi nó không phát nổ. Tuy nhiên, kẻ khủng bố đã chìm trong quả cầu lửa và ngọn lửa nhanh chóng lan ra thảm và tường của máy bay. May mắn thay, hành khách đã khống chế y và dập tắt ngọn lửa, máy bay đã hạ cánh mà không xảy ra sự cố lớn.

Các cuộc điều tra sau đó xác định rằng Abdulmutallab đã bị giáo sĩ Hồi giáo Anwar al-Awlaki có trụ sở tại Yemen cực đoan hóa và tìm cách thực hiện vụ tấn công để trả thù việc Mỹ đã giết những người Hồi giáo vô tội. Y vẫn không thành khẩn khi phải đối mặt với 8 cáo buộc, bao gồm việc cố gắng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt và âm mưu thực hiện hành động khủng bố, phải nhận án chung thân. Nhưng trên hết, 289 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay đó đã có thể trở về với gia đình trong những ngày nghỉ lễ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Covid-19 phá hỏng kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh của người dân Sydney
Covid-19 phá hỏng kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh của người dân Sydney

VOV.VN - Một ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện đang phá hỏng kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh năm nay của người dân Sydney khi các bang của Australia đã ban hành quy định cách ly bắt buộc đối với du khách đến từ khu vực đang có dịch.

Covid-19 phá hỏng kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh của người dân Sydney

Covid-19 phá hỏng kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh của người dân Sydney

VOV.VN - Một ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện đang phá hỏng kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh năm nay của người dân Sydney khi các bang của Australia đã ban hành quy định cách ly bắt buộc đối với du khách đến từ khu vực đang có dịch.

Không khí Giáng sinh tại nhiều nước trên thế giới giữa đại dịch Covid-19
Không khí Giáng sinh tại nhiều nước trên thế giới giữa đại dịch Covid-19

VOV.VN - Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn chuẩn bị chào đón Lễ Giáng sinh theo nhiều cách riêng.

Không khí Giáng sinh tại nhiều nước trên thế giới giữa đại dịch Covid-19

Không khí Giáng sinh tại nhiều nước trên thế giới giữa đại dịch Covid-19

VOV.VN - Dù đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn chuẩn bị chào đón Lễ Giáng sinh theo nhiều cách riêng.

Thế giới đón Giáng sinh theo cách riêng trong mùa Covid-19
Thế giới đón Giáng sinh theo cách riêng trong mùa Covid-19

VOV.VN - Dịch Covid-19 đang làm thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới và cũng thay đổi cách đón bữa tiệc Giáng sinh hay Năm mới.

Thế giới đón Giáng sinh theo cách riêng trong mùa Covid-19

Thế giới đón Giáng sinh theo cách riêng trong mùa Covid-19

VOV.VN - Dịch Covid-19 đang làm thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới và cũng thay đổi cách đón bữa tiệc Giáng sinh hay Năm mới.

Đi chợ Giáng sinh trên ô tô: Tận hưởng không khí giữa đại dịch
Đi chợ Giáng sinh trên ô tô: Tận hưởng không khí giữa đại dịch

VOV.VN - Một chủ nhà hàng tại Unterbrunn gần Munich đã quyết định mở một khu chợ Giáng sinh đặc biệt trong lúc nước Đức đang phong tỏa một phần do đại dịch Covid-19.

Đi chợ Giáng sinh trên ô tô: Tận hưởng không khí giữa đại dịch

Đi chợ Giáng sinh trên ô tô: Tận hưởng không khí giữa đại dịch

VOV.VN - Một chủ nhà hàng tại Unterbrunn gần Munich đã quyết định mở một khu chợ Giáng sinh đặc biệt trong lúc nước Đức đang phong tỏa một phần do đại dịch Covid-19.

Áo tăng cường an ninh chống khủng bố trước thềm Giáng sinh
Áo tăng cường an ninh chống khủng bố trước thềm Giáng sinh

VOV.VN - Sau vụ khủng bố ngày 2/11 làm 4 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương, Bộ trường Nội vụ Áo ngày 26/11 cho biết nước này sẽ tăng cường an ninh tại các nhà thờ khi dịp Giáng sinh đang tới gần.

Áo tăng cường an ninh chống khủng bố trước thềm Giáng sinh

Áo tăng cường an ninh chống khủng bố trước thềm Giáng sinh

VOV.VN - Sau vụ khủng bố ngày 2/11 làm 4 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương, Bộ trường Nội vụ Áo ngày 26/11 cho biết nước này sẽ tăng cường an ninh tại các nhà thờ khi dịp Giáng sinh đang tới gần.