Chuyến thăm chiến lược của Tổng thổng Mỹ tới châu Phi
(VOV) - Chuyến thăm thể hiện mối quan tâm của của Mỹ trong các lĩnh vực đối ngoại, kinh tế và an ninh đối với châu Phi.
Người dân Senegal sẵn sàng tiếp đón Tổng thống Obama (Ảnh: Reuters) |
Ngay trước chuyến đi, ông Obama đã bổ nhiệm bà Linda Thomas Greenfield vào vị trí Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Phi và cựu Thượng Nghị sỹ Russ Feingold vào vị trí đặc phái viên phụ trách khu vực xung đột tại châu Phi, bao gồm Uganda, Rwanda, Burundi và miền Đông của Cộng hoà Dân chủ Congo.
Với các thành viên tháp tùng gồm Tân Đại diện thương mại Mike Foreman, lãnh đạo các công ty và ngân hàng lớn như Eximbank và Tập đoàn đầu tư tư nhân hải ngoại, mục tiêu bao trùm của chuyến thăm là thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Mỹ và châu Phi. Ngoài ra, chương trình nghị sự của Tổng thống Obama cũng bao gồm các vấn đề như xây dựng thể chế dân chủ, phát triển nguồn nhân lực trẻ, đảm bảo an ninh lương thực và dịch vụ y tế nhằm đối phó với các thách thức an ninh.
Nếu so với 2 Tổng thống tiền nhiệm Bill Clinton và George W Bush thì có vẻ như Tổng thống Obama đã không dành nhiều thời gian và sự quan tâm đầy đủ tới châu Phi. Ngay cả Nhà Trắng cũng thừa nhận điều này khi nói rằng ông Obama đã quá chú tâm tới châu Á và Trung Đông mà sao nhãng một đối tác đầy triển vọng. Năm 2003, Tổng thống Bush cam kết chi 15 tỷ USD cho chương trình phòng chống HIV tại châu Phi trong 5 năm, trong khi Tổng thống Bill Clinton ký dự luật miễn giảm thuế đối với 6000 mặt hàng nhập khẩu từ 35 nước châu Phi, giúp kim ngạch nhập khẩu dệt may từ khu vực này vào Mỹ tăng tới 50%.
Nhưng nói một cách khách quan thì ông Obama cũng khó có thể làm gì hơn trong nhiệm kỳ thứ nhất khi vừa phải giải quyết hậu quả của những cuộc chiến tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD tại Iraq và Afghanistan, vừa phải đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong lúc Mỹ còn lấn bấn với những rắc rối cả về đối nội lẫn đối ngoại thì một số nước khác đã nhanh chân hơn trong việc gây ảnh hưởng tại châu Phi. Trung Quốc, Brazil hay Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu tư một lượng tiền khổng lồ vào lục địa đen. Đặc biệt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm châu Phi ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng 16 lần chỉ trong vòng một thập kỷ, từ 10 tỷ USD năm 2000 lên 166 tỷ USD vào năm 2011, chủ yếu thông qua hình thức đổi hàng hoá lấy tài nguyên khoáng sản. Trong khi đó, Brazil cũng tuyên bố xoá khoản nợ 900 triệu USD cho châu Phi. Trước những động thái trên, Mỹ không thể nào chậm trễ hơn nữa nếu không muốn thị trường tại khu vực có mức tăng trưởng kinh tế ước tính lên tới 5,4% trong năm nay, cao gấp đôi Mỹ Latin, rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh khác.
Chương trình sự của Tổng thống Obama lần này cho thấy Mỹ đang thực hiện một cách tiếp cận bài bản hơn, có tầm ảnh hưởng lâu dài hơn so với mô hình được coi là "ăn xổi" của Trung Quốc và một số nước khác thông qua các biện pháp thúc đẩy dân chủ, phát triển kinh tế toàn diện, xây dựng năng lực và đầu tư vào nguồn nhân lực trẻ. Xét trên khía cạnh 1/3 dân số châu Phi đang ở độ tuổi từ 10 đến 24 thì có thể thấy rằng Mỹ sẽ tập trung nguồn lực để đào tạo một thế hệ lãnh đạo mới có khuynh hướng thân Mỹ để có thể gây ảnh hưởng toàn diện tại châu Phi, từ chính trị cho tới kinh tế-xã hội. Ở điểm này thì Tổng thống Obama có lợi thế rất lớn vì ông là người gốc Phi, am hiểu châu Phi hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào khác và được thanh niên lục địa đen coi là tấm gương để phấn đấu.
Một số chuyên gia nghiên cứu cho rằng, để đạt được những mục tiêu đặt ra trong chuyến đi lần này, Tổng thống Obama cần tập trung nêu bật sự khác biệt trong chính sách của Mỹ so với các nước khác. Ông cần thuyết phục châu Phi rằng cách tiếp cận của Mỹ sẽ giúp châu lục này phát triển và thịnh vượng lâu dài, mang lại lợi ích cho từng người dân chứ không chỉ một số đối tượng nào đó. Mỹ sẽ giúp "cần câu" chứ không phải "con cá", và châu Phi không thể dựa mãi vào viện trợ nước ngoài mà cần trở thành đối tác bình đẳng với các nước. Ông Obama cũng phải làm rõ rằng chìa khoá tăng trưởng kinh tế trong khu vực tiểu vùng Sahara nằm ở khả năng thúc đẩy tự do kinh tế thông qua quản trị có hiệu quả và cải cách chính sách nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các doanh nghiệp bản địa.
Ngoài ra, Mỹ cũng cần tăng dòng vốn đầu tư vào châu Phi để có thể bắt kịp các đối thủ về tiềm lực tài chính. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào châu Phi trong năm 2011 chỉ vào khoảng 3,1 tỷ USD, chiếm chưa tới 10% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại đây cùng năm. Dù coi trọng tiềm năng của tiểu vùng Sahara châu Phi nhưng Mỹ lại có ít thoả thuận thương mại với khu vực này hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Hiện nay, Mỹ mới chỉ có 7 hiệp định tự do thương mại song phương và tránh đánh thuế 2 lần với tiểu vùng Sahara, quá khiêm tốn so với 37 của Pháp, 32 của Anh và 11 của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho dù thế nào thì điều mà người dân châu Phi chờ đợi nhất từ chuyến thăm của Tổng thống Obama là hành động thực tiễn để tạo ra sự khác biệt chứ không phải những lời hứa suông, như giáo sư Charles Dokubo thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Nigeria nói: "Nếu chỉ nói mà không làm thì Barack Obama cũng chỉ như bất kỳ Tổng thống nào khác mà thôi"./.