Vai trò Pháp, Israel trong chiến lược châu Phi của Mỹ
(VOV) - Với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của các nước mới nổi, Mỹ, Pháp và Israel đều đang cố gắng tìm ra các biện pháp hợp tác với nhau.
Trong bối cảnh các nước mới nổi đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng của mình tại châu Phi, Mỹ và phương Tây buộc phải gạt bỏ những mâu thuẫn để hợp tác với nhau nhằm bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực. Thông qua Israel, Pháp, Mỹ đã gia tăng các hoạt động tại lục địa đen này nhằm kiềm chế đối thủ cạnh tranh.
Sử dụng kịch bản Trung Đông?
Kịch bản được Mỹ sử dụng tại Afghanistan hiện đang lặp lại ở châu Phi (với sự giúp đỡ của Anh, Pakistan và Saudi Arabia, Mỹ đã tạo ra Taliban và sau đó lại phát động cuộc chiến chống lại chính đồng minh Taliban của mình). Tương tự như vậy trên lục địa châu Phi, Mỹ và các đồng minh cũng đang tạo ra những kẻ thù tương lai, nhưng ban đầu Mỹ đều hợp tác với họ thông qua việc tài trợ cho các cuộc nổi dậy và đảo chính tại nhiều nước nhằm gieo mầm hỗn loạn tại châu lục này.
Binh sĩ Mỹ trao đổi với lính Ghana (Ảnh: Armymil) |
Nhân quyền và dân chủ đang được Mỹ sử dụng để che đậy “chủ nghĩa thuộc địa và chiến tranh kiểu mới” của Mỹ và Phương Tây ở châu Phi. Các tổ chức nhân quyền và nhân đạo hiện đều là các công cụ trong kế hoạch thôn tính châu Phi. Châu Phi hiện đang là một mặt trận trong chiến lược “hệ thống đế quốc toàn cầu” của Mỹ.
Chống khủng bố và thực hiện các sứ mệnh nhân đạo chỉ là màn hỏa mù của Mỹ và các đồng minh. Mặc dù các mục tiêu được công bố của Mỹ là chống khủng bố tại châu Phi, nhưng mục đích thực sự lại là tái cấu trúc lại châu Phi và thiết lập một trật tự thuộc địa mới. Mỹ đang thực thi các dự án “thuộc địa cũ” của Pháp tại châu Phi, bao gồm sáng kiến của Mỹ, Anh, Italy và Pháp để chia cắt Lybia sau năm 1943, cũng như sáng kiến đơn phương của Pháp nhằm vẽ lại bản đồ Bắc Phi. Trong kế hoạch này, Mỹ và các đồng minh cũng đã châm ngòi cho các cuộc chiến tranh sắc tộc và phe phái giữa những người Becbe, người Arab và những bộ tộc khác tại Bắc Phi.
Bản đồ được Mỹ sử dụng để chống khủng bố theo “Sáng kiến toàn Sahel”* nói lên rất nhiều điều. Theo thiết kế của Washington, tầm hoạt động và lĩnh vực hoạt động của những kẻ khủng bố nằm trong biên giới của Algeria, Lybia, Nigeria, Chad, Mali và Mauritania rất giống với đường biên giới của thuộc địa mà Pháp đã tìm cách duy trì tại châu Phi năm 1957.
Vai trò của Pháp
Pháp từng là cường quốc thực dân có nhiều thuộc địa tại châu Phi, cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt với Mỹ tại đây. Tuy nhiên, trước sự gia tăng ảnh hưởng của các nước mới nổi tại châu Phi, cả Pháp và Mỹ đều phải cố gắng tìm ra các biện pháp hợp tác với nhau. Mỹ và EU coi các nước mới nổi là một mối đe dọa, điều này dẫn đến việc cả hai bên quyết định tạm gác “mâu thuẫn lợi ích” để hợp tác với nhau, đạt được sự đồng thuận và hướng đến một số hình thức liên kết chính trị.
Sự đồng thuận này cũng có thể là sản phẩm của ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ tại các nước thành viên EU, nhất là sau khi ông Nicolas Sarkozy trở thành Tổng thống Pháp năm 2007. Ông Sarkozy đã thúc đẩy sự tái hợp nhất Pháp vào cấu trúc chỉ huy quân sự NATO năm 2009. Năm 2010, Pháp cũng ký một hiệp định hợp tác giữa quân đội Pháp và Anh. Hậu quả là đang dẫn đến sự phụ thuộc của quân đội Pháp vào Mỹ.
Tại châu Phi, Pháp có một vị trí đặc biệt trong “hệ thống đế quốc toàn cầu” của Mỹ. Pháp hiện đang đóng vai trò “Sen đầm khu vực” tại châu Phi và tất cả các nước trước đây đã từng là thuộc địa của mình. Liên minh Địa Trung Hải do Pháp thành lập là một ví dụ về những lợi ích này của Pháp tại Bắc Phi. Quỹ quốc gia vì dân chủ (NED) của Mỹ cũng đang hoạt động thông qua Liên đoàn nhân quyền quốc tế (FIDH) của Pháp tại châu Phi.
Sau khi ông Sarkozy lên cầm quyền, FIDH đã bắt đầu phát triển quan hệ đối tác thực sự với NED. Cả hai tổ chức này cũng là đối tác trong “Phong trào thế giới vì dân chủ”. Tháng 12/2009, Chủ tịch NED, Carl Gershman, đã tới Pháp gặp gỡ các quan chức FIDH nhằm mở rộng sự cộng tác giữa hai tổ chức và thảo luận về châu Phi. NED cũng là một trong những tổ chức đầu tiên, cùng với Liên đoàn nhân quyền Lybia (LLHR) đã yêu cầu sự can thiệp quốc tế chống lại Lybia.
Năm 2002, Mỹ đã bắt đầu các hoạt động lớn nhằm kiểm soát châu Phi về quân sự khi đưa ra “Sáng kiến toàn Sahel”. Theo đó, quân đội Mỹ sẽ huấn luyện quân sự cho Mali, Chad, Mauritania và Nigeria. Mỹ đã xây dựng kế hoạch hành động quân sự tại châu Phi, trong đó có ít nhất 3 quốc gia là Lybia, Somali và Sudan bị xác định là đối tượng tác chiến của quân đội Mỹ.
Pháp đã từng có kế hoạch sáp nhập thực thể châu Phi này thành một tỉnh của Pháp, có quan hệ trực tiếp với Pháp. Mỹ cũng quan tâm đến khu vực giàu năng lượng và tài nguyên này khi họ vẽ các khu vực tại châu Phi cần diệt trừ các băng nhóm khủng bố. Viện nghiên cứu các quan hệ đối ngoại Pháp (IFRI) đã thảo luận công khai mối quan hệ giữa khủng bố và những khu vực giàu năng lượng này trong một báo cáo hồi tháng 3/2011.
Vai trò Israel
Israel đang có một vai trò rất tích cực tại châu Phi, là quốc gia chủ chốt ủng hộ Nam Phi dưới chế độ phân biệt chủng tộc; hỗ trợ việc buôn lậu vũ khí vào Sudan và Đông Phi để Balkan hóa Sudan; góp phần gây bất ổn tại Đông Phi, đặc biệt tại Kenya và Uganda.
Hiện tại, Israel đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình ý đồ chiến lược của Mỹ tại châu Phi, như thông qua các mối quan hệ kinh tế và hoạt động tình báo, Israel cố gắng đạt được những hiệp định mà Mỹ cần cho việc mở rộng lợi ích của Mỹ tại châu Phi. Một trong những mục tiêu chính của Mỹ tại châu Phi hiện nay là phá vỡ việc mở rộng ảnh hưởng của các cường quốc mới nổi tại châu lục này.
Năm 2007, xuất phát từ những lợi ích của mình tại châu Phi, Israel đã khuyến khích việc Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM). Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính trị hiện đại (IASPS) là một trong những tổ chức của Israel đã hỗ trợ việc thành lập AFRICOM. Trên cơ sở “Sáng kiến toàn Sahel”, “Sáng kiến chống khủng bố Toàn Sahara” đã được Lầu Năm Góc phát động từ năm 2005 dưới sự lãnh đạo của Bộ chủ huy Trung tâm (CENTCOM). Mali, Chad, Mauritania và Nigeria, Algeria, Maroc, Senegal và Tuynisia hiện đang hợp tác quân sự với Mỹ.
Việc xúi giục khủng bố tại châu Phi là một phần của chiến lược có mục đích, được Mỹ và các đồng minh, trong đó có NATO, đang sử dụng. Chiến lược này bao gồm việc “mở cánh cửa vào châu Phi” bằng việc mở rộng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Cuộc chiến này bào chữa cho mục tiêu mở rộng sự có mặt quân sự của Mỹ tại châu Phi. Đây cũng được sử dụng làm lý do để thành lập AFRICOM, nhằm “quản lý” châu Phi. AFRICOM bao gồm việc thành lập một “phiên bản của NATO” ở châu Phi để thực hiện việc chiếm đóng châu Phi. Liên quan đến vấn đề này, Mỹ và các đồng minh đã dành ngân sách để chống lại các tổ chức khủng bố mà họ đã lập ra và hỗ trợ khắp châu Phi, từ Somali, Sudan, Lybia , Mali tới Mauritania, Nigeria, Algeria và Nigeria.
Những kẻ khủng bố không chỉ chiến đấu cho Mỹ trên thực địa, mà còn liên lạc với Mỹ và hành động thông qua các tổ chức nhân quyền với nhiệm vụ “thúc đẩy dân chủ”. Chính những cá nhân và tổ chức này đang được sử dụng để gây bất ổn tại các quốc gia châu Phi. Chúng cũng được Mỹ hỗ trợ về mặt quốc tế để tích cực hành động hướng tới việc thay đổi chế độ và can thiệp quân sự trên danh nghĩa nhân quyền và dân chủ.
Mỹ, cùng với sự trợ giúp của NATO, nhất là Pháp và Israel đang có kế hoạch chinh phục châu Phi vì những lợi ích chiến lược của mình, trong đó có mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của các nước mới nổi. Kế hoạch này đã, đang và sẽ được tiến hành, do đó các nhà dự báo cho rằng, tình hình châu Phi sẽ tiếp tục có những bất ổn trong thời gian tới./.