Cử tri Venezuela bầu Tổng thống giữa lúc khủng hoảng kinh tế tồi tệ
VOV.VN - Cử tri Venezuela ngày 19/5 đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống, với chiến thắng gần như chắc chắn thuộc về đương kim Tổng thống Nicolas Maduro.
Đây là một sự kiện được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm bởi diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước và đối mặt với nhiều sức ép, đặc biệt là các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters
Khoảng 14.638 điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước Venezuela chính thức mở cửa lúc 16h (giờ địa phương) để đón tiếp 20,5 triệu cử tri đăng ký tham dự cuộc bầu cử sớm diễn ra chỉ trong 1 vòng và dự kiến đóng cửa lúc 18h cùng ngày.
Khoảng 300.000 cảnh sát và quân đội đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho sự kiện. Nhiệm kỳ Tổng thống tại Venezuela kéo dài 6 năm và nhiệm kỳ sắp tới sẽ bắt đầu từ tháng 1 năm sau.
Cuộc bầu cử Tổng thống lần này là cuộc đua giữa 4 ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Maduro, đại diện liên minh cánh tả Mặt trận tổ chức mở rộng và các ứng cử viên đối lập là cựu Thống đốc bang Lara Henri Falcon, Nhà truyền giáo Javier Bertucci và kỹ sư Reinaldo Quijada.
Trong dòng trạng thái đăng tải trên trang mạng cá nhân Twitter tối 19/5, Tổng thống Maduro tuyên bố, chính phủ và người dân Venezuela có nghĩa vụ và trách nhiệm phải bảo vệ quyền của mình được có một tương lai công bằng và thịnh vượng. Trong khi đó, ứng cử viên đối lập Falcon cho rằng, lợi thế không thuộc về bất kỳ ai một khi nhân dân quyết tâm thay đổi.
Hiện đương kim Tổng thống Maduro đang dẫn đầu kết quả các cuộc thăm dò dư luận tiến hành mới đây nhất ngay trước khi diễn ra các cuộc bỏ phiếu. Theo Khảo sát của công ty Dịch vụ thăm dò và khảo sát quốc tế, Tổng thống Maduro nhận dược gần 56% số phiếu ủng hộ, trong khi hai ứng cử viên tiềm năng nhất của phe đối lập là ông Falcon và ông Bertucci nhận được lần lượt là 24% và 16,2%, một khoảng cách khá lớn. Khảo sát cũng chỉ rõ có tới 67,5% số người được hỏi khẳng định sẽ đi bỏ phếu, trong khi tỷ lệ nói không với sự kiện này chỉ là 3,7%.
Phát biểu trước các quan sát viên quốc tế trước ngày bỏ phiếu, Tổng thống Maduro cam kết sẽ nỗ lực hết sức để có một kỳ bầu cử thành công và minh bạch: “Chúng ta sẽ có một tiến trình bầu cử tốt đẹp.
Cánh cửa của Venezuela, cánh cửa của các trung tâm bầu cử sẽ mở cửa cho tất cả các bạn. Và vì thế, sau khi các cuộc bầu cử kết thúc, các bạn hãy nói về tất cả những gì đã diễn ra, cả những điều tốt và chưa tốt. Tôi hy vọng, ngày 20/5 này sẽ là cuộc bỏ phiếu hoàn hảo nhất trong lịch sử Venezuela trong những năm gần đây”.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh, chính quyền của Tổng thống Maduro đang phải đối mặt với nhiều sức ép, giữa lúc cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của đất nước và sức ép ngày càng tăng cả ở trong nước và ngoài nước. Liên minh đối lập lớn nhất là Bàn Đoàn kết dân chủ tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử vì cho rằng không đủ các yếu tố bảo đảm cho một tiến trình minh bạch.
Ngay trước khi cuộc bầu cử diễn ra, Chính phủ Mỹ đã tăng cường sức ép lên chính phủ của Tổng thống Maduro khi áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số quan chức nước này. Chính phủ Venezuela đã ngay lập tức có phản ứng, gọi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là một phần trong “chiến dịch gây hấn” có hệ thống của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và không có cơ sở pháp lý.
Tuyên bố của chính phủ Venezuela nêu rõ, không có gì ngạc nhiên khi trước thềm cuộc bầu cử mới, thời điểm mà người dân Venezuela đi bỏ phiếu để bảo vệ nền dân chủ, chính quyền Mỹ lại tiếp tục tìm cách làm hỏng sự kiện này.
Chịu tác động mạnh của tình trạng giá dầu giảm từ năm 2014, Venezuela, quốc gia Nam Mỹ với dầu mỏ chiếm tới 96% nguồn thu, đã chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, chỉ trong vòng 5 năm, GDP của nước này đã giảm 45% và dự báo trong năm nay sẽ giảm 15%, trong khi lạm phát là 13.800%./.
Bầu cử Venezuela: “Cuộc đua độc mã” của đương kim Tổng thống Maduro