"Bi kịch đau lòng" trong bầu cử đồng thời đầu tiên của Indonesia 2019
VOV.VN - Các trang mạng Indonesia hôm 25/4 gọi cuộc bầu cử đồng thời đầu tiên của nước này là "bi kịch đau lòng" khi số nhân viên bầu cử tử vong tăng.
Ông Rudy Prabowo, Trưởng ban bầu cử tại Pisangan Baru, phía Đông Jakarta đã mất sau 5 ngày làm nhiệm vụ bầu cử. Mặc dù nhà ông chỉ cách điểm bầu cử 100m nhưng trong suốt quá trình làm nhiệm vụ ông đã không thể về nhà do phải túc trực canh hòm phiếu, tránh gian lận xảy ra.
Nhân viên bầu cử Indonesia làm việc tại một điểm bỏ phiếu ở Jakarta. Ảnh: Hương Trà/VOV. |
Bà Sukaesih, vợ ông Rudy cho biết trước đó ông là một người khỏe mạnh và hoàn toàn không có vấn đề về sức khỏe.
Theo bà Sukaesih, vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, chồng bà thường về nhà vào đêm khuya vì nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc chuẩn bị cuộc bầu cử năm 2019. Cho tới ngày bầu cử chính thức và những ngày kiểm phiếu sau đó, khối lượng công việc rất nặng.
Chồng bà mỗi ngày chỉ ăn một bữa vào lúc 14h chiều: "Hôm đó, chồng tôi về nhà và nói cảm thấy chóng mặt. Sau đó ông đã bị nôn vài lần. Gia đình lập tức đưa ông đi cấp cứu nhưng ông đã qua đời ngay sau đó. Bác sĩ nói ông bị đau tim do suy kiệt sức khỏe".
Ông Rudy chỉ là một trong 144 trường hợp tử vong do kiệt sức trong bầu cử Indonesia năm 2019. Theo ủy ban bầu cử quốc gia, tính đến ngày 25/4, ngoài 144 trường hợp tử vong còn hơn 800 trường hợp đang cần sự hỗ trợ về y tế. Số người tử vong có ở khắp các tỉnh thành trên toàn Indonesia.
Theo ông Mafud MD, cựu Chủ tịch Tòa hiến pháp Indonesia, cuộc bầu cử đồng thời đầu tiên này cần phải có những đánh giá lại: "Có quá nhiều lỗ hổng trong Luật bầu cử Indonesia. Việc các nhân viên bầu cử tử vong là một ví dụ. Hơn 140 trường hợp tử vong, chưa kể đến các sĩ quan cảnh sát, là một điều đáng báo động. Tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá lại cuộc bầu cử này một cách nghiêm túc".
>> Xem thêm: Bi kịch thanh niên Nhật Bản đột tử do làm quá sức
Kết quả bầu cử ngày 22/5 tới đây mới được công bố nhưng số người hy sinh vì cuộc bầu cử có quy mô phức tạp này ngày một tăng.
Liệu việc vinh danh các nhân viên tử vong trong bầu cử là "Anh hùng dân chủ" có đủ để xoa dịu nỗi đau gia đình các nạn nhân hay không? Làm thế nào để khắc phục bi kịch đau lòng này? Đây là một vấn đề đang được đặt ra với các cấp chính quyền Indonesia./.