Đàm phán hạt nhân: Mỹ và Iran không dễ vượt qua những bất đồng
VOV.VN - Hai vấn đề gây bất đồng chính giữa 2 bên là quy mô chương trình làm giàu uranium của Iran trong tương lai và vấn đề lộ trình dỡ bỏ lệnh trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif ngày 9/11 gặp nhau tại Thủ đô Muscat, Oman, trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, trong một phát biểu tại Thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, khoảng cách giữa các bên vẫn còn khá lớn và không dễ vượt qua.
Diễn ra dưới sự chủ trì của Đại diện đặc biệt Liên minh châu Âu Catherine Ashton, cuộc gặp nhằm giúp các bên tiến gần hơn tới một thỏa thuận chấm dứt hơn 10 năm căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Kết thúc cuộc gặp, các bên không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, mà chỉ cho biết sẽ gặp lại nhau trong ngày 10/11.
Tuy nhiên, cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Mỹ CBS, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận, khoảng cách giữa các bên vẫn còn khá lớn: “Vấn đề hiện nay là phải xác định xem liệu các bên có thể lấp đầy các khoảng cách để Iran có thể tái hội nhập với cộng đồng quốc tế, để có thể dần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và để cộng đồng quốc tế có một sự đảm bảo thực sự và mạnh mẽ rằng Iran không phát triển vũ khí hạt nhân. Vẫn còn những khoảng cách lớn và chúng ta có thể sẽ không vượt qua được”.
Lâu nay, bất chấp việc Iran nhiều lần bác bỏ, song Mỹ và phương Tây vẫn cáo buộc Iran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự. Hai vấn đề gây bất đồng chính hiện nay giữa các bên là quy mô chương trình làm giàu uranium của Iran trong tương lai và vấn đề lộ trình, cũng như cơ chế dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Cũng trong ngày ngày 9/11, Ngoại trưởng Iran Zarif một lần nữa hối thúc Mỹ và phương Tây thể hiện thiện chí. Theo ông, nếu làm được điều này thì một thỏa thuận toàn diện hoàn toàn là có thể: “Những bất đồng lớn nhất hiện nay là quy mô chương trình làm giàu uranium và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Phương Tây cần phải hiểu được rằng, các lệnh trừng phạt không phải là một phần của giải pháp, mà là vấn đề lớn nhất cản trở các bên đi tới một thỏa thuận toàn diện. Về bản chất, những lệnh trừng phạt này là bất hợp pháp và cần phải được dỡ bỏ bởi nó không tạo ra kết quả tích cực nào”.
Các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Iran diễn ra trong bối cảnh những ngày qua xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi một bức thư cho lãnh tụ tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei về cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Điều đáng nói là trước đó, Chính phủ Mỹ từng bác bỏ một đề xuất của các quan chức Iran, theo đó Iran sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tại Iraq và Syria, đổi lại nhận được một sự linh hoạt của phương Tây trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Ngày 9/11, Tổng thống Obama không xác nhận việc gửi bức thư này, song cảnh báo, trong bất kỳ trường hợp nào, người Mỹ cũng không gắn vấn đề hạt nhân với cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Tới nay, Iran vẫn từ chối tham gia liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo do nghi ngờ động cơ thực sự của Mỹ.
Trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là tới thời hạn chót mà các bên đặt ra để đạt được thảo thuận cuối cùng, các vấn đề chính trị nội bộ tại Iran và Mỹ cũng có thể khiến các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn. Tại Mỹ, đó là kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, với chiến thắng của đảng Cộng hòa tại cả 2 viện Quốc hội. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa lâu nay vẫn yêu cầu không được đẩy nhanh việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran, vấn đề chính đang gây bất đồng lớn giữa Iran và phương Tây.
Còn tại Iran, Ngoại trưởng Zarif cũng đang đối mặt với những sức ép. Một số nghị sĩ Quốc hội, do các đảng bảo thủ chiếm đa số, nhiều lần nhấn mạnh, để có hiệu lực, thỏa thuận cuối cùng phải được Quốc hội thông qua. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, dù khoảng cách giữa các bên còn khá lớn, song nếu vượt qua được và chấm dứt những căng thẳng kéo dài hàng thâp kỷ qua, thì đây chắc chắn là một thành công ngoại giao đối với cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Rouhani./.