Đàm phán hòa bình Trung Đông tiếp tục gặp nhiều trở ngại
VOV.VN - Hòa đàm giữa Israel và Palestine gặp nhiều khó khăn khi các bên không những từ chối yêu cầu của nhau mà còn đặt thêm điều kiện.
Các nhà đàm phán Israel và Palestine ngày 13/4 lại có cuộc gặp tại Jerusalem trong một nỗ lực mới nhất nhằm cứu vãn cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ làm trung gian đang đứng bên bờ vực sụp đổ.
Trong nỗ lực mới nhất nhằm khai thông “bế tắc” trong đàm phán hòa bình Trung Đông, các nhà đàm phán Israel và Palestine tối qua (13/4) tiếp tục một cuộc họp kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ tại Jerusalem.
Vấn đề khu định cư Do Thái vẫn ngáng trở nỗ lực đàm phán hòa bình Trung Đông (Ảnh AFP) |
Tham dự cuộc họp này có trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat, Bộ trưởng tư pháp Israel- Trưởng đoàn đàm phán Israel Tzipi Livni và đặc phái viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu- ông Yitzhak Molcho.
Tuy nhiên, cuộc gặp thiếu vắng sự góp mặt của nhà trung gian hòa giải Mỹ Martin Indyk và đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ tiến triển rõ ràng nào.
Hãng tin Ma’an dẫn nguồn tin từ chính quyền Palestine cho biết, tại cuộc gặp này, đoàn đàm phán của Palestine đã từ chối lời kêu gọi của trưởng đoàn đàm phán Israel Tzipi Livni, hối thúc Palestine từ bỏ ý định gia nhập 15 hiệp ước, công ước quốc tế và Liên Hợp Quốc với tư cách nhà nước Palestine.
Các nhà đàm phán Palestine cũng từ chối kéo dài tiến trình đàm phán hòa bình vốn sẽ kết thúc vào cuối tháng này, nếu Israel không nhất trí thả nhóm tù nhân Palestine cuối cùng, đồng thời yêu cầu Israel ngừng hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng của Palestine trước khi hai bên tiến hành thảo luận thêm về nhiều vấn đề quan trọng khác.
Mặc dù cuộc gặp đã kết thúc mà không đạt tiến bộ nào về việc kéo dài các cuộc hòa đàm do Mỹ làm trung gian hiện nay, nhưng hai bên vẫn nhất trí tiếp tục gặp nhau vào ngày mai (15/4) hoặc 16/4 tới.
Các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine ngày càng rơi vào bế tắc sau khi Israel từ chối thả các tù nhân Palestine cuối cùng theo một thỏa thuận trước đó, và Palestine trả đũa bằng việc đệ đơn gia nhập 15 hiệp ước, công ước quốc tế và Liên Hợp Quốc.
Nỗ lực cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông càng lu mờ hơn khi ngày 10/4, Israel đã tăng cường trừng phạt kinh tế Palestine bằng cách ngừng chuyển cho chính quyền Palestine tiền thuế mà Israel thu hộ.
Israel cũng tuyên bố ngừng tham gia khai thác chung một mỏ khí đốt ngoài khơi Dải Gaza với Palestine và hạn chế tiền gửi của Palestine tại các ngân hàng Israel.
Một động thái mới nhất cho thấy tiến trình hòa bình càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết, khi hôm qua (13/4), trả lời phỏng vấn báo giới tại Ramallah, nhà đàm phán Palestine Mohamed Ishtaya nhấn mạnh rằng, không có lý do gì để Palestine kéo dài cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp hiện nay với Israel sau 9 tháng đàm phán không đạt tiến triển.
Ông Ishtaya cho biết “nếu đàm phán chỉ để đàm phán thì không cần kéo dài thêm nữa”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon cùng ngày đã phê chuẩn kế hoạch cho người Do Thái trở lại một khu nhà định cư đang gây tranh cãi ở Hebron, thuộc Bờ Tây- một động thái cũng được cho là sẽ góp phần gây trở ngại cho các cuộc hòa đàm vốn gặp nhiều trắc trở hiện nay.
Mặc dù hai bên nhất trí tiếp tục tổ chức các cuộc gặp trong thời gian tới, song việc Tel Aviv tuyên bố áp đặt trừng phạt cũng như hạn chế tiếp xúc với chính quyền Palestine cũng đặt tiến trình hòa bình Trung Đông đứng trước không ít những khó khăn.
Dưới sức ép của các nhà trung gian Mỹ, Israel và Palestine đã đến gần hơn thỏa thuận kéo dài hòa đàm sau thời hạn chót ngày 29/4 tới.
Không kỳ vọng về một thỏa thuận vào thời hạn chót, song để thu hẹp bất đồng sâu sắc, Israel và Palestine không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán, nhất là trong thời điểm tiến trình hòa bình Trung Đông đang bước vào giai đoạn then chốt, đòi hỏi các bên cần nhanh chóng thỏa hiệp./.