Hòa bình Trung Đông rơi vào bế tắc
VOV.VN - Đối với những bất đồng then chốt giữa Palestine và Israel thì có lẽ còn lâu con tàu hòa bình Trung Đông mới được khởi hành.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 2/4 đã hủy chuyến thăm được lên kế hoạch tới Jerusalem và Ramallah chỉ hai giờ sau khi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ký 12 văn kiện quốc tế mà Nhà nước Palestine chủ trương tham gia và sau khi Israel mời thầu xây dựng 700 căn nhà ở vùng lân cận Jerusalem, vượt qua Giới tuyến Xanh. Như vậy, những nỗ lực của Mỹ nhằm đạt được một thỏa thuận tiếp tục quá trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine tiếp tục rơi vào khủng hoảng khi các bên vẫn bất đồng quan điểm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong một cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bàn về hòa bình Trung Đông (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo Palestine tại một cuộc họp được truyền hình trực tiếp từ thành phố Ramallah thuộc khu Bờ Tây sau khi ký các văn kiện mà Palestine sẽ sử dụng để xin gia nhập các tổ chức quốc tế, ông Abbas nói rõ rằng ông không muốn từ bỏ đàm phán hòa bình và lên án sự trì hoãn thả tù nhân của phía Israel.
Ông Abbas khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực của chúng tôi để đạt được một giải pháp hòa bình thông qua các cuộc đàm phán. Với chúng tôi, hòa bình phải đạt được cùng với việc thành lập một nhà nước Palestine theo đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là Thủ đô. Đây là điều kiện để nhà nước Palestine sống bên cạnh Israel trong hòa bình và an ninh. Chúng tôi cũng đánh giá cao những nỗ lực của Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực này ".
Các thành viên hàng đầu của phong trào Fatah và Tổ chức Giải phóng Palestine đã ủng hộ hành động này của ông Abbas, một động thái bị Mỹ và Israel coi là một sai lầm sâu sắc. Ban lãnh đạo Palestine cũng đã đồng ý cho Mỹ 24 giờ để thực hiện các nỗ lực trung gian hòa giải trong bối cảnh phía Israel xúc tiến các gói thầu xây dựng mới vượt qua Giới tuyến Xanh.
Ngay sau những động thái trên của Palestine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thông báo hủy bỏ chuyến thăm tới khu vực Bờ Tây vào ngày hôm nay (2/4). Hiện chưa rõ nguyên nhân ông Kerry hủy bỏ cuộc gặp với Tổng thống Palestine Abbas.
Tuy nhiên, ông Kerry khẳng định vẫn còn nhiều triển vọng cho tiến trình hòa bình mặc dù cuộc tranh cãi giữa Palestine và Israel đang đe dọa làm suy yếu những nỗ lực của ông tìm cách kéo dài thời gian cuộc đàm phán. Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định các nỗ lực cho tiến trình đàm phán hòa bình sẽ tiếp tục, nhưng phụ thuộc vào các bên liên quan.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry lần thứ 2 trong vòng 1 tuần đã phải thay đổi lịch trình và vội vã quay lại Trung Đông trong nỗ lực cứu vãn tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine. Tiến trình do Mỹ làm trung gian này đang phải đối mặt với khủng hoảng khi Israel từ chối tiến hành đợt thả tù nhân cuối cùng nhằm đạt được một cam kết của Palestine tiếp tục đàm phán sau khi thời hạn chót cuối tháng 4 tới kết thúc.
Theo các nhà phân tích, với sự quay trở lại Trung Đông lần này, ông Kerry muốn phát đi thông điệp rằng, Mỹ tin tưởng vẫn còn cách để cứu vãn đàm phán, song nếu các bên không cho thấy quyết tâm thì sự kiên nhẫn của Mỹ không phải là không có giới hạn. Sự ra đi vội vã của ông Kerry cũng khiến dư luận không khỏi hồ nghi về quyết tâm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ.
Nhìn toàn cục, những mâu thuẫn hiện tại giữa Israel và Palestine xung quanh vấn đề thả tù nhân chỉ là một vấn đề nhỏ trong bất đồng giữa hai nước. Mấu chốt của vấn đề là việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, một trong những động thái từng đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào sự sụp đổ 3 năm trước đây.
Dư luận cho rằng, hành động này của Israel đã "dội gáo nước lạnh" vào những nỗ lực lâu nay của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ trong việc đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Chính vì thế, các chuyên gia phân tích chính trị nhận định, đối với những bất đồng then chốt giữa Palestine và Israel thì có lẽ còn lâu con tàu hòa bình Trung Đông mới được khởi hành./.