Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 1/6
VOV.VN - Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 1/6.
Ukraine có thể mất toàn bộ Donbass trong vài ngày hoặc vài tuần: Tướng Đức đã nghỉ hưu Roland Kater cho rằng Ukraine sẽ mất quyền kiểm soát toàn bộ Donbass "trong một vài ngày hoặc vài tuần".
"Tôi cho rằng Nga đã thay đổi chiến lược trong những ngày và tuần qua. Họ đã dồn sự chú ý vào Donbass và tập trung lực lượng trên quy mô lớn ở đây”, ông Kater nhận định. Ông cũng nhấn mạnh, các lực lượng của Nga hiện đang có ưu thế vượt trội hơn hẳn so với quân đội Ukraine, khiến cho Kiev gần như không còn cơ hội chiến thắng. Theo ước tính của Tướng Kater, việc Nga kiểm soát Donbass chỉ là "vấn đề trong một vài ngày hoặc một vài tuần".
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc dừng tư cách thành viên trong NATO: Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể dừng tư cách thành viên của nước này trong NATO hoặc tiến hành những động thái nhất định với liên minh quân sự này nếu các nước EU tăng cường gây sức ép lên Ankara, học giả nghiên cứu cấp cao Ivan Safranchuk thuộc Viện quan hệ quốc tế Moscow cho hay.
>> Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cân nhắc dừng tư cách thành viên trong NATO
Đức cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine thông qua Hy Lạp: Phát biểu trong buổi họp báo tại Brussels khi đang tham dự cuộc họp Thượng đỉnh đặc biệt của Liên minh châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Đức sẽ chuyển giao các xe chiến đấu bộ binh của Đức cho Hy Lạp và sau đó Hy Lạp sẽ chuyển các loại vũ khí từ thời Xô Viết trong kho vũ khí của nước này cho quân đội Ukraine.
Tuy Thủ tướng Đức Olaf Scholz không nêu chi tiết nhưng giới quan sát nhận định, Đức có thể chuyển giao khoảng 100 xe chiến đấu bộ binh Marder cho Hy Lạp và đổi lại, Hy Lạp sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine các xe chiến đấu bộ binh BMP do Liên Xô sản xuất trước đây.
Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga: Chính quyền Canada đã bổ sung thêm 4 công ty và 22 cá nhân vào danh sách trừng phạt của họ đối với Liên bang Nga. Điều này đã được thông báo trên trang của chính phủ Canada. Đặc biệt, trong danh sách trừng phạt đã bổ sung nhà vô địch Olympic Alina Kabaeva, ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) và ngân hàng Đầu tư-thương mại (Investtorgbank).
Mỹ tuyên bố không cung cấp vũ khí có thể tấn công Nga từ bên trong Ukraine: "Chúng tôi đã khẳng định rõ ràng ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các vũ khí tự vệ trước cuộc tấn công của Nga. Chúng tôi sẽ không cung cấp các loại vũ khí cho phép Ukraine tấn công Nga từ bên trong Ukraine và Tổng thống Biden đã tuyên bố rõ về điều đó", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho hay trong cuộc họp báo đánh dấu việc Mỹ kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi sẽ không trở thành một bên trong cuộc chiến này", Đại sứ Mỹ khẳng định.
Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu: Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã định hình lại thị trường dầu mỏ trên toàn cầu khi châu Phi nắm bắt cơ hội để đáp ứng nhu cầu của châu Âu và Nga đang tăng cường khai thác các chuyến tàu để đưa dầu thô sang châu Á.
>> Chiến sự Nga - Ukraine “vẽ lại” thị trường dầu mỏ toàn cầu
Ukraine nói Nga đã kiểm soát "hầu hết Severodonetsk": Serhiy Hayday, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Lugansk cho biết quân đội Nga hiện đã kiểm soát hầu hết thành phố Severodonetsk song phủ nhận việc quân đội Ukraine trong khu vực này đã bị bao vây.
Ông Hayday cũng cho biết: "Hiện không có khả năng để rời Severodonetsk. Việc thoát khỏi nơi này rất nguy hiểm và có cơ hội rất nhỏ". Ông nhận định, mục tiêu của Nga là bao vây quân đội Ukraine và muốn kiểm soát toàn bộ Lugansk nhanh hơn. Nếu Nga kiểm soát được Severodonetsk, thành phố Lysychansk sẽ là khu đô thị cuối cùng ở Lugansk còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Tổng thống Romania cảnh báo những rủi ro ngày càng tăng ở Biển Đen: Tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của các nước trong Liên minh châu Âu, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã cảnh báo với các nhà lãnh đạo EU về những nguy cơ ngày càng gia tăng ở khu vực Biển Đen do hậu quả của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Ông Iohannis bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây đặc biệt là các vấn đề liên quan tới an ninh, nhân đạo tại khu vực này. Romania cũng là một trong những cửa ngõ lớn đã tiếp nhận số lượng lớn người di tản từ Ukraine sang nhất là trong thời điểm đầu cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Nga và Ukraine từng "suýt" ký được thỏa thuận hòa bình: Nga và Ukraine từng tiến gần đến việc ký kết một thỏa thuận hòa bình nhưng các lực lượng bên ngoài chi phối Kiev đã không để điều đó xảy ra, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko cho hay.
Bỉ kêu gọi EU dừng các lệnh trừng phạt chống Nga: Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo hoan nghênh thỏa thuận của EU về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, song kêu gọi "tạm dừng" trừng phạt thêm, cho tới khi thấy được tác động của chúng.
"Với Bỉ, gói trừng phạt này là một bước tiến lớn nên hãy tạm dừng ở đây và chờ tác động của nó", Thủ tướng Bỉ nhận định. Ông cũng cho rằng ưu tiên hiện nay là tìm ra biện pháp tốt nhất để "giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát".
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ không tìm cách kéo dài cuộc xung đột Nga-Ukraine: Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong cuộc khủng hoảng hiện tại không nhằm mục đích làm tổn thương Nga và Washington không tìm cách kéo dài cuộc xung đột. Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí tối tân hơn cho Ukraine song giới hạn ở các loại vũ khí tấn công tầm ngắn.
Các nước lớn trong EU phản đối trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine: Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết, chỉ có Italy ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên EU, trong khi hầu hết các nước lớn trong khối đều phản đối. Ông Draghi nói rằng vào tháng 6 các quan chức EU sẽ soạn thảo một đề xuất nhanh chóng về cách Ukraine có thể gia nhập liên minh.
Ukraine tiết lộ mất từ 60 - 100 binh sỹ mỗi ngày, thừa nhận tình hình rất khó khăn: Trả lời phỏng vấn kênh Newsmax, ông Zelensky nói: “Tình hình tại miền Đông Ukraine rất khó khăn. Chúng tôi mất từ 60 đến 100 binh sỹ mỗi ngày và khoảng 500 người bị thương trong chiến đấu”.
Ông Zelensky cũng cáo buộc Nga đang ngăn chặn việc vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen, đồng thời cho rằng, để phá vỡ sự phong tỏa của Nga, Ukraine cần phải có những loại vũ khí với tầm bắn hiệu quả từ 120 đến 140km.
Nga phản đòn, nối dài danh sách các nước châu Âu bị cắt khí đốt: Sau Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch và Đức là những cái tên mới nhất bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Động thái được cho là đòn trả đũa mới của Nga đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
>> Nga phản đòn, nối dài danh sách các nước châu Âu bị cắt khí đốt
Xung đột Nga-Ukraine đến bước ngoặt quyết định, các bên thay đổi mục tiêu: Gần 100 ngày kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, giao tranh vẫn tiếp diễn và chưa bên nào tuyên bố hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Nhiều nhà phân tích cho rằng, viễn cảnh sẽ là một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài./.