Diễn biến trên bán đảo Triều Tiên phức tạp, khó đoán định
(VOV) - Trước những tuyên bố của Triều Tiên, nhiều nước đã tỏ ra lo ngại về tình hình bất ổn sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Ngày 30/3, Triều Tiên đã phát đi lời tuyên bố về “đã đến lúc bước vào tình trạng chiến tranh” đối với Hàn Quốc, và cũng cảnh báo rằng nếu bị “o ép” quá, Bình Nhường cũng không ngần ngại khi tiến hành “một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Nhà lãnh đạo Kim Yong-un ký lệnh đưa tên lửa lên bệ phóng (Ảnh Reuters) |
Đây là lời đe dọa mạnh mẽ nhất của Bình Nhưỡng trong tháng vừa qua đối với những tuyên bố của Hàn Quốc và việc điều máy bay B52 và máy bay tàng hình B2 của Mỹ tới Hàn Quốc.
Trước đó vào khoảng thời gian 1950-1953, Chiến tranh Triều Tiên đã từng xảy ra do sự chia cắt tạm thời của Liên Xô và Hoa Kỳ. Sau đó hai miền Nam, Bắc Triều Tiên được ổn định với một Hiệp định đình chiến.
Tuy nhiên vào đầu tháng 3/2013, Triều Tiên tuyên bố vô hiệu hóa hiệp định đình chiến với mục đích phản đối cuộc tập trận chung của Mỹ-Hàn.
Trước những tuyên bố của Triều Tiên, nhiều nước đã tỏ ra lo ngại về tình hình bất ổn sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Đầu tiên là phản ứng của người dân Hàn Quốc. Đa số họ cho rằng, họ không muốn một cuộc chiến tranh nào xảy ra, và mong muốn rằng Chính phủ hai nước sẽ tìm ra giải pháp hợp lý cho vấn đề này.
Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Mỹ ngày 30/3 trong bài phát biểu trên truyền hình CBS cho rằng, ít có khả năng chiến tranh sẽ xảy ra.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng tỏ ý không e sợ trước động thái của Triều Tiên và sẵn sàng đối phó với những hành động của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Australia Bob Carr chỉ trích rằng, động thái Triều Tiên làm gia tăng mối đe dọa đối với sự an toàn của người dân trong khu vực. Ông cũng cho biết Australia đang xem xét áp đặt trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đảm bảo thực thi chặt chẽ lệnh trừng phạt Triều Tiên.
Quan chức Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề Triều Tiên, Grigory Logvinov kêu gọi các bên "kiềm chế và thể hiện trách nhiệm tối đa, không bên nào vượt quá giới hạn". Ông Logvinov nhấn mạnh: “Nga không thể tiếp tục thờ ơ khi căng thẳng leo thang tại biên giới phía Đông của Nga. Nga cũng đang tham vấn với các bên đối tác trong tiến trình đàm phán sáu bên là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng lo ngại rằng các hành động quân sự đã vượt tầm kiểm soát, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm xấu đi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Các nhà phân tích chính trị thì cho rằng, diễn biến hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên là rất phức tạp và khó xác định rõ. Giáo sư Yang Moo-jin chuyên nghiên cứu tình hình Triều Tiên tại trường Đại học Kyung-nam của Hàn Quốc nhận định rằng: “Tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên không hẳn là chiến tranh, nhưng rất phức tạp và khó xác định. Theo tôi, phía Triều Tiên đang cố gắng thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước, đồng thời thúc giục Chính phủ Hàn Quốc thay đổi chính sách và hướng tới đối thoại. Hành động của các bên đều góp phần đẩy tình hình bán Bán đảo Triều Tiên trở nghiêm trọng”.
Triều Tiên cũng đã đề cập đến khả năng đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong ở biên giới hai miền, nếu Seoul tiếp tục có các hành động "xúc phạm" Bình Nhưỡng.
Trước đó, Triều Tiên đã đặt các đơn vị tên lửa chiến lược vào vị trí sẵn sàng tấn công, nhằm vào các mục tiêu là căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc và Thái Bình Dương./.