“Điện thoại đỏ” thời Chiến tranh Lạnh có phù hợp với Mỹ-Trung trong hiện tại?

VOV.VN - Dù chưa được chính thức đặt vấn đề với Bắc Kinh, chính quyền Biden muốn phát triển một công cụ liên lạc nhanh chóng, để đưa vào nỗ lực tổng thể nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chính  quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc khả năng thiết lập một đường dây nóng khẩn cấp với Chính phủ Trung Quốc, tương tự như hình thức “điện thoại đỏ” được thiết lập giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh cho phép hai bên liên lạc trực tiếp – một cách để ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.

CNN dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết, dù khái niệm này vẫn còn đang được thai nghén và chưa được chính thức đặt vấn đề với Bắc Kinh, chính quyền Biden muốn phát triển một công cụ liên lạc nhanh chóng, để đưa vào nỗ lực tổng thể nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một đường dây nóng với Bắc Kinh sẽ cho phép Tổng thống Biden hoặc các quan chức hàng đầu trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông ngay lập tức kết nối điện thoại hoặc gửi tin nhắn mã hóa tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hoặc những người thân cận của ông. Chẳng hạn như chia sẻ thông tin khẩn cấp về các động thái dịch chuyển quân sự đột ngột hoặc cảnh báo về các vụ tấn công mạng.

Ý tưởng thiết lập đường dây nóng với Trung Quốc ít nhất đã có từ thời chính quyền Obama, mặc dù vậy, khái niệm này chưa được hệ thống hóa thành một bản ghi nhớ an ninh quốc gia cho đến năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Các nguồn tin cho biết, chính quyền Biden đã tiếp tục theo đuổi ý tưởng này nhưng vẫn còn nhiều chi tiết cần tìm hiểu, bao gồm cả việc liệu người Trung Quốc có đồng ý sử dụng thiết bị này hay không.

Một đường dây nóng tương tự với Trung Quốc đã tồn tại từ lâu ở Lầu Năm Góc và chỉ được sử dụng cho các vấn đề liên quan đến quân sự nhưng hiếm khi nó được sử dụng.

Điều phối viên cấp cao khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kurt Campbell chia sẻ: “Chúng tôi có một đường dây nóng. Một vài lần chúng tôi sử dụng tới thì nó chỉ đổ chuông trong căn phòng trống suốt vài giờ đồng hồ”.

Vấn đề gặp phải với hệ thống liên lạc hiện tại, cùng với việc quân đội Trung Quốc ngày càng mạnh lên khiến giới chức an ninh quốc gia Mỹ lo ngại về khả năng xảy ra tính toán sai lầm với Trung Quốc và họ cảm thấy cần phải tăng cường giao tiếp nhiều hơn nữa.

“Có sự thiếu hụt đáng lo ngại về các công cụ quản lý sự cố trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Việc Chính phủ Mỹ theo đuổi thiết lập các đường dây liên lạc cho phép ứng phó với khủng hoảng hoặc ngăn chặn khủng hoảng là điều khá cấp thiết”, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Danny Russel nói.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền đã từ chối bình luận khi được hỏi về ý tưởng thiết lập “điện thoại đỏ” với Trung Quốc, nhưng nói rằng: “Nhìn chung, đương nhiên chúng tôi quan tâm đến việc đảm bảo sự cạnh tranh với Trung Quốc được quản lý một cách trách nhiệm. Chúng tôi đã làm rõ rằng mối quan hệ này được xác định bởi yếu tố cạnh tranh và chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh gay gắt đó, nhưng chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo sự cạnh tranh này không trở thành xung đột”.

Làm việc về các chi tiết kỹ thuật

Các quan chức tại Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia vẫn đang nghiên cứu xem đường dây nóng sẽ hoạt động như thế nào về mặt kỹ thuật, một số nguồn tin chia sẻ với CNN. Bước tiếp theo sẽ là phát triển khái niệm tổng thể và đưa nó vào kế hoạch của chính quyền Biden. Sau đó, đường dây này sẽ cần có sự chấp thuận của Nhà Trắng và các quan chức Trung Quốc trước khi được triển khai.

Trong khi “điện thoại đỏ” giữa Mỹ và Liên Xô được coi là công cụ hữu ích giúp tăng cường liên lạc trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh thì hiệu quả của mô hình liên lạc này trong bối cảnh quốc tế hiện nay bị đặt nhiều nghi vấn. Ví dụ, chính quyền Obama đã sử dụng đường dây nóng liên lạc với Điện Kremlin để cảnh báo Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm 2016, nhưng cảnh báo này đã bị bỏ qua.

Hiệu quả của đường dây nóng mới với Trung Quốc được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào cam kết của Bắc Kinh trong việc sử dụng nó và đặt nó ở vị trí ông Tập Cận Bình có thể thường xuyên tiếp cận.

“Sẽ có lợi khi thiết lập loại công cụ này để giới chức cấp cao trao đổi thông tin về các mối quan tâm chiến lược liên quan đến an ninh mạng, nhưng phải đảm bảo nó được kết nối với lãnh đạo một cách dễ dàng và nhanh chóng”, Chris Painter, cựu điều phối viên của Bộ Ngoại giao về các vấn đề mạng dưới thời Tổng thống Barack Obama nói.

Rắc rối từ Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Mỹ và các quốc gia khác đã không nhận được phản ứng kịp thời từ Trung Quốc đối với các vấn đề cấp bách. Ví dụ, trong năm ngoái, rất khó để nhận được câu trả lời từ Trung Quốc xung quanh vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19, các quan chức Mỹ cho biết.

"Có những thách thức khi tiếp cận các quan chức Trung Quốc trong thời điểm khó khăn. Điều đó phần lớn là do cách thức hoạt động của hệ thống phân cấp của họ từ trên xuống. Trong những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19, chúng tôi thường không nhận được bất kỳ phản hồi nào cho các câu hỏi quan trọng", một cựu quan chức Mỹ từng phục vụ tại Bắc Kinh cho biết.

Ý tưởng kết nối Nhà Trắng và Bắc Kinh đã được thảo luận ở mức độ lỏng lẻo trong nhiều năm, nhưng việc triển khai dường như luôn xa vời.

“Giảm thiểu rủi ro chiến lược có thể là ý tưởng tốt nhưng xét về khía cạnh nào đó, nó cũng như vệ sinh cơ bản để bảo vệ cơ thể bạn khỏi các yếu tố gây bệnh. Vấn đề trọng tâm ở đây đó là Bắc Kinh không thân thiện, cạnh tranh không lành mạnh và có tiềm lực lớn, vì vậy mà Mỹ phải tổ chức phòng thủ và đẩy lùi họ trên diện rộng”, David Feith – một cựu quan chức ngoại giao từng làm việc về Trung Quốc trong chính quyền Trump, cho rằng dù thiết lập một đường dây nóng có thể hữu ích thì Mỹ cũng không nên quá chú trọng vào nó.

Trong bối cảnh thách thức từ Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, các quan chức trong chính quyền của ông Biden đã công khai thừa nhận bản chất của những khó khăn thách thức đó và cho rằng có rất nhiều việc phải làm để giải quyết vấn đề.

“Nếu ai hỏi tôi có nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc có thể cùng tồn tại và chung sống trong hòa bình hay không thi câu trả lời của tôi là có. Nhưng tôi nghĩ rằng thách thức sẽ cực kỳ khó khăn cho thế hệ hiện tại và các thế hệ tiếp theo”, ông Campbell thừa nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ ủng hộ Australia phản đối các hành vi thương mại “không công bằng” của Trung Quốc
Mỹ ủng hộ Australia phản đối các hành vi thương mại “không công bằng” của Trung Quốc

VOV.VN - Chính quyền Mỹ vừa lên tiếng ủng hộ Australia trong bối cảnh nước này tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để phản đối việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang.

Mỹ ủng hộ Australia phản đối các hành vi thương mại “không công bằng” của Trung Quốc

Mỹ ủng hộ Australia phản đối các hành vi thương mại “không công bằng” của Trung Quốc

VOV.VN - Chính quyền Mỹ vừa lên tiếng ủng hộ Australia trong bối cảnh nước này tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để phản đối việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá đối với rượu vang.

Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa: Cuộc đua hạt nhân với Mỹ được “kích hoạt”?
Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa: Cuộc đua hạt nhân với Mỹ được “kích hoạt”?

VOV.VN - Việc Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa liệu có khiến Mỹ “kích hoạt” một cuộc đua hạt nhân mới?

Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa: Cuộc đua hạt nhân với Mỹ được “kích hoạt”?

Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa: Cuộc đua hạt nhân với Mỹ được “kích hoạt”?

VOV.VN - Việc Trung Quốc xây hơn 100 hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa liệu có khiến Mỹ “kích hoạt” một cuộc đua hạt nhân mới?

Lý do Trung Quốc ngần ngại “ăn miếng trả miếng” sau khi bị Mỹ áp thêm trừng phạt
Lý do Trung Quốc ngần ngại “ăn miếng trả miếng” sau khi bị Mỹ áp thêm trừng phạt

VOV.VN - Bị Mỹ đưa hàng loạt công ty vào danh sách đen nhưng Trung Quốc có những lý do riêng để ngần ngại, chưa vội “ăn miếng trả miếng”.

Lý do Trung Quốc ngần ngại “ăn miếng trả miếng” sau khi bị Mỹ áp thêm trừng phạt

Lý do Trung Quốc ngần ngại “ăn miếng trả miếng” sau khi bị Mỹ áp thêm trừng phạt

VOV.VN - Bị Mỹ đưa hàng loạt công ty vào danh sách đen nhưng Trung Quốc có những lý do riêng để ngần ngại, chưa vội “ăn miếng trả miếng”.

Mỹ tìm cách cản trở ý đồ của Trung Quốc săn tìm căn cứ khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Mỹ tìm cách cản trở ý đồ của Trung Quốc săn tìm căn cứ khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

VOV.VN - Tanzania, Campuchia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều đã nằm trong danh sách những địa điểm Trung Quốc đang “để mắt” tới. Giờ là cả Kiribati, cách quần đảo Hawaii của Mỹ gần 3.000km về phía Tây Nam.

Mỹ tìm cách cản trở ý đồ của Trung Quốc săn tìm căn cứ khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Mỹ tìm cách cản trở ý đồ của Trung Quốc săn tìm căn cứ khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

VOV.VN - Tanzania, Campuchia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều đã nằm trong danh sách những địa điểm Trung Quốc đang “để mắt” tới. Giờ là cả Kiribati, cách quần đảo Hawaii của Mỹ gần 3.000km về phía Tây Nam.

Muốn lập căn cứ tại Trung Á, Mỹ phải bước qua ải Nga - Trung
Muốn lập căn cứ tại Trung Á, Mỹ phải bước qua ải Nga - Trung

VOV.VN - Sự phản đối của Nga và Trung Quốc có thể làm tiêu tan kế hoạch đồn trú quân đội của Mỹ tại Trung Á sau khi rút hết quân khỏi Afghanistan

Muốn lập căn cứ tại Trung Á, Mỹ phải bước qua ải Nga - Trung

Muốn lập căn cứ tại Trung Á, Mỹ phải bước qua ải Nga - Trung

VOV.VN - Sự phản đối của Nga và Trung Quốc có thể làm tiêu tan kế hoạch đồn trú quân đội của Mỹ tại Trung Á sau khi rút hết quân khỏi Afghanistan

Mỹ lo ngại Trung Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân giống Nga
Mỹ lo ngại Trung Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân giống Nga

VOV.VN - Đại sứ Mỹ về Giải trừ Quân bị Robert Wood phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách phát triển các tàu ngầm không người lái và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân giống Nga.

Mỹ lo ngại Trung Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân giống Nga

Mỹ lo ngại Trung Quốc theo đuổi vũ khí hạt nhân giống Nga

VOV.VN - Đại sứ Mỹ về Giải trừ Quân bị Robert Wood phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách phát triển các tàu ngầm không người lái và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân giống Nga.