Điều gì giúp Campuchia thành công trong cuộc chiến chống Covid-19?
VOV.VN - Campuchia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa trở lại thương mại và du lịch toàn cầu bằng cách dỡ bỏ các quy định kiểm dịch với những khách du lịch được tiêm phòng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính từ ngày 15/11.
Điều này diễn ra hai tuần sau khi chính phủ Campuchia ban hành các chỉ thị mới, dẫn đến việc mở cửa trở lại các trường học, nối lại các chuyến bay và đưa nền kinh tế trở về trạng thái bình thường, song song với việc áp dụng quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và bắt buộc tiêm phòng kể từ ngày 1/11.
Vào ngày 15/11, thủ đô Phnom Penh đã chứng kiến tình trạng tắc nghẽn giao thông – điều chưa từng thấy kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ vào tháng 2 vừa qua, khiến quốc gia này phải thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 4.
Trong khi châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 và phần lớn các quốc gia Đông Nam Á vẫn đóng cửa đối với việc đi lại quốc tế hoặc kéo dài biện pháp kiểm dịch, việc Campuchia sớm mở cửa trở lại đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Vậy điều gì đã khiến đất nước này sớm kiểm soát được dịch bệnh?
Trang bị tốt và luôn sẵn sàng ứng phó
Trước hết, bằng cách tránh để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng trong năm 2020, Campuchia đã có quãng thời gian vô giá để chuẩn bị ứng phó với làn sóng mới. Nước này đã tăng cường dự trữ khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân thông qua chương trình mua sắm của chính phủ và nguồn cung từ các nhà tài trợ quốc tế.
Ông Bradley J. Murg, nhà nghiên cứu cấp cao nổi tiếng tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cho biết, các địa phương đã “mở cửa” theo đúng nghĩa đen và luôn có sự chuẩn bị tốt trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Bên cạnh đó, nước này cũng thực hiện một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh và tầm quan trọng của các biện pháp giãn cách xã hội.
Sau một sự kiện cộng đồng ngày 20/2 khiến dịch Covid-19 lây lan mạnh mẽ, Campuchia đã ra mắt hệ thống quét mã QR vào tháng 3 cho tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy vết liên lạc, tiếp xúc. Bên cạnh đó, sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng giúp nước này đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Đẩy mạnh chương trình tiêm chủng
Những yếu tố nói trên chắc chắn có tác động tích cực đến việc hạn chế dịch bệnh Covid-19 ở Campuchia. Nhưng giới phân tích cho rằng yếu tố chính thúc đẩy quá trình mở cửa trở lại là việc Campuchia đã triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Đặc biệt, nước này đảm bảo được nguồn cung vaccine và khả năng cung cấp vaccine.
Với khoảng 88% dân số được tiêm phòng, Campuchia đứng vị trí thứ 6 trên toàn cầu và đứng thứ 2 ở ASEAN, chỉ sau Singapore, về tỷ lệ tiêm chủng. Thời gian gần đây, Campuchia đã triển khai việc tiêm mũi tăng cường và sáng kiến này được thực hiện vượt xa kỳ vọng vào cuối tháng 10.
Campuchia không chỉ triển khai nhanh chóng mà còn tổ chức tốt việc tiêm chủng. Thời gian và địa điểm tiêm chủng do các địa phương tự sắp xếp, dựa trên lịch trình công việc của nhóm đối tượng, ưu tiên cho nhân viên chính phủ, nhân viên y tế và giáo viên.
Nước này cũng áp dụng “thẻ xanh” - một loại hồ sơ dựa trên mã QR, trong đó có thông tin về ngày tiêm và loại vaccine đã được tiêm. Để có thể tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào, người dân đều được yêu cầu phải có thẻ xanh. Những lo ngại ban đầu về thẻ vaccine giả cũng bị dập tắt vì tất cả người dân đều được tiêm miễn phí với tốc độ nhanh chóng.
Tuy vậy, vẫn chưa rõ kế hoạch mở cửa trở lại của Campuchia có “thuận buồm xuôi gió” hay không khi nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ xét nghiệm tại quốc gia này khá thấp. Trước đó ngày 15/11, Campuchia báo cáo ghi nhận 52 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với đánh giá của một số nhà quan sát. Tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã giảm từ 12,8% vào ngày 28/5 xuống còn 3,5% vào ngày 12/7. Sau đó thì dữ liệu không được công bố.
Các chuyên gia cho rằng Campuchia vẫn phải duy trì cảnh giác trước làn sóng dịch bệnh mới, đặc biệt khi thiết lập các quy trình hoạt động cho các trường học, các sự kiện văn hóa hay những sự kiện tụ tập đông người.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch của Campuchia – một trong những ngành quan trọng đóng góp nhiều cho GDP, đồng thời tác động trực tiếp đến toàn toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là kinh doanh khách sạn, bất động sản. Campuchia hy vọng rằng việc mở cửa trở lại sẽ giúp nước này phục hồi nền kinh tế và tạo động lực cho các thành viên ASEAN khác thực hiện những bước đi tương tự bằng cách thiết lập bong bóng du lịch hay các thỏa thuận đi lại trên “làn đường xanh”./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.