Đột phá sau tiến trình đàm phán hạt nhân Iran tại Thụy Sỹ
VOV.VN - Dù phải tạm thời gián đoạn, song các cuộc đàm phán được đánh giá là tích cực, tạo tiền đề cho các bên nối lại các cuộc đàm phán vào tuần tới.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 kéo dài 6 ngày qua tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ đã phải tạm thời đình chỉ ngày 20/3 do phái đoàn Iran phải trở về nước tham dự lễ tang mẹ của Tổng thống Hassan Rowhani.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá cao về kết quả của 6 ngày đàm phán: “Chúng tôi đã có các cuộc đàm phán tích cực, mang tính định hướng. Chúng tôi đã đạt được những tiến triển tích cực. Chúng tôi sẽ quay trở lại đây vào tuần tới”.
Về phía Iran, người đứng đầu tổ chức năng lượng hạt nhân Iran Ali Akbar Salehi cũng đánh giá cao tiến trình đàm phán góp phần mang đến nhận thức chung giữa các bên: “Các vấn đề kỹ thuật trong việc giải quyết chương trình hạt nhân đều diễn ra tích cực trong một số lĩnh vực, góp phần tăng cường nhận thức chung giữa các bên”.
Mặc dù các bên không nói rõ nội dung của đàm phán, song theo các nguồn tin gần gũi với tiến trình đàm phán cho biết, sau 6 ngày đêm đàm phán ráo riết, Iran và nhóm P5+1 cùng với Đức đã sơ bộ nhất trí về việc cho phép Iran giữ lại 6.000 trong hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân hiện có, thay vì 6 .500 như dự định trước đây.
Các thanh nhiên liệu này sẽ được tinh chế lại để giảm bớt hàm lượng urani tới mức không thể chế tạo được bom hạt nhân. Đây được xem là sự đột phá trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Bởi trước đây, Mỹ nhất quyết yêu cầu Iran chỉ được giữ lại 500- 1.500 hoặc tối đa là 4.000 thanh nhiên liệu hạt nhân; số thanh nhiên liệu còn lại sẽ được chuyển ra nước ngoài.
Giới chức Mỹ cho rằng, nếu đồng ý với các điều kiện này, Iran sẽ phải mất ít nhất một năm mới có thể chế tạo được bom hạt nhân. Còn với số thanh nhiên liệu hiện nay, theo ước tính của các chuyên gia, Iran chỉ cần từ 2-3 tháng là có thể chế tạo được một quả bom hạt nhân.
Đổi lại, Iran phải tạm ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân, các quan chức Mỹ cho biết tối thiểu là 10 năm, nhưng có thể kéo dài 15, thậm chí 20 năm.
Ngoài ra, Mỹ và các nước cũng sẽ sớm từng bước bãi bỏ các biện pháp bao vây phong tỏa kinh tế Iran. Trong quyền hạn của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama không cần phải thông qua Quốc hội, có thể tự quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế. Liên Hợp Quốc cũng sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những kết quả trên giữa Iran và nhóm P5+1 được đánh giá là sẽ mở ra hy vọng cho các bên đạt được một thỏa thuận khung vào trước cuối tháng 3 và thỏa thuận chi tiết toàn diện trước cuối tháng 6 tới.
Bà Cameli Entekhabifard, một chuyên gia phân tích sự kiện quốc tế nói: “Các kết quả đạt được sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Iran, giảm áp lực cho Chính phủ Iran. Qua đó, Iran có cơ hội để giải quyết các vấn đề khác của khu vực như Syria và Iraq.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán tiếp theo, được nhìn nhận là mang tính quyết định giữa Iran với nhóm P5+1, dự kiến được nối lại vào ngày 25/3 cũng tại Thụy Sĩ./.