G20 sẽ đóng vai trò điều phối nền kinh tế thế giới

Nhóm 20 nền kinh tế lớn và mới nổi (G20) đã bắt đầu họp tại thành phố Pittsburgh (Mỹ) với chương trình nghị sự là thắt chặt quy tắc tài chính và chống biến đổi khí hậu

>> Khai mạc Hội nghị G20

Với nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu thoát khỏi suy thoái, Hội nghị sẽ hướng sự chú ý tới vấn đề khi nào và bằng cách nào để rút các gói kích thích kinh tế của chính phủ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng, các nước G20 đã đạt được sự đồng thuận trên nguyên tắc chung về đề xuất hạn chế lương thưởng tại các ngân hàng vào cuối năm 2009. Mỗi nước sẽ đưa ra tiêu chuẩn riêng nhưng sẽ được Hội đồng Bình ổn tài chính G20 giám sát (một uỷ ban gồm các thống đốc ngân hàng cùng các cố vấn).

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling cảnh báo các chủ ngân hàng rằng, “thời kì vàng son” của họ đã qua và họ cần nhận ra thế giới đã thay đổi. Trong khi đó, Người phát ngôn chính phủ Mỹ bình luận, cải cách quy tắc tài chính là chủ đề quan trọng của Hội nghị tại Pittsburgh nhưng giải quyết sự mất cân đối kinh tế toàn cầu cũng cần được ưu tiên. Mỹ đề nghị các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, nhằm giảm thặng dư thương mại. Mỹ và châu Âu cũng khuyến khích tiết kiệm chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách về dài hạn.

 Một quan chức Mỹ cho rằng, G20 sẽ đóng vai trò mới như một tổ chức thường trực điều phối nền kinh tế thế giới.

Gần địa điểm diễn ra Hội nghị, cảnh sát đã bắn đạn cao su vào người biểu tình diễu hành muốn tiến vào trung tâm Hội nghị. Hội nghị lần trước của G20 tại London (Anh) vào tháng 4 cũng xảy ra những lộn xộn bên ngoài./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên