Hậu Brexit, Anh đang yếu thế trong cuộc đàm phán với EU?
VOV.VN - Sẽ còn rất nhiều tranh cãi xoay quanh những cuộc đàm phán với 27 thành viên còn lại của EU, và nước Anh không có nhiều lợi thế.
Sáu tháng đã trôi qua kể từ cuộc bỏ phiếu đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), đã tới lúc chính phủ và đội ngũ đàm phán của Anh phải tập trung vào nhiệm vụ quan trọng của mình.
Ảnh minh họa: Reuters
Thủ tướng Anh Theresa May không tiết lộ chi tiết về những gì bà hy vọng đạt được từ những cuộc đàm phán với 27 thành viên còn lại của EU. Nhưng với những vấn đề về chính trị, pháp lý và kinh tế hiện tại, sẽ còn rất nhiều sự tranh cãi xoay quanh những cuộc họp này, và nước Anh không có nhiều lợi thế.
Theo các nhà phê bình, những cuộc đàm phán sẽ như trò chơi trò poker: Hai người chơi với những quân bài và chiến lược bí mật. Một phép so sánh phù hợp hơn sẽ là trò blackjack, với nhà cái kiểm soát mọi việc và một quyết định sai lầm có thể là dấu chấm hết cho tay cờ bạc.
Những gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Bà Theresa May muốn kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon 2007, quy định về việc rời khỏi EU vào cuối tháng 3 của Anh. Mọi việc có thể không như ý muốn của Thủ tướng Anh khi mà các nhà làm luật có thể kéo dài thời gian. Nhưng khi hết thời hạn, các nhà đám phán sẽ chỉ có 2 năm để thống nhất những chi tiết của việc rời khỏi EU của nước Anh.
Các quan chức của EU muốn chốt thỏa thuận trong 18 tháng để có thời gian phê chuẩn. Việc xử lý những vấn đề nhức nhối như số tiền Anh sẽ phải trả để hoàn thành những thỏa thuận với EU trong thời gian ngắn như vậy sẽ rất khó khăn.
Để ổn định quan hệ thương mại của Anh với các nước EU, cũng như toàn thế giới trong thời hạn đó thậm chí còn khó hơn.
Đức và Pháp sẽ tiến hành bầu cử trong năm 2017. Điều này có thể sẽ hạn chế quá trình đàm phán của hai quốc gia này về vấn đề các nhà kinh doanh của Anh và thị trường rộng lớn EU hậu Brexit.
Nếu tới tháng 3/2019 các bên vẫn không đi đến sự đồng thuận, nước Anh sẽ phải ra khỏi EU và cố gắng đàm phán các thoản thuận mới với những đối tác chính của mình.
Vì thế, kỳ vọng về một thỏa thuận chuyển tiếp sẽ đảm bảo việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tài chính của Anh sẽ không bị cản trở đang gia tăng.
Nước Anh sẽ rời EU nhưng vẫn tuân thủ luật định của tổ chức này trong khi các nhà đàm phán thương mại tiếp tục công việc của họ.
Đó là viễn cảnh sẽ khiến những người ủng hộ Brexit không hài lòng. Khi mà với họ, sẽ là không thể chấp nhận được nếu tới năm 2019 việc rời khỏi EU vẫn chưa hoàn thành.
Viện Quý tộc, Thượng Nghị viện trong Quốc hội Anh, cho biết một thỏa thuận chuyển tiếp là rất cần thiết.
Còn theo nhận định từ Ủy ban Quốc hội, có rất ít khả năng một thỏa thuận chuyển tiếp sẽ đem lại rủi ro cho nước Anh. Thậm chí, một thỏa thuận như vậy sẽ giảm bớt áp lực cho quá trình đàm phán, mang lại lợi ích về mọi mặt.
Hội nghị thượng định EU cuối cùng năm 2016: Nóng vấn đề Brexit, Syria
Những vấn đề cần giải quyết
Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết: Nước Anh có theo đuổi vị trí thành viên trong Khu vực kinh tế châu Âu? Công dân các nước EU có còn được tự do đi lại trên đất Anh? Nước Anh có chấp nhận sự giám sát của tòa án EU hay không? Nước Anh có còn là thành viên của Liên minh thuế quan châu Âu hay không?
Và nếu câu trả lời cho các câu hỏi trên là “Không”, liệu nước Anh có sẵn sàng chấp nhận những rào cản thương mại?
Cho tới hiện tại, các nhà kinh doanh trên đất Anh vẫn khá bình thản trước những thay đổi có thể đến hậu Brexit. Tuy nhiên, họ cũng yêu cầu sự minh bạch hơn từ phía chính phủ.
Trước những thông tin trái chiều, Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố sẽ không bình luận về sự chuẩn bị cho Brexit. Nhưng những quan chức dưới quyền bà lại cung cấp nhiều thông tin nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Bộ trưởng chuyên trách về vấn đề Brexit, David Davis cho biết ông không hứng thú với một thỏa thuận chuyển giao với EU, nhưng cũng đã nói sẽ chấp nhận nếu cần thiết./.