Hội nghị COP29 thông qua 2 mục tiêu chủ chốt trong ngày bế mạc
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) sáng nay (24/11) đã bế mạc sau 13 ngày họp. Các đại biểu của gần 200 quốc gia tham dự hội nghị đã thông qua được 2 vấn đề quan trọng của mọi hội nghị COP là tài chính khí hậu và giảm phát thải.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev đã bế mạc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tại Baku vào sáng nay, sau khi các quốc gia thông qua mục tiêu tài chính toàn cầu 300 tỷ USD một năm để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận, được chốt lại khi hội nghị kéo dài thêm 2 ngày so với dự kiến.
Theo thỏa thuận mới, các quốc gia phát triển sẽ chi ít nhất 300 tỉ USD/năm trước năm 2035 để giúp các quốc gia phát triển xanh hóa nền kinh tế và chuẩn bị cho những thảm họa tồi tệ hơn. Số tiền tài trợ khí hậu này tăng thêm 200 tỷ USD so với con số 100 tỉ USD đã được cam kết nhiều năm trước đó nhưng vẫn được xem là quá ít để đối phó với với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay. Không ít các quốc gia đang phát triển đã chỉ trích thỏa thuận là quá thấp vì họ đã yêu cầu nhiều hơn thế.
Tuy nhiên theo nhiều ý kiến, dù vẫn còn nhiều hạn chế song đây được xem là động lực cho các nỗ lực quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu trong bối cảnh năm 2024 được cho là nóng nhất trong lịch sử, với tình trạng hạn hán, hỏa hoạn và bão gia tăng, gây thiệt hại chết người, gióng lên cảnh báo về sự khẩn cấp của việc bảo vệ môi trường.
Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rằng đột phá đòi hỏi lòng dũng cảm. Chúng tôi hiểu rằng việc đạt được tham vọng cao nhất có thể là rất khó khăn. Và chúng tôi yêu cầu mọi người phải dũng cảm. Chúng tôi kêu gọi các bạn nghĩ đến nhau. Và qua tất cả những thách thức này, chúng tôi vẫn tập trung vào ưu tiên đàm phán hàng đầu của mình.Đó là một mục tiêu tài chính khí hậu mới. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất mà tiến trình khí hậu đa phương từng thực hiện. Với bước đột phá này, mục tiêu tài chính Baku sẽ biến hàng tỷ thành hàng nghìn tỷ trong thập kỷ tới".
Trong một tuyên bố, trưởng đoàn khí hậu của Liên Hiệp Quốc Simon Stiell cũng thừa nhận thỏa thuận mới là chưa hoàn hảo song là nỗ lực của các bên: "Không quốc gia nào đạt được mọi thứ họ muốn. Và chúng ta rời Baku với một núi công việc phải làm. Vẫn còn nhiều vấn đề tưởng như không phải quá cấp thiết song nó lại chính là cuộc sống cho hàng tỷ người. Vì vậy, đây không phải là lúc để ăn mừng chiến thắng. Chúng ta cần đặt mục tiêu và tăng gấp đôi nỗ lực. Mặc dù vậy, chúng ta đã chứng minh rằng Thỏa thuận Paris của Liên Hợp Quốc đang mang lại kết quả. Nhưng các chính phủ vẫn cần phải tăng tốc. Tiến trình ở Baku đã đạt được một cách khó khăn. Tôi xin tri ân tất cả những người đã làm việc suốt ngày đêm. Ngay cả khi các bạn không đạt được mọi thứ mình mong muốn, những gì các bạn mang lại sẽ giúp hàng tỷ cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn".
Ngoài mục tiêu tăng số tiền tài trợ lên 300 tỷ USD, trước đó các nước tham gia Hội nghị cũng đã đạt được thỏa thuận về các quy tắc cho một thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Thị trường này được đánh giá sẽ huy động hàng tỷ USD cho các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên của Trái đất. Thỏa thuận đạt được xoay quanh cách đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu một cách đáng tin cậy.
Theo giới phân tích, thoả thuận đạt được tại COP29 tạo ra sự cân bằng phù hợp cho một bộ quy tắc rõ ràng để đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch mà không hạn chế khả năng tham gia của các quốc gia sẽ thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon. Giá trị của thị trường giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn có thể lên tới 250 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.