Iran cáo buộc Mỹ chèn ép châu Âu trong cơn khủng hoảng hạt nhân
VOV.VN - Mỹ đe dọa áp thuế 25% với ô tô nhập khẩu của châu Âu nếu Anh, Pháp, Đức không chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Hôm qua (16/1), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tố cáo chính quyền Tổng thống Mỹ Trump bắt nạt và chèn ép 3 nước Anh, Pháp và Đức, buộc 3 nước châu Âu này kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Các nước châu Âu bác bỏ cáo buộc, nhưng đã có những thay đổi quan điểm nhất định về Thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: Getty. |
Tờ Bưu điện Washington hôm qua (16/1) đưa tin, Mỹ đe dọa áp thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu của châu Âu nếu 3 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức không chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân.
Có lẽ vì thông tin này mà Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Zarif viết: "Chính xác là 3 nước châu Âu đã khuất phục. Họ gạt bỏ những thứ còn sót lại của Thỏa thuận hạt nhân để tránh thuế quan mới của Mỹ". Ông so sánh đe dọa của Mỹ giống như trò bắt nạt của học sinh ở trường trung học và khẳng định hành động đó sẽ không có tác dụng đối với Iran.
2 nhà ngoại giao châu Âu xác nhận Mỹ đã đe dọa áp thuế nhưng cho rằng, lãnh đạo 3 nước châu Âu đã quyết định kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp từ trước đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định châu Âu đã cảnh báo kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp từ nhiều tháng nay, chứ không phải chịu tác động từ đe dọa đánh thuế của Mỹ.
Để giải tỏa những nghi ngờ, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell hôm qua (14/1), đã có cuộc hội đàm “thẳng thắn” với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề 1 hội nghị tại Ấn Độ.
Ông Peter Stano, người phát ngôn Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách an ninh và đối ngoại cho biết: “Cao ủy Josep Borrell, và Ngoại trưởng Iran đã thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran và tình hình ở Trung Đông. Cao ủy Josep Borrell nhấn mạnh, Liên minh châu Âu vẫn muốn bảo toàn thỏa thuận và có thể đóng góp để giảm leo thang ở khu vực”.
Các nước châu Âu khẳng định không muốn rời bỏ thỏa thuận hạt nhân, ra các quyết định độc lập mà không chịu tác động từ Mỹ như phía Iran cáo buộc. Tuy nhiên, Anh, Pháp đã có một số thay đổi nhất định, tuy vẫn tuyên bố muốn cứu vãn thỏa thuận nhưng đã phần nào ngả sang lập trường của Mỹ.
Đó là việc Thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất đàm phán về 1 thỏa thuận mới thay thế, có tên là "Thỏa thuận Trump" thông qua đàm phán với Mỹ. Pháp cũng cho rằng, Iran cần tiến hành đàm phán rộng rãi hơn để tìm ra lối thoát, mà không nên khư khư giữ quan điểm chỉ đàm phán với Mỹ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ.
Giới quan sát cho rằng, việc Anh, Pháp, Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp cho thấy, quyết tâm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân của châu Âu đã yếu dần, và đây là bước đi tiến gần tới việc tái áp đặt các lệnh cấm vận lên Iran và khi đó Thỏa thuận hạt nhân sẽ tự động "khai tử".
Cho tới nay, Iran luôn kêu gọi châu Âu có cơ chế bảo vệ nước này trước các lệnh cấm vận của Mỹ, và nếu châu Âu tỏ ra bất lực thì Iran tiếp tục thu hẹp các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Mỹ tiếp tục siết chặt vòng vây cấm vận kinh tế và cô lập ngoại giao đối với Iran.
Trong động thái mới nhất để thực thi lệnh cấm vận mới, Bộ Tài chính Mỹ hôm qua ra thông cáo cho biết Mỹ sẽ cho phép một giai đoạn kéo dài 90 ngày để hủy bỏ các giao dịch với Iran trong các lĩnh vực bị tác động bởi lệnh cấm vận mới. Cụ thể là các lĩnh vực: xây dựng, khai khoáng, chế tạo và dệt may của Iran. Gọng kìm mà Mỹ dần siết chặt với Iran đã khiến nước này tiếp tục suy thoái nặng nề. GDP của Iran sụt giảm 4,6% trong năm tài chính 2019-2020 và có thể sụt tiếp 7,2% trong năm 2020. Khoảng 40 tỉ USD dự trữ ngoại hối đã biến mất trong hai năm qua./.
Thỏa thuận hạt nhân Iran cận kề kịch bản “đổ vỡ”
Mỹ ủng hộ EU kích hoạt giải quyết tranh chấp thỏa thuận hạt nhân Iran
Iran tuyên bố sẽ làm giàu uranium nhiều hơn