Iraq đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang do bất ổn tại Basra
VOV.VN - Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã mô tả tình trạng bạo loạn ở Basra là “sự phá hoại chính trị”.
Hôm qua (8/9), Quốc hội Iraq đã tiến hành một cuộc họp khẩn để thảo luận về “cuộc khủng hoảng liên quan đến dịch vụ công” ở thành phố Basra, miền Nam nước này, sau khi có tới 12 người biểu tình thiệt mạng, Lãnh sứ quán Iran tại đây bị đốt cháy và sân bay trên địa bàn bị trúng tên lửa.
Nhiều người biểu tình thiệt mạng trong cuộc đụng độ ở Basra, Iraq, ngày 6/9/2018. |
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã mô tả tình trạng bạo loạn ở Basra là “sự phá hoại chính trị”, trong khi nhiều nghị sĩ của các Đảng phái lớn Iraq đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ phải từ chức.
Hãng tin AFP đưa tin, cuộc biểu tình tại thành phố Basra, miền Nam Iraq đã bùng phát từ ngày 3/9, được xuất phát từ sự kiện 30.000 người dân trên địa bản thành phố phải nhập viện do uống phải nước ô nhiễm. Tình trạng thiếu nước sạch, mất điện và thất nghiệp đã gây ra sự phẫn nộ trong người dân tại thành phố này. Nhiều trụ sở chính quyền Basra đã bị người biểu tình đốt phá, Lãnh sứ quán của Iran đã bị đốt cháy; khiến Bộ Nội vụ Iraq phải đặt thành phố này trong tình trạng giới nghiêm.
Cũng theo Bộ này, tính đến ngày hôm qua (8/9), đã có ít nhất 12 người biểu tình thiệt mạng và 50 người khác bị thương trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình tại thành phố Basra và các lực lượng an ninh nước này. Tuy nhiên, con số này được cho là còn cao hơn theo một số nguồn tin y tế.
Trước tình hình cẳng thẳng như vậy, chiều qua (8/9), Quốc hội Iraq đã nhóm họp bất thường để bàn về những căng thẳng đang leo thang tại thành phố Basra. Tuy nhiên, cuộc họp đã cho thấy sự bất đồng quan điểm khá lớn giữa các Đảng phái chính trị trong Quốc hội Iraq khi các bên đã đổ lỗi trách nhiệm cho nhau về tình hình Basra hiện tại.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã sa thải nhiều quan chức an ninh Basra do không đảm đương được trách nhiệm bảo vệ an toàn cho các trụ sở chính quyền cũng như các cơ quan ngoại giao nước ngoài.
Ông al-Abadi cho rằng, dù lực lượng an ninh được lệnh cố gắng không được tấn công người biểu tình, song các cơ quan trọng yếu cần được ưu tiên bảo vệ. Thủ tướng Abadi cảnh báo các nghị sĩ Quốc hội, tình hình tại Basra có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột vũ trang nếu vấn đề không được giải quyết, đồng thời kêu gọi người dân biểu tình một cách ôn hòa và không để các thế lực “lợi dụng” chính trị hóa căng thẳng.
“Yêu cầu của người dân Basra là những đòi hỏi về các dịch vụ công – đó là những đòi hỏi mang tính công bằng. Ngoài các dịch vụ công, họ còn yêu cầu chính phủ tái thiết thành phố và tái thiết toàn bộ đất nước Iraq. Thực tế, Basra đang có tầm quan trọng đối với nền kinh tế Iraq. Do đó, chúng ta cần phải tránh chính trị hóa các vấn đề tại đây. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi điều đó đã xảy ra từ khi bắt đầu cuộc họp quốc hội đầu tiên hôm 3/9 vừa qua. Sẽ thật “nguy hiểm” khi biến căng thẳng tại đây thành những cuộc đụng độ vũ trang”, ông Abadi nói.
Theo một số quan chức an ninh tại Basra, đã có một số kẻ lạ mặt trà trộn tấn công người biểu tình nhằm gây ra sự phẫn nộ lớn hơn cho người dân tại đây. Hiện chính phủ Iraq đã quyết định gửi một phái đoàn quan chức và các nhân viên an ninh tới Basra để giải quyết vấn đề. Hiện tình hình tại Basra đã phần nào được ổn định.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, hai Đảng phái chính trị chiếm nhiều ghế nhất trong Quốc hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua-là Liên minh Hướng tới Cải cách và Liên minh Chinh phục, đã chỉ trích sự yếu kém của Chính phủ trong việc giải quyết khủng hoảng, đồng thời yêu cầu Thủ tướng An Abadi và các Bộ trưởng từ chức.
Nghị sĩ Sabah Al-Saidi cho biết: “Chính phủ phải chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra ở Basra. Những người không hoàn thành trách nhiệm của mình là Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thống đốc phải từ chức. Họ phải từ chức ngay bây giờ. Không ai có thể chối bỏ trách nhiệm của mình”.
Theo giới quan sát, căng thẳng tại Basra đang là một đòn giáng mạnh vào những hy vọng tiếp tục nắm quyền của Thủ tướng Abadi trong một nhiệm kỳ mới, đặc biệt trong bối cảnh quá trình thành lập chính phủ liên minh Iraq đang gặp một số khó khăn./.