Italy lâm vào bế tắc chính trị
(VOV) -Thế giới đều bày tỏ hy vọng Italy có thể tìm ra một giải pháp để phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.
Quốc hội mới taly ngày 15/3 bắt đầu phiên họp đầu tiên để tiến hành bầu lãnh đạo của Hạ viện và Thượng viện song lại lâm vào bế tắc.
Tình hình này đã được giới quan sát dự đoán trước bởi không có đảng nào giành được thắng lợi áp đảo sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. (ảnh: Reuters) |
Trong cuộc bầu cử cuối tháng trước, Liên minh Trung tả đã giành thắng lợi tại Hạ viện nhưng không nắm được quyền kiểm soát tại Thượng viện. Vì vậy, để thành lập được một chính phủ ổn định, phe trung tả phải liên minh với phe trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hoặc đảng Phong trào 5 Sao (M5S) của danh hài Beppe Grillo.
Tuy nhiên, việc phe trung tả liên minh với phe trung hữu chắc chắn không thể xảy ra bởi lãnh đạo trung tả Pier Luighi Bersani từng lên tiếng thẳng thừng bác bỏ khả năng này. Trong khi đó, những nỗ lực của ông Berlusconi nhằm đạt được thỏa thuận liên minh với đảng Phong trào 5 sao đến nay vẫn bị cự tuyệt. Việc Italy tiếp tục bước sang tuần thứ ba mà chưa có dấu hiệu thành lập được chính phủ mới vì “trò chơi chính trị không khoan nhượng” của các đảng phái ở đây khiến người dân thất vọng về những lá phiếu của họ. Một nữ cử tri ở Roma bày tỏ: “Giờ chẳng còn gì là sự nghiêm túc hay danh dự nữa. Tôi không biết phải trông mong gì vào chính trường Italy bây giờ. Chỉ đọc báo xem tivi những ngày qua cũng khiến tôi lo lắng”.
Giới kinh doanh, các chủ ngân hàng và lãnh đạo các nước trên thế giới đều bày tỏ hy vọng Italy có thể tìm ra một giải pháp để phá vỡ tình trạng bế tắc chính trị hiện nay và thành lập một chính phủ có khả năng tiến hành những cải cách cần thiết nhằm đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, dư luận vẫn đặt ra kịch bản Italy phải bầu cử lại.
Trưởng khoa Chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế của trường Đại học Hoa Kỳ tại Roma (AUR), ông James Walston cho rằng, bế tắc chính trị này có thể kéo dài đến tuần sau, thậm chí dẫn tới một cuộc bầu cử lại trong 2 đến 3 tháng nữa. Ông nói: “Chỉ có khả năng rất ít rằng Italy sẽ có một chính phủ chiếm thiểu số tại Quốc hội do lãnh đạo trung tẻ Bersani đứng đầu. Khả năng là Italy sẽ có một chính phủ kỹ trị nữa nhưng nhân vật lãnh đạo vẫn chưa rõ ràng. Vì thế, kết quả có thể là một cuộc bầu cử mới tại Italy trong vòng 2 đến 3 tháng nữa”.
Bên cạnh việc bầu Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện, cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Italy còn nhằm mở đường cho Tổng thống Giorgio Napolitano bắt đầu tham vấn chính thức với lãnh đạo các đảng phải chính trị trong tuần sau để tìm hy vọng cho một thỏa thuận liên minh cầm quyền.
Trong trường hợp xấu nhất là Italy phải tổ chức bầu cử lại, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế vốn đang bất ổn của nước này, các thị trường sẽ rối loạn trở lại tiếp sau cuộc khủng hoảng đã khiến Chính phủ Silvio Berlusconi sụp đổ vào năm 2011./.